Kinh tế

Hợp tác Việt - Úc trong phát triển khai khoáng bền vững

Nằm trong khuôn khổ MINING VIETNAM 2016 - Triển lãm quốc tế hàng đầu trong ngành công nghiệp khai thác và khôi phục tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam vừa diễn ra ở Hà Nội, ngoài các gian hàng của 171 công ty của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trưng bày như Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Đức, Nga, Singapore, Anh… còn có các doanh nghiệp của Australia hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và kỹ thuật khai thác khoáng sản.
Tại buổi Hội thảo Kỹ thuật ngành khoáng sản Australia trong khuôn khổ "Mining Vietnam 2016", phái đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp vùng Hunter Valley (Hunternet) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và kỹ thuật khai thác khoáng sản đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong công tác khai thác bền vững.

Theo Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Australia thì Việt Nam là một đối tác quan trọng của Australia trong khu vực ASEAN. Ngành Khai thác Khoáng sản là động lực quan trọng trong việc phát tiển kinh tế cho cả Australia và Việt Nam. Bởi vậy, hai quốc gia có trách nhiệm cùng chia sẻ một số lợi ích chung, trong đó bao gồm các vấn đề về phát triển và an ninh năng lượng.



Quang cảnh sự kiện Mining Vietnam 2016 tổ chức tại Cung văn hóa Hữu Nghị Việt – Xô (Hà Nội). Ảnh: Thanh Giang



 Phái đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp vùng Hunter Valley, Australia
giới thiệu thông tin với khách tham quan triển lãm. Ảnh: TL Đại sứ quán Úc




Quang cảnh buổi hội thảo về công nghiệp khai thác và khôi phục tài nguyên khóang sản. Ảnh: Thanh Giang



Phái đoàn Năng lượng Việt Nam tham quan nhà máy điện Bayswater ở Newcastle, tháng 11/2015. 
Ảnh: TL Đại sứ quán Úc

Hunternet (Hiệp hội Doanh nghiệp vùng Hunter Valley) được các doanh nghiệp và giới học thuật ở Australia đánh giá là hiệp hội doanh nghiệp thành công nhất theo mô hình kinh doanh “cụm ngành với hơn 200 công ty thành viên, hoạt động trong lĩnh vực quản lý cơ sở hạ tầng và tài sản, tài nguyên và năng lượng, quốc phòng và chuỗi cung ứng chế tạo công nghệ tiên tiến tại Australia và trên toàn cầu
(
www.hunternet.com.au)
Cũng theo Ngài Đại sứ, hiện Australia là một trong những nước xuất khẩu than lớn nhất trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, đang trong quá trình thực hiện chương trình điện khí hóa nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế. Vốn trước đây từng là nước xuất khẩu than, nhưng hiện nay Việt Nam lại đang phải nhập khẩu mặt hàng này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, đặc biệt trong ngành điện. Bởi vậy, với trữ lượng than chất lượng cao, Australia có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng của Việt Nam.

Bên cạnh năng lực cung cấp than, Australia còn là một trong những quốc gia đi đầu trong ngành khai thác khoáng sản với 150 năm kinh nghiệm. Tại hội thảo, bà Janelle Casey, Tham tán Thương Mại Australia tại Việt Nam đã chia sẻ về tính đột phá và năng lực khai thác của ngành khai khoáng Australia. Do phải họat động trong môi trường khắc nghiệt bậc nhất thế giới, Australia đã phát triển và hoàn thiện công nghệ để ứng phó với điều kiện khắc nghiệt, từ đó nhằm đảm bảo năng suất mỏ, đạt tiêu chuẩn môi truờng cao và cân bằng giữa yếu tố thương mại và trách nhiệm đối với môi trường xã hội, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững. Với năng lực này, Australia có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển ngành khai thác khoáng sản và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả.

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản to lớn chưa được khai thác, nằm rải rác khắp lãnh thổ: Khoảng 8,8 tỷ tấn than trong lưu vực Đông Bắc, khoảng 29 tỷ tấn than nâu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trữ lượng bauxite hàng đầu thế giới. Đây sẽ là cơ hội hợp tác giúp Việt Nam có thể sử dụng các công nghệ và dịch vụ tiên tiến cho ngành công nghiệp khai thác và phục hồi khoáng sản.

Hiện nay, Việt Nam có hai mỏ được quản lý và khai thác bởi các doanh nghiệp đến từ Australia với tiêu chuẩn quốc tế là Núi Pháo (sở hữu của Masan Resources, tập đoàn Masan) và mỏ Nickel Bản Phúc (sở hữu và quản lý bởi công ty TNHH Asian Mineral Resources). Hai mỏ này không chỉ đáp ứng yêu cầu về an toàn và khai thác bền vững theo tiêu chuẩn Australia và quốc tế, mà đồng thời luôn đạt được hiệu quả kinh tế cao trong khai thác.



Gian trưng bày của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài.
Ảnh: Thanh Giang



Cùng với các doanh nghiệp Úc, nhiều đại diện đến từ nhiều quốc gia khác cũng đem đến các sản phẩm và thử nghiệm
cho khách tham quan. Trong ảnh: Gian trưng bày Hãng FORWARD (Nga). 
Ảnh: Thanh Giang


Gioăng, phớt ngành khai khóang của doanh nghiệp đến từ Anh. Ảnh: Thanh Giang


Hãng RUD (Đức) đem đến triển lãm các sản phẩm xích cẩu, xích chằng, bu lông cẩu. Ảnh: Thanh Giang  

Hội thảo lần này là sự nối tiếp các chương trình hợp tác đã diễn ra thành công giữa chính phủ hai nước như: Sáng kiến Hợp tác Khoáng sản Bền vững với Việt Nam năm 2015, Diễn đàn Hợp tác Khoáng sản Bền vững Australia – Việt Nam 2015, Hội thảo Phát triển Ngành Khai khoáng Bền vững và chuyến thăm Australia do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng dẫn đầu vào tháng 11/2015… Theo đó, Chính phủ Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ hợp tác với Việt Nam trong ngành năng lượng và tài nguyên.

MINING VIETNAM 2016 là nơi được coi là điểm hội tụ công nghệ, máy móc, dịch vụ khai thác, xây dựng và là “cổng giao thuơng” của ngành khai thác và phục hồi tài nguyên khoáng sản Việt Nam với các đơn vị cùng ngành trên khắp thế giới./.



 

Cảng Newcastle, Bang New South Wales Australia, là cảng hàng rời lớn nhất tại bờ Đông Australia và là cảng xuất than lớn nhất trên thế giới. Cảng hiện nay xuất 158 triệu tấn than mỗi năm và có công suất lên đến 211 triệu tấn mỗi năm. Bên cạnh than, cảng còn nhập và xuất hơn 25 mặt hàng khác. ( www.portofnewcastle.com.au)


 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang và TL Đại sứ quán Úc tại Việt Nam

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Những năm gần đây đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cần những sản phẩm chế biến nhanh, đảm bảo dinh dưỡng và tiện lợi trong sống. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần chuyên nghiệp hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp mang lại một phong cách tiêu dùng mới: nhanh, ngon, chất lượng.

Top