Tin tức

Hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong Chương trình giáo dục phổ thông”


Quang cảnh Hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong Chương trình giáo dục phổ thông”
Chiều ngày 28/8/2017, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (TW Hội LHPN Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong Chương trình giáo dục phổ thông” với sự tham gia của hơn 50 đại biểu là lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia về giáo dục và giới trong và ngoài nước.

Tại hội thảo đã có những ý kiến tham vấn, khuyến nghị lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông – một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: “Với trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong Luật Bình đẳng giới và kinh nghiệm thực hiện hoạt động lồng ghép giới, Hội LHPN Việt Nam có thế mạnh về đội ngũ cán bộ và mạng lưới chuyên gia về giới, Hội đề xuất một số nội dung hoạt động mà Hội có khả năng đầu mối tổ chức và phối hợp triển khai nhằm thúc đẩy quá trình lồng ghép giới trong xây dựng chương trình phổ thông và viết sách giáo khoa phổ thông”.

Hiện nay, các chương trình giáo dục giới và bình đẳng giới trong nhà trường dành cho học sinh tiểu học, trung học được quan tâm nhiều hơn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, giáo dục giới và bình đẳng giới trong hệ thống giáo dục quốc dân còn nhiều bất cập từ hình ảnh, kiến thức trong sách giáo khoa đến các hình thức tổ chức giáo dục giới tính và bình đẳng giới.

Theo báo cáo nghiên cứu, rà soát, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UNESCO vấn đề giới trong sách giáo khoa Việt Nam cho thấy còn nhiều nội dung, hình ảnh mang định kiến giới. Phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản và 7.987 nhân vật trong các hình ảnh. Trong đó, nam giới chiếm 69%, nữ 24%, còn lại 7% là trung tính về giới (ví dụ: đứa trẻ, học sinh, phụ huynh…). Về hình ảnh, trong tổng số 7.987 hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ chiếm 41%, còn lại là trung tính hoặc không rõ giới tính.

Hình ảnh, nội dung mang định kiến giới trong sách giáo khoa, chương trình giáo dục có thể làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em. Việc giáo dục giới tính cho trẻ em còn gặp nhiều khó khăn khi chính những bậc làm cha mẹ, thầy cô giáo, xã hội còn khá “e dè” trước vấn đề nhạy cảm này.

Điều này đặt ra vấn đề cần giáo dục giới và giới tính đúng cách cho trẻ theo độ tuổi, đặc biệt cần phải đưa nội dung bình đẳng giới lồng ghép trong chương trình giáo dục các cấp học, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta theo Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đã đề ra./.
 
Thực hiện: Thục Hiền


Top