Văn hóa

Hồi sinh những mảnh gỗ vụn

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, mong muốn tiếp nối sự nghiệp dở dang của bố, cô gái Nguyễn Thị Hảo đã tận dụng những mảnh gỗ vụn sáng tạo ra những món đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em.
Từ bé Hảo đã quen chơi với mùn cưa, bã bào và các dụng cụ làm mộc, nó giống như một phần kí ức đẹp của cô. Nhưng sau này bố cô bị bệnh tai biến nên không tiếp tục làm nghề được nữa, đó là một điều rất đáng tiếc, khi đó Hảo vẫn luôn nung nấu làm một cái gì đó liên quan đến nghề này, để tiếp tục sự nghiệp dở dang của bố.
 
Năm 2015, khi là sinh viên năm cuối, Hảo góp tiền với hai người bạn mua một số dụng cụ cầm tay làm mộc, tận dụng gỗ pallet để đóng chậu trồng cây, thiết kế ban công, sân vườn cho trường mầm non rồi cả dự án từ thiện làm sân chơi cho trẻ em vùng cao. Được tiếp xúc, làm việc và chơi cùng những bạn nhỏ, cô dần nhận ra rằng đồ chơi trong mắt tụi nhỏ là một thứ gì đó hết sức đơn giản và bình dị, chúng cần sự sáng tạo, sự đơn giản mộc mạc nhưng giàu cảm xúc hơn là những món đồ nhựa hay đồ sản xuất công nghiệp hàng loạt.


Những sản phẩm đồ chơi và đồ dùng hỗ trợ học tập được làm từ những mảnh gỗ vụn. Ảnh: Công Đạt/VNP


Những mảnh gỗ được cắt thành từng lát nhỏ, sau đó mài nhẵn các cạnh trước khi tạo hình. 
Ảnh: Công Đạt/VNP


Những con thú sau khi cắt tạo hình xong được mài nhẵn bằng giấy ráp trước khi vẽ màu.
 
Ảnh: Công Đạt/VNP


Công đoạn vẽ màu lên trên sản phẩm, tùy từng sản phẩm mà có những màu sắc khác nhau. 
Ảnh: Công Đạt/VNP


Những nét vẽ hoàn thiện một chú hươu cao cổ xinh xắn. 
Ảnh: Công Đạt/VNP


Công đoạn lắp ghép sản phẩm. 
Ảnh: Công Đạt/VNP


Tất cả công đoạn từ làm các con thú đến dụng cụ học tập chủ yếu bằng phương pháp thủ công. 
Ảnh: Công Đạt/VNP


Đóng gói những sản phẩm đã hoàn thiện để đưa đến nơi tiêu thụ. 
Ảnh: Công Đạt/VNP

Cô quan tâm hơn đến chất lượng, độ an toàn của sản phẩm từ việc bắt đầu tự làm đồ cho con mình. Những món đồ do cô thiết kế bằng chính cảm xúc của mình nên có thể nó thu hút được sự chú ý của nhiều người quan tâm. Năm 2020, thời gian đầu của dịch Covid-19, công ty cho nghỉ làm online tại nhà, có nhiều thời gian rảnh nên cô lấy dụng cụ ra làm đồ cho con rồi đưa sản phẩm lên facebook, có rất nhiều mẹ đã đặt làm. Càng làm càng thấy ham và có nhiều ý tưởng mới hơn với nhiều đơn đặt hàng hơn nên cô bắt đầu việc sản xuất những sản phẩm đồ chơi cho bé từ những mảnh gỗ vụn.

Khu quanh nhà Hảo ở huyện Đan Phượng, Hà Nội có năm bảy xưởng gỗ, bình thường gỗ sản xuất thừa người ta hay vứt đống rồi bán làm củi đốt, hay những cành nhãn, cành bưởi họ cắt tỉa đắp bờ mương thì cô xin về. Những mảnh gỗ thừa vuông tròn, hình chữ nhật, tam giác sẽ được cắt tỉa lại để làm thành bộ xếp hình, những cành cây cắt khúc để trẻ con tô vẽ nghệ thuật hoặc tận dụng làm lót ly, lót cốc…

Những loại gỗ thịt tốt như lim, xà cừ, đinh, hương…mà xin ở xưởng mộc thì không cần phải xử lý nhiều, chỉ cần mài nhẵn bề mặt và góc cạnh, còn để mộc 100%, các bé cầm nắm thậm chí cắn gặm thoải mái, rất an toàn. Còn các loại gỗ khác như thông, nhãn dễ mốc thì thường xử lý phơi khô sau đó quét thêm 1 lớp sơn gốc nước chuyên dụng cho làm hàng xuất khẩu để bảo vệ bề mặt gỗ mà vẫn an toàn cho trẻ.

Để làm một sản phẩm, Hảo lên ý tưởng bằng việc phác hình trên giấy sau đó đưa lên máy vẽ chính xác về tỉ lệ giữa các bộ phận sản phẩm. Sau khi đã có bản vẽ sẽ tiến hành cắt gỗ rồi mài xử lý bề mặt, góc cạnh để lắp ráp thành sản phẩm thô, cuối cùng thì sẽ tô vẽ và sơn phủ bề mặt, để tạo sự bắt mắt cho các bé.





Những bộ ghép hình con vật thông minh dành cho trẻ em từ 2-3 tuổi.
Ảnh: Công Đạt/VNP






















Một số sản phẩm làm từ gỗ tái chế. Ảnh: Công Đạt/VNP

Hiện nay, khách hàng mua những sản phẩm đồ chơi từ gỗ tái chế của Hảo chủ yếu là các trường mầm non mua làm giáo cụ trực quan dạy cho trẻ, phụ huynh mua cho bé và số ít là giới trẻ mua trang trí nhà cửa. Giá trung bình mỗi sản phẩm dao động từ 50 đến 300 nghìn đồng./.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Công Đạt


Top