Nghệ thuật

Hội họa mang "Cảm hứng lãng mạn phương Đông"

Sự phát triển mạnh mẽ, khuynh hướng truy tìm bản thể, sự tự tại, mộng ước bình yên…là những gì mà các họa sĩ thành danh của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 đến 1975 đã thể hiện qua tranh của họ. Mới đây, Triển lãm tranh mang tên “Cảm hứng lãng mạn phương Đông” là một góc khác để công chúng hiểu hơn về hội họa miền Nam giai đoạn này.
Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Tú Duyên, Văn Ðen... là những tên tuổi nổi bật trong thời kỳ này, tiếp đó là một lớp các họa sĩ nở rộ như: Nguyễn Trung, Ðinh Cường, Cù Nguyễn, Nguyễn Phước, Trịnh Cung, Nguyên Khai, Lê Tài Ðiển, Nguyễn Ðồng...Những dấu mốc quan trọng của hội họa miền Nam thời kỳ 1954-1975 phải kể đến là triển lãm Hội họa Mùa Xuân Kỷ Hợi (1959), triển lãm Hội họa Quốc Tế năm 1962, và đến triển lãm Hội họa Mùa Xuân Giáp Thìn năm 1964 có 583 họa phẩm sơn dầu của hơn 200 họa sĩ khắp nơi gửi về tham dự…. Khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều lớp họa sĩ tài năng với những phong cách hiện đại khác nhau.
Với 26 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm lần này ở Hotel des Arts Saigon, 76-78 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, có thể thấy rõ hội họa miền Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, khuynh hướng truy tìm bản thể, sự tự tại, mộng ước bình yên…. Bao trùm lên tất cả là một cảm hứng lãng mạn bay bổng hiếm có.
     

Đông đảo người yêu hội họa đến thưởng lãm các tác phẩm của hội họa miền Nam giai đoạn 1954 đến 1975.


Triển lãm tranh thu hút người xem ngoại quốc.


Người xem bình luận về tranh tại triển lãm.


Đây là triển lãm quy tụ đông đảo các họa sĩ thành danh tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975.

Nổi bật trong những gương mặt họa sĩ miền Nam giai đoạn này là Thái Tuấn. Ông có những đóng góp đặc biệt đối với sinh hoạt hội họa ở miền Nam. Tranh của Thái Tuấn giản dị và đạm bạc nhưng không gian rất thoáng. Sử dụng gam màu xanh tùy theo sắc độ là chủ yếu. Bức tranh “Hoài hương” là ví dụ cho thấy được phong cách của Thái Tuấn. Nó nhẹ nhàng, thoáng đạt, thủy mặc. Tranh của ông là sự kết hợp giữa tinh hoa nghệ thuật Á Đông và kỹ thuật sơn dầu của phương Tây.
     
Các họa sĩ miền Nam hướng tới các trường phái nghệ thuật đương đại Âu – Mỹ để tăng tính hiện đại của nghệ thuật tạo hình. Cuộc canh tân ngôn ngữ hội họa ngày càng nở rộ. Rất nhiều trường phái từ lập thể, dã thú, biểu hiện, đến siêu thực, trừu tượng, tân hiện thực đều được các họa sĩ trẻ tìm tòi thể nghiệm và rồi tìm ra hướng đi của riêng mình. Tranh của Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyễn Trung… cho thấy được sự vận động đó của hội họa miền Nam giai đoạn này.
      
Họa sĩ Đinh Cường với cường độ làm việc cao cho ra nhiều tác phẩm chất lượng. Ông đã tạo ra một vũ trụ cho riêng mình trong hội họa khi còn trẻ. Tranh của ông lãng mạn bay bổng nhưng ẩn chứa sự hoài niệm. Sau những tảng màu là cái ẩn mật có một sức cuốn hút mãnh liệt. Ngắm bức “Chiều ngồi sông Hương” người xem có thể cảm thấy điều đó. Cô gái Huế với áo dài trắng thơ mộng nhưng khuôn mặt ẩn chứa một bí mật của hoài niệm mà ta khó phán đoán. Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Trung làm việc bền bỉ. Tranh của ông khiến người xem thấy được cái đẹp lạnh nhưng luôn toát lên không khí vô cùng thơ mộng mà pha nhiều chất đắng và khô. Bức “Thiếu nữ và hoa”, “Thông điệp đen và trắng” tại triển lãm thể hiện rất rõ phong cách đó.
     
Những tên tuổi “rẽ ngang” vào hội họa như Bùi Giáng, Ngô Viết Thụ, Chóe… cũng mang lại nhiều sự thú vị cho hội họa miền Nam. Tại triển lãm lần này, ngoài các gương mặt họa sĩ miền Nam còn có các tác phẩm của các họa sĩ thành danh tại Pháp như: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Bá Đảng. Nhận xét về hội họa miền Nam giai đoạn này, bác Trần Ngọc Lân, 56 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận, sau khi thưởng lãm tranh chia sẻ: “Nếu như tìm hiểu về hội họa miền Nam thời kỳ này ta sẽ thấy một khối lượng các tác phẩm đồ sộ và nhiều lớp họa sĩ tài năng. Nếu xét ở thời điểm đó, hội họa miền Nam thực sự là mới mẻ”.
     

Một số tác phẩm trưng bày tại Triển lãm:


Tác phẩm “Thiếu nữ” (Dán giấy trên carton, 1964) của họa sĩ Hồ Thành Đức.


Một tác phẩm "Màu nước trên giấy croquis" của họa sĩ Bùi Giáng.


Tác phẩm “Thuỷ tạ, Thảo cầm viên Sài Gòn” (Sơn dầu trên bố, trước 1975) của họa sĩ Hiếu Đệ.


Tác phẩm “Trên đồi sương” (Sơn dầu trên ván ép, trước 1975) của họa sĩ Ngô Viết Thụ.


Tác phẩm “Thiếu nữ và hoa Sen” (Sơn dầu trên bố) của họa sĩ Dương Đình Sang.


Tác phẩm  “Chân dung Nghệ sĩ Út Trà Ôn” (Sơn dầu trên bố) của họa sĩ Nguyễn Hải Chí (Choé).


Tác phẩm “Thông điệp đen & trắng” (Sơn dầu trên bố) của Nguyễn Trung.


Tác phẩm “Tĩnh vật hoa” (Sơn dầu trên bố) của Ngọc Dũng.


Tác phẩm “Điều bí ẩn” (Sơn dầu trên bố) của Hồ Hữu Thủ.


Tác phẩm “Hoài hương” (Sơn dầu trên bố) của Thái Tuấn.


Tác phẩm “Tuổi thơ” (Sơn dầu trên bố) của La Hon.


Tác phẩm “Cá vàng” (Sơn dầu trên bố) của Uyên Huy.


Tác phẩm “Tĩnh vật hoa” (Sơn dầu trên vải lụa và ván1955) của họa sĩ Lê Phổ.


Tác phẩm “Idylle” (Sơn dầu trên toan, 1969) của Vũ Cao Đàm.


Tác phẩm “Chân dung thiếu nữ” (Mực và thuốc nước trên lụa, 1933) của Vũ Cao Đàm.


Tác phẩm “Chiều ngồi sông Hương” (Sơn dầu trên bố 1973) của Đinh Cường.


Tác phẩm “Vương cung thánh đường” (Sơn dầu trên bố) của Lê Thanh.


Tác phẩm “Hừng đông ra khơi” (Sơn dầu trên bố) của Văn Đen.

Hội họa miền Nam giai đoạn 1954 -1975 có những đóng góp to lớn của cho tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Đây thực sự là một góc khác của hội họa Việt Nam nói chung chưa được công chúng biết đến nhiều, chưa được các nhà lý luận, phê bình nhìn nhận xác đáng. Điều này cần được thay đổi trong tương lai gần để những phần khuyết thiếu của hội họa Việt Nam được lấp đầy.
     
Cũng trong dịp này, toàn bộ các tác phẩm được bán đấu giá do Nhà đấu giá nghệ thuật Lý Thị tổ chức./.

 
Bài và ảnh: Nguyễn Oanh

Điện Biên vẫy gọi – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Top