Nghệ thuật

Hội họa đương đại với góc nhìn đa chiều

Dưới góc nhìn đa chiều về đời sống nội tâm cũng như thông qua những hình ảnh gần gũi quanh ta, 19 tác phẩm hội họa đương đại của các họa sĩ trong nước được trưng bày tại phòng tranh Craig Thomas Gallery, Tp. Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan và thưởng lãm.
Phòng tranh Craig Thomas Gallery đã tổ chức một buổi triển lãm tranh tự do nhân dịp kỷ niệm 9 năm thành lập. Trong không gian trang trọng, 19 tác phẩm hội họa mang phong cách đương đại từ nhiều chất liệu khác nhau như: sơn dầu, acrylic, gỗ, lụa,… của 12 họa sĩ đến từ các tỉnh thành đã thu hút được giới công chúng yêu nghệ thuật hội họa tại thành phố Hồ Chí Minh đến thưởng lãm. Bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, họa sĩ Lương Lưu Biên,… thì buổi triển lãm này còn có sự đóng góp của nhiều họa sĩ trẻ tài năng như Nguyễn Tuấn Dũng, Phạm Thanh Toàn…

Mỗi họa sĩ mang đến cho người xem những góc nhìn đa chiều về đời sống nội tâm, hay mang đến sự gần gũi qua các vật dụng và lối sống thường ngày. Như họa sĩ trẻ Phạm Thanh Toàn mang tới triển lãm 3 tác phẩm sơn dầu thể hiện cái tôi nội tâm bên trong đầy biến động qua hình tượng của một loài linh trưởng.



Triển lãm lần này thu hút được sự quan tâm của những người nước ngoài yêu hội họa Việt Nam.


Mỗi tác phẩm đều mang đến sự rung động cho người xem.



Triển lãm đón nhiều du khách đến tham quan và thưởng lãm.


Những tác phẩm đã đem lại cảm xúc cho người xem.

Còn họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng lại thể hiện cá tính nghệ thuật của bản thân với cách vẽ hoàn toàn khác. Tuấn Dũng đã sử dụng chất liệu Acrylic trên giấy báo để thể hiện ngôn ngữ hội họa của bản thân. Hai bức tranh góp mặt tại cuộc triển lãm này mang phong cách bình dị quen thuộc mang tên “Hương Tháng Tư” và “Hương Tháng Sáu”. Cả hai bức tranh đó đều được lấy cảm hứng từ những chiếc xe bán hoa rong ruổi khắp phố phường Hà Nội, đã mang đến cho người xa quê những cảm xúc bồi hồi khó tả.

Trong khi đó, thế hệ họa sĩ đi trước lại thể hiện cách nhìn nghệ thuật qua nhiều phong cách và đa dạng chất liệu. Như họa sĩ Ngô Văn Sắc mang đến một tác phẩm điêu khắc trên gỗ mang tên “Ngày dài” và bức tranh “Bên đường” kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc với sơn màu.

Việc sử dụng nhiều chất vải khác nhau như vải bố, vải hoa,… để làm nền cho những tác phẩm tranh sơn dầu, họa sĩ Nguyễn Minh Nam đã thành công khi mang đến cho công chúng những cách nhìn đa chiều về cảm xúc của người phụ nữ.
  
Tại buổi triển lãm tranh lần này, nữ họa sĩ gạo cội - Lim Khim Katy chỉ mang đến một tác phẩm mang tên “Vòng tay mẹ” nhưng cô đã đón nhận được nhiều sự tán dương của khách thưởng lãm. Bức tranh vẽ cảnh người con nằm ngủ say bên cánh tay êm ái của mẹ với gam màu tươi sáng đã thể hiện trọn vẹn sự an yên, niềm hạnh phúc, và tình mẫu tử thiêng liêng. Tác phẩm này được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố, đây là sở trường của nữ họa sĩ người Khmer sinh năm 1978 này.
  
Theo thông tin được biết, họa sĩ Lim Khim Katy lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống hội họa ở An Giang. Cha cô là một nghệ nhân chép tranh người gốc người Campuchia, còn mẹ là một người phụ nữ Nam bộ hiền hậu, đảm đang. Do đó qua mỗi tác phẩm sơn dầu của mình, nữ họa sĩ này luôn thể hiện những nét vẽ mộc mạc về đời sống gia đình thường ngày. Điển hình như các bức tranh mang chủ đề “ Ăn – ngủ” của cô đã giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm quốc tế. Và tác phẩm gần đây nhất là “Vòng tay mẹ” cũng xoay quanh chủ đề thành công này./.



Tác phẩm: Khoảng trắng II của họa sĩ Lê Thúy.


Tác phẩm: Sự phán xét của họa sĩ Lương Lưu Biên.


Tác phẩm: Bên đường của họa sĩ Ngô Văn Sắc.


Tác phẩm: Trước giờ vu qui của họa sĩ Nguyễn Minh Nam.


Tác phẩm: Khu vườn cũ 3 của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng.


Tác phẩm: Kiệt sức của họa sĩ Nguyễn Trọng Minh.


Tác phẩm: Hương tháng 6 của họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng.


Tác phẩm: Kẻ mông du gợi cảm của họa sĩ Phạm Thanh Toàn.


Tác phẩm: Chênh vênh của họa sĩ Trương Thế Linh.

Bài và ảnh: Nguyễn Luân – Thông Hải


Top