Phóng sự chuyên đề

Hải quan đẩy mạnh cải cách để hội nhập

Với những cải cách mang tính đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… phù hợp với chuẩn mực quốc tế, Hải quan Việt Nam đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng hội nhập những sân chơi lớn, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 này.
VNACCS/VCIS - bước đột phá của hải quan điện tử
Những năm trước đây, “hải quan điện tử” đã bắt đầu được triển khai ứng dụng tại Việt Nam và tạo được ấn tượng tốt đối với cộng đồng doanh nghiệp bởi sự nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả. Thế nhưng sự triển khai này mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm tại một vài đơn vị nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành Hải quan Việt Nam. Gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành Hải quan đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sự chuyển biến này đã mang lại những thành công mang tính đột phá bước đầu trong việc thực hiện Chiến lược cải cách hiện đại hóa của Tổng cục Hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt. Đặc biệt là việc triển khai thành công đồng bộ Hệ thống thông quan hàng hóa tự động và Hệ thống quản lý hải quan thông minh (VNACCS/VCIS) tới 100% Cục và Chi cục Hải quan trên cả nước.



Các kiểm soát viên thuộc đội giám sát khu vực sân đỗ - Chi cục Hải quan Nhà ga Quốc tế Nội Bài T2
đang giám sát vận chuyển hàng hóa từ máy bay cập bến tại cảng.
 



Phòng điều hành của Chi cục Hải quan Nhà ga Quốc tế Nội Bài T2 được trang bị những thiết bị hiện đại và tiên tiến.


Cán bộ Hải quan Phòng kiểm soát phòng chống buôn lậu của Nhà ga Quốc tế Nội Bài T2
kiểm tra hàng hóa thông qua máy soi trực tuyến.



Cán bộ Hải quan của Chi cục Hải quan Nhà ga Quốc tế Nội Bài T2
sử dụng chó nghiệp vụ kiểm tra ma túy tại các kho hàng.



Anh Nguyễn Văn Ngọc, thuộc đội giám sát khu vực sân đỗ - Chi cục Hải quan Nhà ga Quốc tế Nội Bài T2
giám sát hàng hóa chuyển từ máy bay xuống ngay tại sân đỗ.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng,
Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin & Thống kê (Tổng cục Hải quan)

 
"Hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp cắt giảm thời gian thực hiện ở tất cả các khâu cơ bản trong quá trình làm thủ tục hải quan, nhất là ở khâu khai báo và xử lý tờ khai..."
Việc triển khai VNACCS/VCIS là động lực để ngành Hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hàng loạt những lĩnh vực liên quan như: Nộp thuế điện tử (E - payment), Manifest điện tử (E - Manifest), Hóa đơn điện tử (E - Invoice), Giấy phép điện tử (E- C/O và E – Permit)…

Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin & Thống kê (Tổng cục Hải quan), việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp cắt giảm thời gian thực hiện ở tất cả các khâu cơ bản trong quá trình làm thủ tục hải quan, nhất là ở khâu khai báo và xử lý tờ khai. Hiện nay, thời gian tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin khai báo chỉ từ 1 – 3 giây. Đối với hàng luồng xanh (miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), thời gian thông quan cũng chỉ từ 1 – 3 giây.

Tiếp đến, thời gian thực hiện thủ tục giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ còn kéo dài vài phút thay vì kéo dài hàng giờ như trước đây, giúp giảm đáng kể việc ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cổng cảng. Hay như ở khâu nộp thuế, Tổng cục Hải quan đã triển khai phối hợp với 17 ngân hàng thương mại và kết nối online với Kho bạc Nhà nước để thực hiện hình thức thanh toán điện tử qua ngân hàng.

Nhờ đó chỉ trong vòng 15 phút sau khi doanh nghiệp nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước, thông tin nộp tiền sẽ có tại cổng của Hải quan và lập tức được thanh khoản, trừ nợ thuế và thông quan hàng hóa. Ưu điểm nổi bật này của Hệ thống VNACCS/VCIS đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, vì nó giúp việc thu nộp thuế nhanh chóng, minh bạch, giảm thiểu tình trạng cưỡng thuế không chính xác, cũng như rút ngắn thời gian thông quan của doanh nghiệp.

Một điểm cũng đáng chú ý, đó là việc triển khai VNACCS/VCIS còn tạo nên cầu nối thúc đẩy sự vào cuộc của các Bộ, Ngành liên quan nhằm cắt giảm tối đa thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, tạo ra sức cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đây sẽ là động lực thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm hướng tới một Chính phủ điện tử.


Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, đơn vị đầu tiên của Cục Hải quan Quảng Ninh,
triển khai vận hành chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS. 



Đội kiểm tra bến đỗ của Chi cục Hải quan cảng Cái Lân – Quảng Ninh
đang kiểm tra lô hàng ô tô nhập khẩu tại cảng Cái Lân. 


 
Đội kiểm tra bến đỗ của Chi cục Hải quan cảng Cái Lân – Quảng Ninh
kiểm tra thông số từng loại xe ô tô được nhập về Việt Nam qua cảng Cái Lân. 



Lô xe ô tô chở hàng có trọng tải lớn được nhập khẩu về Việt Nam qua cảng Cái Lân. 

Việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS trong thời gian qua cũng đã giúp ngành Hải quan có những cơ sở
Theo thống kê của Cục Công nghệ Thông tin & Thống kê (Tổng cục Hải quan), tính đến ngày 31/3/2015, đã có 53.200 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan điện tử với số lượng 6,1 triệu tờ khai, kim ngạch xuất khẩu đạt 244 tỉ đô la Mỹ.
thực tiễn và pháp lý tham mưu cho Quốc hội hoàn chỉnh Luật Hải quan sửa (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015) theo hướng xây dựng ngành Hải quan hiện đại, phù hợp những quy chuẩn chung của khu vực và quốc tế.

Nhờ có Hệ thống VNACCS/VCIS, dự kiến đến cuối năm 2015 khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức đi vào hoạt động, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt bằng mức trung bình của nhóm 6 nước tốt nhất ASEAN (ASEAN-6, gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei). Và đến năm 2016 sẽ đạt mức trung bình nhóm ASEAN-4  (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) với thời gian xuất khẩu còn dưới 10 ngày và nhập khẩu là dưới 12 ngày.

Thực tế từ các đơn vị
Tại tất cả các khu vực giám sát hàng hóa, làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ở các Cục và Chi cục Hải quan của Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh), Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Khu Công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh)… mà chúng tôi có dịp tiếp cận gần đây đã không còn hình ảnh bề bộn của những chồng sổ sách, cảnh chờ đợi ồn ào đông đúc, thay vào đó là cảnh yên tĩnh, trật tự với một không khí làm việc khá chuyên nghiệp và hiện đại. Ấn tượng hơn, tại những đơn vị này, một hệ thống máy tính cùng các thiết bị máy soi container, camera giám sát, seal định vị GPS… hiện đại đã được trang bị đầy đủ, góp phần rất lớn vào việc rút ngắn thời gian làm thủ tục khai báo hải quan cho các doanh nghiệp.


Cụ thể ở khu Nhà ga T2 - Sân bay Quốc tế Nội Bài, ga hàng không hiện đại nhất Việt Nam vừa mới đi vào hoạt động hiệu quả của việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS được thể hiện rất rõ ở số chuyến bay, số tờ khai được thông quan và cả trong công tác chống buôn lậu.
 


Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) giải quyết nhanh chóng và thuận lợi
mọi thủ tục hải quan cho doanh nghiệp nhờ có hệ thống VNACCS/VCIS.



Hệ thống máy soi hiện đại kiểm soát việc xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). 


Hải quan cửa khẩu Móng Cái kiểm tra hàng xuất nhập cảnh tại bãi kiểm tra cách cửa khẩu Móng Cái khoảng 1km. 

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã trang bị được 11 hệ thống máy soi container không thu phí tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung ở những địa bàn trọng điểm có lưu lượng hàng hóa lớn thuộc 6 Cục Hải quan. Trong năm 2015, Tổng cục Hải quan đã đưa vào sử dụng thêm 97 máy soi hành lý, hàng hóa; 19 hệ thống camera tại 09 Cục Hải quan tỉnh, thành phố và sắp tới sẽ trang bị thêm 5 máy soi container.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Nội Bài, chỉ sau 3 tháng chính thức đi vào hoạt động với hệ thống phòng ốc, camera giám sát và máy tính trang bị hiện đại, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài đã làm thủ tục cho hơn 11.000 chuyến bay với hơn 1,6 triệu lượt khách. Trong đó, đã xuất cảnh hơn 6.000 chuyến với gần 900.000 hành khách và hơn 700.000 kiện hành lý, đồng thời làm thủ tục nhập cảnh cho gần 5.000 chuyến bay với 724.340 hành khách và 724.340 kiện hành lý…

Còn tại Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân ở Quảng Ninh, trong gần 1 tháng triển khai đã có 60 doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS. Số tờ khai thực hiện thủ tục Hải quan điện tử tại đây đạt 408/408 tờ khai (tỉ lệ 100% tổng số tờ khai đăng kí cùng loại hình); kim ngạch thực hiện thủ tục hải quan điện tử là 130.925.744 USD (đạt 100% tổng kim ngạch XNK cùng loại hình). Hiện nay đã có 105/115 doanh nghiệp sử dụng chữ kí số để làm thủ tục hải quan điện tử (chiếm 91,3%)…

Hiệu quả của Hệ thống VNACCS/VCIS cũng nhìn thấy rõ tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Tại đây, Chi cục đã thực hiện đăng ký thủ tục hải quan điện tử cho 1.907 bộ tờ khai với kim ngạch điện tử đạt 750 triệu USD. Số tờ khai điện tử năm 2014 do Hải quan Móng Cái thực hiện là 5.825 bộ tờ khai với kim ngạch đạt 941,1 triệu USD (đạt 100% tổng số tờ khai và 100% tổng kim ngạch) đề ra.

Tại Đội Thủ tục Hải quan quản lý các Khu Công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), nơi tập trung phần lớn các “siêu công ty” nước ngoài, việc triển khai ứng dụng Hệ thống VNACCS/VCIS cũng đạt kết quả hết sức khả quan. Ông Bùi Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Ninh cho biết, trung bình mỗi ngày Đội thủ tục tại đây duyệt và thông quan 500 tờ khai của các doanh nghiệp. Có những ngày cao điểm, số tờ khai thông quan lên đến 1.500 tờ. Điển hình như Khu Công nghiệp Yên Phong, nơi tập trung những nhà “siêu đầu tư” nước ngoài, hệ thống VNACCS/VCIS được vận hành rất hiệu quả, mọi khâu nghiệp vụ của hải quan đều được chuẩn hóa và hiện đại không kém gì hải quan ở các nước Mỹ, Đức, Nhật.


Hải quan Khu Công nghiệp Yên Phong - Bắc Ninh tiến hành kiểm tra,
giám sát hàng hóa trước khi xuất ra khỏi Khu Công nghiệp. 



Lực lượng hải quan tiến hành niêm phong xe hàng.


Kiểm tra lần cuối các xe hàng trước khi ra khỏi Khu Công nghiệp. 
 
Ứng dụng phương pháp thông quan điện tử tại Khu Công nghiệp Yên Phong - Bắc Ninh.


Phương pháp thông quan điện tử giúp doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập cảnh đơn giản hơn rất nhiều.

Có thể nói, việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS đã tạo nên những bước đột phá trong lộ trình cải cách hành chính nhằm hiện đại hóa ngành Hải quan Việt Nam trước cánh cửa hội nhập. Nó mở ra những cơ hội đầy triển vọng cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sắp trở thành hiện thực vào ngày 31/12/2015 tới đây./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn
 

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top