Kinh tế

Hà Nội phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn

Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố để cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn trong bối cảnh đại dịch covid – 19 lan rộng. Theo kế hoạch của Thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân Thủ đô yên tâm chống dịch và phát triển kinh tế theo mục tiêu kép của Chính phủ.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xây dựng 141 chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản (chiếm 8,8% tổng số chuỗi của cả nước) với 70 điểm bán hàng. Ngoài ra, để cung cấp nông sản cho Thủ đô, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố cũng xây dựng được 786 chuỗi, chiếm 48% tổng số chuỗi trên cả nước, với 670 điểm bán hàng. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong việc triển khai chương trình phối hợp chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản cho Hà Nội giai đoạn 2015-2020. Công tác xây dựng và phát triển chuỗi bước đầu đã tạo ra các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt an toàn, thực phẩm được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu.

Được biết, trong giai đoạn 2015-2020 và đầu năm 2021, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông lâm thuỷ sản. Trong đó, Hà Nội đã chủ động tổ chức hội nghị đối thoại, xúc tiến kết nối doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển chế biến, liên kết vùng. Ban Điều phối Chương trình của Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã tiến hành tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình tại thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Lâm Đồng và nhiều tỉnh thành trong cả nước nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý chất lượng, kết nối chuỗi, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm…


VinEco Tam Đảo với diện tích gần 100ha, là nông truờng đầu tiên được triển khai theo hướng cơ giới hóa trên quy mô lớn của Vingroup,
ứng dụng sự thành công vượt trội của nền nông nghiệp Israel trong hệ thống sản xuất nông nghiệp
đã cung cấp nhiều nông sản đảm bảo ATTP cho người dân Thủ đô. Ảnh: Trần Thanh Giang / VNP



HTX nông nghiệp Hạ Vỹ (Hà Nam) tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho Hà Nội được người tiêu dùng Thủ đô tín nhiệm. Ảnh: Việt Cường/VNP



Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đạt tiêu chuẩn Quốc tế bắt đầu được cung cấp đến tay người tiêu dùng tại Hà Nội trong mùa vải năm 2021. Ảnh: Việt Cường / VNP


Sản phẩm mật ong của các tỉnh miền núi phía Bắc được bày bán tại Big C Thăng Long. Ảnh: Việt Cường / VNP


Sản phẩm xoài sạch Cao Lãnh thương hiệu Chú Chín được phân phối tới tay người tiêu dùng Hà Nội. Ảnh: Công Đạt/VNP


Tại Big C Thăng Long, giá trị sản lượng sản phẩm rau, củ, quả của Hà Nội tiêu thụ chiếm 15%. Ảnh: Việt Cường / VNP

Đáng chú ý, nhiều nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành phố đã được các đơn vị của Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng… Đơn cử như các sản phẩm: Vải thiều, Gạo Séng Cù, Nếp Tú Lệ, Cam Văn Chấn (Yên Bái); Na Chi Lăng, Măng ớt (Lạng Sơn); Cam Cao Phong, Cá sông Đà (Hoà Bình)… Các sản phẩm được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận, giúp gia tăng giá trị sản phẩm từ 15 – 20 % so với thời điểm chưa được sản xuất theo chuỗi.

Song song với công tác phát triển chuỗi cung ứng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội thường xuyên phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản các tỉnh, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tham gia kết nối, quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức. Sản phẩm của các địa phương sau khi được hỗ trợ, quảng bá sản đã được người tiêu dùng đón nhận, sản lượng bán ra tăng từ 20%-30%. Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh đã được tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói thân thiện, chất lượng sản phẩm… không những tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn có nhiều cơ hội để đưa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài: Nhật (AEON), Hàn Quốc (Lotte), Thái Lan (BigC)…./.


“Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội tham mưu duy trì, phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (www.check.hanoi.gov.vn). Đến nay, Hệ thống đã hỗ trợ, cấp tài khoản quản trị cho hơn 3.000 cơ sở, cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho hơn 10.000 mã sản phẩm. Trong đó có hơn 1.000 mã sản phẩm có nguồn gốc của 41 tỉnh, thành phố tham gia Hệ thống của Hà Nội”.
Bài: Hoàng Hà - Ảnh: VNP

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Những năm gần đây đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cần những sản phẩm chế biến nhanh, đảm bảo dinh dưỡng và tiện lợi trong sống. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần chuyên nghiệp hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp mang lại một phong cách tiêu dùng mới: nhanh, ngon, chất lượng.

Top