Tin tức

Hà Giang khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai và ổn định đời sống nhân dân

Lực lượng dân quân tự vệ niên thành phố Hà Giang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tuyến đường giao thông. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi thiên tai khẩn trương khắc phục hậu quả và ổn định đời sống nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 955/CĐ-TTg ngày 21/7, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 04/CĐ-TW ngày 21/7.

Ngày 22/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã cử đoàn công tác do Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài làm Trưởng đoàn, đến Hà Giang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa, lũ. Trước đó, ngày 21/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã cử đoàn công tác tới Hà Giang.

Tại tỉnh Hà Giang, tính đến 19 giờ ngày 22/7, mưa lũ đã làm thương vong 7 người (5 người chết, và 2 người bị thương), trong đó có 2 mẹ con là bà Lý Già Tin, 44 tuổi và con là Lý Thị Ơn, 15 tuổi, trú ở xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì bị chết do đất đá vùi lấp; cháu Nguyễn Tú Minh Ánh, 13 tuổi, trú ở xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, chết do sạt lở đất; cháu Trịnh An Vy, 2 tuổi, trú ở xã Tân Quang đuối nước do nước lũ; anh Nông Văn Chiến, 27 tuổi, trú xã Minh Ngoc, huyện Bắc Mê là lái xe Công ty Trí Hưng, bị lũ cuốn khi đi xe qua tràn ở thôn Nà Sáng xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê. Hai người bị thương gồm: anh Đặng Văn Đại, 57 tuổi, trú ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì; chị Phạm Thị Hương, 48 tuổi, trú xã Phương Độ, thành phố Hà Giang.

Mưa lũ tại Hà Giang đã khiến đất đá vùi lấp 1 ngôi nhà, lũ cuốn trôi 1 nhà tạm bị lũ, 64 nhà bị đổ tường; 2.800 nhà bị ngập úng...  Ngoài ra, có 446,02 ha diện tích lúa mới cấy và hoa màu bị ngập úng; 9,77 ha cây lâm nghiệp; 7 ha cây chè; 57,02 ha ao cá truyền thống bị thiệt hại.

Có 33 tuyến đường bị ngập nước, vị trí ngập sâu nhất lên đến 1,2m thuộc thành phố Hà Giang. Huyện Bắc Mê bị ngập 6 thôn xã Yên Định và 2 thôn xã Minh Ngọc, chưa xác định được thiệt hại. Tại huyện Vị Xuyên, tuyến đường liên xã Quảng Ngần đi Thượng Sơn bị sạt lở 30m đường gây ách tắc giao thông; sạt lở taluy dương ở tuyến đường xã Kim Thạch, cầu treo thôn Lèn xã Việt Lâm bị gẫy, sập móng cầu...

Lý giải về nguyên nhân mưa lũ lớn xảy ra tại các tỉnh những ngày qua, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao đã gây ra mưa rào và dông cho các tỉnh Bắc Bộ, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ (đặc biệt mưa lớn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang). Lượng mưa phổ biến trong 24 giờ đạt từ 100 - 300mm.

Từ ngày 22-23/7, trên thượng lưu sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m, riêng trên sông Lô từ 4-6m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ của các sông suối nhỏ và thượng lưu sông Lô có khả năng đạt mức báo động 2 - báo động 3; thượng lưu sông Thao (sông Hồng) và sông Chảy có khả năng đạt mức báo động 1.

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là các thành phố Hà Giang, Lào Cai./.

TTXVN/VNP


Top