Văn hóa

Gửi khát vọng ở Cô Lin

Giữa đêm trăng rằm trên biển trời Cô Lin, cô bé Phan Thị Mơ (sinh năm 1991) đã thức trắng đêm gấp 235 con chim giấy cho chúng tôi trao gửi khát vọng hòa bình trên trập trùng sóng nước Biển Đông.
Sóng lừng ở Cô Lin
 
Tàu Trường Sa 571 vừa xuất phát từ Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đi huyện đảo Trường Sa thì Trung tá Lê Văn Tặng ở Cục Chính trị Bộ tự lệnh Hải quân đã thông báo chuyến hải trình điểm đến đầu tiên là đảo Cô Lin thì trong tôi lại rộn lên một cảm xúc bồi hồi. Bởi, chỉ cách đây có vài tháng, chính tay tôi lật giở từng trang giấy đã ngã màu vàng úa thời gian lật tìm từng tấm phim cũ của thế hệ cha chú ở Báo ảnh Việt Nam chụp năm 1988, chuyến công tác dân sự đầu tiên đến Trường Sa. Cô Lin trong ảnh khi đó chỉ là con tàu huyền thoại HQ 505 - con tàu mãi đi vào lịch sử khi phi lên bãi đá Cô Lin trong hải chiến Gạc Ma và trở thành cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.


Con tàu HQ505 sau khi bị bắn cháy đã lao lên đảo Cô Lin,
trở thành cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam năm 1988. Đảo Cô Lin vì thế được giữ vững đến hôm nay. Ảnh: Vinh Quang


Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đội mũ) cùng các chiến sỹ tàu HQ505 trên đảo Cô Lin chia sẻ niềm vui nhận thư nhà năm 1988.
Ảnh: Vinh Quang


Các nhà báo gặp gỡ làm việc với những chiến sĩ trên con tàu HQ505, cột mốc chủ quyền trên đảo Cô Lin năm 1988.
Ảnh: Vinh Quang


 Lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ công binh hy sinh trong hải chiến Gạc Ma năm 1988 trên tàu Trường Sa 571. Ảnh: Thông Thiện 


Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh vì chủ quyền biển đảo tổ quốc. Ảnh: Thông Thiện


Giây phút xúc động trong Lễ tưởng niệm. Ảnh: Thông Thiện


Chim giấy được thả trên vùng biển đảo Cô Lin gửi gắm khát vọng hòa bình của người Việt Nam. Ảnh: Thông Thiện

Chúng tôi đến bãi đá Cô Lin khi mặt trời ối đỏ lặn sau từng con sóng lừng phía Tây. Tàu 571 hú hồi còi dài hạ neo, Cô Lin hiện ra chỉ một tầm mắt nhưng thủy triều thấp nên đoàn công tác không thể dùng xuồng lên đảo.

Đêm Biển Đông bốn bề như dát vàng bởi ánh trăng rằm nhưng chúng tôi đều đều hướng tầm mắt về Gạc Ma với tâm sự “một tấc đất rời, vạn tấc đất đau”. Từng cơn sóng lừng nhẹ ập dưới đáy tàu khiến chúng tôi nôn nao, chao đảo.

Sáng hôm sau, Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại Quần đảo Trường Sa được tổ chức ngay trên boong tàu  571. Với chất giọng trần ầm, nhẹ nhàng Trung tá Lê Văn Tặng đọc diễn văn Lễ truy điệu về sự bất khuất của 64 chiến sỹ hy sinh trong hải chiến Gạc Ma cách đây 30 năm trước. 64 người con của đất Việt đã vĩnh viễn nằm lại với sóng biển Trường Sa để có được hình hài tổ quốc là đảo Cô Lin phía trước mặt. Từng con chim giấy, từng cánh hoa được chúng tôi thả xuống biển theo sóng xô mãi về hướng Gạc Ma.

Tổ quốc tiếng gà sáng

5h, tàu 571 rung chuông báo thức toàn tàu, giữ không gian tĩnh lặng ban mai, tôi nghe gần lắm tiếng gà gáy sáng. Có lẽ sống giữa không gian đô thị quá lâu nên tiếng gà gáy sáng giữa Biển Đông gợi lên cho tôi một sự rung cảm đến kỳ lạ, nghe như đâu đây xóm làng của người Việt.



Trong quần đảo Trường Sa, đảo Cô Lin được coi như "mắt thần” của biển. Nằm ở vị trí quan trọng,
là nơi bà con đi biển tìm đến neo đậu tránh trú bão, lấy thêm nước ngọt và lương thực cho những chuyến hải trình.
Ảnh: Thông Thiện


Cây bàng vuông xanh mướt trên đảo Cô Lin được trồng trong chậu. Ảnh: Thông Thiện


Trên đảo Cô Lin có đàn chó 13 con, những người ra thăm đảo thường ví những chú chó này là “quân khuyển” nơi đầu sóng.
Ảnh: Thông Thiện


Đảo Cô Lin có nhiều loài chim sinh sống nhưng nhiều nhất là hải âu, đặc biệt có nhiều loài chim di cư theo mùa. 
Ảnh: Thông Thiện 


Đoàn nghệ thuật tỉnh Sơn La biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sỹ trên đảo Cô Lin. Ảnh: Thông Thiện


Phút tâm tình với người lính đảo. Ảnh: Thông Thiện


Cán bộ chiến sỹ đảo Cô Lin chào tạm biệt nhân dân ra thăm đảo. Ảnh: Thông Thiện

Nhiều chuyến xuồng từ tàu 571 đưa đoàn công tác chúng tôi lên đảo Cô Lin, từng cái ôm thật chặt thấm đượm mùi mồ hôi mặn mòn của lính đảo. Thượng úy Ngô Văn Bun, Chính trị viên đảo Cô Lin cho biết: “Tòa nhà này được xây dựng chính trên địa điểm năm 1988 tàu HQ 505 đã phi lên để giữ đảo và trở thành cột mốc sống, biểu tượng của chủ quyền đảo Cô Lin của Việt Nam”.

Từ Cô Lin, chỉ một tầm mắt là trông thấy đảo Gạc Ma. Trước khi chia tay Đoàn công tác số 11, đại úy Nguyễn Văn Cường nhìn về xa xăm bảo rằng: “ Mùa tháng 5 biển trời Trường Sa êm ả nhưng vẫn lần khuất đâu đó những cơn sóng lừng, nhưng chúng tôi quyết giữ từng hòn đá mồ côi, từng cánh chim biển, từng rạn san hô của biển trời tổ quốc”. Lời nói của Đại úy Cường hình như không nói riêng với chúng tôi mà còn là lời hứa với 64 anh linh đồng đội đã hóa thân thành sóng nước trong trận hải chiến cách đây tròn 30 năm./.


Hải chiến Gạc Ma diễn ra vào tháng 3 năm 1988, thì tháng 4 cùng năm nhóm phóng viên Lê Phức và Vinh Quang của Báo ảnh Việt Nam đã có mặt trên tàu HQ 505 ở đảo Cô Lin tại quần đảo Trường Sa để tác nghiệp ghi lại tình hình căng thẳng trên Biển Đông lúc bấy giờ.
 
Bài: Thông Thiện - Ảnh: Vinh Quang, Thông Thiện

 

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 35 năm qua, Nhà giàn DK1 vẫn luôn đứng đó, sừng sững, hiên ngang như một “pháo đài thép”. Giữa sóng gió trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nắm chắc tay súng, vững chân sóng giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay, khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Top