Văn hóa

Giữ lửa nghề làm đèn lồng trung thu ở đất phương Nam

Những ngày cận rằm Trung thu, gia đình ông Nguyễn Trọng Thành, nằm sâu trong xóm đạo Phú Bình (quận 11, Tp. Hồ Chí Minh) tất bật hoàn thành những chiếc đèn lồng để giao cho khách. Học nghề từ người cha gốc Nam Định di cư vào Nam đầu thập niên 1950, ông Nguyễn Trọng Thành gắn bó với nghề truyền thống này đã hơn nửa đời người. 
"Từ hồi ba tôi còn trẻ, từ Nam Định vào đây lập nghiệp bằng nghề này rồi truyền lại cho các con," - ông Thành chia sẻ với chúng tôi về "gốc tích" của công việc ông đang làm bấy lâu nay. Xóm đạo Phú Bình có nhiều hộ gia đình làm đèn lồng, nhưng để làm ra được những chiếc đèn kích thước lớn, độc đáo thì chỉ có gia đình ông Thành. Mỗi mùa Trung thu, gia đình sản xuất hàng nghìn chiếc đèn cỡ lớn với nhiều loại mẫu mã khác nhau.
 
Ông Thành chia sẻ, làm đèn lồng có phức tạp, nhưng cũng đơn giản. Mỗi người chỉ cần nắm cơ bản 4 công đoạn: chẻ tre tạo khung, dán giấy và vẽ trang trí là có thể làm cho mình một chiếc đèn lồng theo phong cách riêng. 


Ông Nguyễn Trọng Thành có hơn 50 năm kinh nghiệm làm đèn lồng trung thu.


Để làm ra một chiếc lồng đèn phải trải qua rất nhiều công đoạn.


Tre là nguyên liệu chính để làm nên những chiếc đèn lồng trung thu.
Các thanh tre phải mềm, dẻo để tạo nên những chiếc đèn lồng có hình 
dáng đẹp. 


Gia đình ông nhận làm những loại đèn lồng cỡ lớn để phục vụ các dịp lễ hội.


Những cây cọ gắn bó theo thời gian với gia đình ông Nguyễn Trọng Thành.


Bột màu pha chế để trang trí cho lồng đèn.


Công đoạn dán giấy kính.


 Trong các công đoạn để làm ra một chiếc lồng đèn thì công đoạn vẽ tạo hình trên giấy bóng kính là khó nhất.


Công đoạn vẽ trang trí màu sắc đèn lồng đòi hỏi nhiều thời gian và sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ.


Những nét tinh tế tạo nên màu sắc lung linh cho mỗi chiếc đèn lồng trong dịp Trung thu.


Những chiếc đèn lồng truyền thống mang hình dáng con thú luôn hút người mua trong mỗi dịp Trung thu.

Cầm trên tay chiếc đèn vừa mới hoàn thành xong, ông Thành cho biết, mấy năm gần đây người dân ngày càng thích chơi đèn lồng dịp Trung thu, đơn đặt hàng nhiều. Những chiếc đèn lồng truyền thống mang hình dáng con thú luôn hút người mua vì có nhiều mẫu mã phong phú, lung linh hơn đèn lồng điện tử. Mỗi chiếc đèn lồng loại nhỏ có giá khoảng hai mươi ngàn đồng (1USD), những chiếc đèn lồng kích thước lớn thì giá trên hai trăm nghìn đồng. 

Gia đình ông Thành làm đèn lồng không chỉ phục vụ mùa Trung thu mà còn có nhiều dịp khác trong năm. “Bình thường cũng có nhiều người đến đặt, nhất là dịp lễ hội, kích cỡ, màu sắc họ yêu cầu sao thì mình làm vậy. Để chuẩn bị cho mùa Trung thu, phải chuẩn bị nguyên liệu trước 2 tháng. Số lượng đèn được bán chủ yếu từ tháng 6 - 8 âm lịch, nhộn nhịp nhất là tháng 7,” ông Thành nói.

Chiếc đèn lồng lớn nhất mà cơ sở ông Thành sản xuất có kích thước hơn 3 mét. Để hoàn thành được một chiếc đèn có kích thước lớn như vậy phải mất khoảng 3 ngày.  

Ngày xưa đèn lồng còn ít, chủ yếu đi bán lẻ hoặc giao lại các cửa hàng. Bây giờ thì chỉ sản xuất xong là có thương lái đến lấy, chẳng phải đi giao. Hiện nay, cơ sở sản xuất đèn lồng của ông không chỉ phục vụ thị trường Tp. Hồ Chí Minh mà có xuất đi nhiều tỉnh thành khác ở miền Nam và các khu vực khác trong cả nước. Gia đình ông Thành cũng thường xuyên thực hiện các đơn hàng xuất đi nước ngoài để phục vụ cộng đồng người Việt xa quê mỗi dịp Trung thu./.

Một số loại lồng đèn trung thu do gia đình ông Nguyễn Trọng Thành chế tác:


















 
Thực hiện: Thông Hải


Top