Kinh tế

FTA Việt Nam-EAEU, nhiều cơ hội đang chờ phía trước

Ngày 5/10/2016, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (FTA Việt Nam - EAEU) chính thức có hiệu lực, mở ra triển vọng lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vào một trong những thị trường lớn và đầy tiềm năng trên thế giới với trên 180 triệu dân và có tổng GDP đạt trên 2.000 tỷ USD, cùng với kim ngạch ngoại thương đạt khoảng 1.000 tỷ USD.
Đây là FTA đầu tiên mà Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) ký với một nước thứ ba, và cũng là Hiệp định đầu tiên Việt Nam ký với các đối tác truyền thống thuộc Liên Xô cũ.

FTA Việt Nam - EAEU là một Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới, toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EAEU.

Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa thông qua cắt giảm thuế quan, Hiệp định bao gồm cam kết của các bên về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, cạnh tranh.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai trương Văn phòng Đại diện
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Liên bang Nga.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Liên minh kinh tế Á – Âu tổ chức tại Hà Nội, 2015.
Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN


Tập đoàn TH True Milk của Việt Nam vừa khởi công dự án thứ hai tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa
tại Liên bang Nga. Ảnh: Dương Trí/TTXVN

Theo cam kết trong Hiệp định, EAEU dành cho Việt Nam nhiều thuận lợi cho các nhóm hàng Việt Nam có thế mạnh như: nông sản, thủy sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ...
Liên minh Kinh tế Á-Âu là một thị trường lớn với trên 180 triệu dân, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, tổng GDP đạt trên 2.000 tỷ USD, kim ngạch ngoại thương đạt khoảng 1.000 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EAEU các mặt hàng chủ lực như điện thoại-linh kiện, máy vi tính-sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả..., và nhập lại từ EAEU các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị...


Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực chương về thú ý và kiểm dịch động thực vật (SPS); thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai bên.

Phía Việt Nam cam kết mở cửa thị trường có lộ trình cho EAEU đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Nhìn chung, các mặt hàng này không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà góp phần đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.

Về tổng thể, hai bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Ngoài ra, FTA này cũng quy định các biện pháp nhằm tăng tính minh bạch của các hoạt động quản lý nhà nước trong thương mại, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước của hai bên về hải quan, quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Hiệp định cũng có một chương quy định về thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân.


Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), một biểu tượng thành công trong hợp tác kinh tế Việt - Nga.
Trong ảnh: Giàn công nghệ trung tâm số 2 ở mỏ Bạch Hổ, một trong 40 công trình biển của Liên doanh Vietsovpetro.
Ảnh: Huy Hùng/TTXVN


Ngành thủy sản của Việt Nam được đánh giá là sẽ có cơ hội
tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EAEU. Ảnh: Kim Phương


Thị trường EAEU nhập khẩu khá lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN


Dệt may của Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi
khi FTA Việt Nam - EAEU chính thức có hiệu lực. Ảnh: Kim Phương


Cà phê, hạt điều, gạo, rau quả... dự kiến cũng sẽ có bước chuyển mới khi tham gia vào thị trường EAEU.
Ảnh: Quang Huy/TTXVN

Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, FTA Việt Nam - EAEU sẽ tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi về xuất khẩu cũng như hợp tác kinh tế thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ Hiệp định này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ một số vấn đề như: thói quen tiêu dùng, thị hiếu về chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm của người dân Nga và các nước trong EAEU; các yêu cầu về luật pháp; hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm khá đặc thù của thị trường này, và cả vấn đề về rào cản ngôn ngữ tiếng Nga được dùng phổ biến tại thị trường này...

Nói về triển vọng của FTA Việt Nam - EAEU, ông Popov Aleksei, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại từ 4 tỷ USD như hiện nay lên 8-10 tỷ USD trong vài năm tới. Một số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may... sẽ có cơ hội tăng mạnh sản lượng xuất khẩu. Ngược lại, ngành sản xuất ôtô của Nga cũng có cơ hội lớn khi thâm nhập thị trường Việt Nam.

Còn theo GS Nikolay Nikolayevych, Viện Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Nga, EAEU có tiềm năng lớn bởi đây là tổ chức hội nhập lớn nhất tại lục địa Á-Âu. Vì vậy, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại Tự do với EAEU sẽ cho phép tăng mạnh kim ngạch hàng hóa, từ đó tăng doanh thu từ ngoại thương và tạo việc làm mới./.



Theo tính toán của Ủy ban Kinh tế Á-Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên 8-10 tỷ USD. Trong năm đầu tiên khi Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu của EAEU sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế. Theo Hiệp định, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, trong đó có sản phẩm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép... Thuế suất đối với 30% mặt hàng khác sẽ được giảm dần về 0% trong giai đoạn quá độ.

 

TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top