Tin tức

Festival Hoa Đà Lạt: Mở màn Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc

Tái hiện cảnh hái trà của người dân Bảo Lộc. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Đêm 25/12, tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, chương trình "Đêm hội B’Lao-Tơ trà lan tỏa" đã diễn ra.

Đây là hoạt động mở màn của Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc, một trong 16 chương trình chính của Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII, diễn ra từ ngày 23-27/12.

Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc là sự kiện kinh tế, văn hóa quan trọng của thành phố Bảo Lộc nhằm tôn vinh những người trồng trà, chế biến trà, nghề trồng dâu nuôi tằm và sản xuất tơ lụa cũng như giới thiệu và quảng bá thương hiệu trà B’Lao và Tơ lụa Bảo Lộc.

Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc gồm nhiều hoạt động, chương trình đặc sắc như “Phiêu du xứ Bảo"; hội chợ thương mại, triển lãm, trưng bày “Hương trà-sắc tơ”; chương trình “Bảo Lộc ngày mới-Óng ánh sắc tơ”; hội thi hái trà; phố trà B’Lao...

Trong đêm khai mạc, tỉnh Lâm Đồng đã vinh danh 10 đơn vị và 9 cá nhân có nhiều đóng góp cho thương hiệu của ngành nghề trà và tơ lụa Bảo Lộc trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhân dịp này, tỉnh Lâm Đồng cũng trao quyết định sử dụng chứng nhận nhãn hiệu Trà B’ Lao cho 8 đơn vị sản xuất và kinh doanh trà; nhãn hiệu Tơ lụa Bảo Lộc cho 8 đơn vị sản xuất tơ, lụa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 5.200ha dâu tằm, sản lượng kén tằm đạt trên 5.000 tấn/năm với gần 16.000 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm tại 10 huyện và thành phố Bảo Lộc. Các sản phẩm tơ tằm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa mang thương hiệu xuất xứ từ Bảo Lộc với giá trị đạt gần 10 triệu USD trong năm 2017.

Trong lĩnh vực sản xuất, chế biến trà, hiện nay toàn tỉnh có 21.000ha chè với sản lượng đạt 234.656 tấn, chiếm 30% sản lượng chè cả nước. Diện tích sản xuất chè ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt 6.335ha.

Toàn tỉnh hiện có 64 đơn vị sản xuất, thu mua và chế biến chè theo dạng công nghiệp, 44 đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu, khoảng 161 hộ chế biến chè sấy khô dạng thủ công. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm trà năm 2017 đạt trên 30 triệu USD.

Với những giá trị kinh tế to lớn đó, ngành nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và trồng, chế biến trà đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động trên địa bàn. Chè, dâu cũng như ngành trà và tơ lụa sẽ tiếp tục là cây trồng, ngành nghề quan trọng đối với người dân Bảo Lộc./. 
VNP/TTXVN


Top