Kinh tế

Đổi thay ở miền biên viễn Xín Mần

Là huyện biên giới có nhiều tiềm năng của tỉnh Hà Giang, địa bàn huyện Xín Mần được bao quanh bởi các đèo cao, suối sâu nên giao thông bị chia cắt, giao thương với các vùng phụ cận rất khó khăn. Việc xây dựng cầu Cốc Pài mới bằng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam không chỉ giúp giải bài toán giao thông, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.
Niềm vui nơi biên viễn

Xín Mần là huyện biên giới của tỉnh Hà Giang, phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, có dân số hơn 58.000 người thuộc 16 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Nùng chiếm đa số là 43%, dân tộc Mông chiếm 23%, còn lại là các dân tộc khác như Dao, Tày, La Chí, Kinh...

Trước đây, để kết nối với tỉnh lỵ là thành phố Hà Giang hoặc các huyện lân cận, người dân Xín Mần phải vượt qua sông Chảy bằng chiếc cầu treo cũ, có tải trọng nhỏ, yếu. Xe cơ giới đi qua cầu thường bị rung lắc mạnh. Nếu điều kiện thời tiết có mưa to gió lớn thì việc qua lại cầu treo cũ càng gặp nhiều khó khăn.

Để cải thiện điều kiện an toàn giao thông và nâng cao đời sống cho người dân địa phương, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đầu tư xây dựng cầu Cốc Pài với tổng kinh phí hơn 150 tỉ đồng.

Cầu Cốc Pài được khởi công xây dựng vào ngày 26/1/2015 cách cầu cũ (cầu treo) khoảng 60m về phía thượng lưu. Sau 20 tháng thi công, cây cầu đã được khánh thành và thông xe vào những ngày đầu tháng 11/2016. Cầu Cốc Pài mới không chỉ kết nối giao thông thông suốt giữa Xín Mần và các địa phương lân cận, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương. Từ nay, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch của đồng bào dân tộc Xín Mần có cơ hội vươn xa.

Anh Lý Văn Hào, người thôn Chúng Trải, cách thị trấn Cốc Pài 5km, cho biết, dân bản hàng tuần vẫn đem ngô, lúa lên chợ biên giới để bán. “Chợ cách bản 45km. Trước đây, muốn lên chợ phải đi qua cây cầu treo bắc qua sông bên thị trấn huyện. Nhưng cầu hay hỏng lắm, mỗi lần như vậy phải đi vòng qua cầu treo bên xã khác xa hơn vài cây số. Giờ có cây cầu mới rồi thì bà con chúng tôi tới chợ sớm hơn”, anh Lý Văn Hào vui mừng nói.


Ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam cùng các em học sinh dân tộc Xín Mần
tham gia cuộc thi vẽ tranh “Đổi thay trên quê hương em” .


Diễn viên Lan Phương, Đại sứ thiện chí của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam thăm trẻ em và bà con
dân tộc Mông thôn Chúng Trải, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần trong dịp khánh thành và khai trương điểm du lịch cầu Cốc Pài.



Những bức tranh vẽ cây cầu cầu Cốc Pài, ước mơ về sự đổi thay quê hương của các em học sinh Trường dân tộc nội trú huyện Xín Mần.


Một cuộc trưng bày các bức tranh do học sinh các dân tộc huyện Xín Mần vẽ nhân ngày khánh thành cầu Cốc Pài 
được tổ chức ngay trên sân trường dân tộc nội trú huyện.


Ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam
 
và ông Hoàng Nhị Sơn, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần trao giải cho các em học sinh
đoạt giải cuộc thi vẽ tranh “Đổi thay trên quê hương em”.

Còn với chị Nông Thị Vá, giáo viên tiểu học ở xã Thèn Phàng, vào những hôm trời mưa lớn, đất sạt lở chị và các đồng nghiệp đi qua cầu treo rất nguy hiểm hoặc bị tắc cầu do lượng người di chuyển qua khá đông. Chị Vá nói: “Có cây cầu Cốc Pài bà con chúng tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Tôi cũng không phải lo lắng đi lại mỗi lần cầu treo hỏng hay lúc mưa gió để tới lớp học với các em học sinh của mình nữa”.

Cốc Pài - cây cầu đổi thay miền sơn cước Xín Mần

Nằm ở vị trí sơn thủy hữu tình của huyện Xín Mần, cầu Cốc Pài là một trong những cây cầu thuộc phạm vi Dự án tín dụng ngành Giao thông giai đoạn 2 bằng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu có chiều rộng 9m, chiều dài toàn công trình là 832,77m, gồm 337,28m cầu với 11 nhịp trong đó 5 nhịp; đường dẫn đầu cầu dài 495,49m; đặc biệt công trình có hai trụ P5, P6 cao 60m.


Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Giao thông và Vận tải và
lãnh đạo tỉnh Hà Giang cắt băng tại lễ thông xe và công nhận điểm du lịch cầu Cốc Pài.


Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Giao thông và Vận tải, lãnh đạo tỉnh Hà Giang tham quan cầu Cốc Pài.



Các tiết mục văn nghệ do các em học sinh dân tộc huyện Xín Mần biểu diễn trong ngày khánh thành cầu Cốc Pài.



Là một trong những cây cầu thuộc phạm vi Dự án Tín dụng Ngành Giao thông giai đoạn 2
do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản, cầu Cốc Pài hoàn thành đã giúp cải thiện kết nối giao thông giữa hai tỉnh
Hà Giang và Lào Cai cũng như giữa huyện Xín Mần và các địa phương lân cận.


Nằm ở vị trí sơn thủy hữu tình, cầu Cốc Pài với những trụ cầu  thiết kế đẹp,
hài hòa với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của huyện biên giới Xín Mần.


Các em học sinh, lãnh đạo huyện Xín Mần
và đại diện các đơn vị thi công công trình chụp ảnh kỷ niệm trên cây cầu Cốc Pài, hoàn thành sau 20 tháng thi công.


Người dân Xín Mần tập trung đông vui như ngày hội tham dự khánh thành cầu Cốc Pà,
nơi được coi là điểm nhấn để khai thác và thúc đẩy du lịch của địa phương.


Các em học sinh huyện Xín Mần tham quan cầu Cốc Pài.



Cốc Pài được xem là cây cầu nối đôi bờ ấm no cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc huyện biên giới Xín Mần.

Nhớ lại những ngày đầu thi công cầu Cốc Pài, ông Phạm Ngọc Biên, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 6 cho biết, khi chuyến xe đầu tiên đưa thiết bị máy móc vào công trường, những người thực hiện dự án mới biết được sự khó khăn phức tạp của địa hình hiểm trở nơi đây. Tất cả vật tư thiết bị đều phải đi từ hướng Lào Cai vào và phải dừng lại cách công trường 15km. Hơn nữa là khí hậu thời tiết khắc nghiệt cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. 

Thế nhưng, cảm nhận được sự khó khăn trong cuộc sống và mong ước của bà con, những người thợ thi công đã vượt qua khó khăn để hoàn thành công trình. Ông Biên phấn khởi chia sẻ: “Đến giờ cây cầu đã thực sự là điểm nhấn kiến trúc tô đẹp thêm vẻ đẹp của thị trấn Cốc Pài. Với chúng tôi, đây cũng là minh chứng cho sự phát huy hiệu quả đầu tư các công trình giao thông bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam”.

Theo ông Hoàng Nhị Sơn, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, cầu Cốc Pài được đưa vào sử dụng sẽ kết nối huyện Xín Mần (Hà Giang) với huyện Bắc Hà (Lào Cai) và giao với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, trong tương lai sẽ nối với cửa khẩu Xín Mần - Đô Long. Điều này sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của huyện Xín Mần cũng như là của hai huyện phía Tây của tỉnh Hà Giang.

Ngoài ra, chính quyền huyện Xín Mần cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng bằng việc tiến hành trồng những cây bản địa dưới chân 2 bên chân cây cầu để xây dựng cảnh quan đẹp hơn. Du khách khi tới đây sẽ được tận hưởng không gian yên tĩnh giữa thiên nhiên hùng vĩ và tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp với người dân, như: bắt cá, hái rau rừng, ngủ nhà sàn và thưởng thức các sản vật.

Chứng kiến trên quê hương cây cầu treo trước đây được thay thế bằng cây cầu Cốc Pài vững chãi, 100 các em học sinh các dân tộc huyện Xín Mần đã tham dự cuộc thi vẽ tranh “Đổi thay trên quê hương em”. Tác phẩm của các họa sĩ "nhí" này đã tái hiện cây cầu Cốc Pài sừng sững vắt ngang dòng sông Chảy ở từng nét vẽ tỉ mỉ trong mỗi bức tranh, như ước mơ của mình về sự đổi thay trên quê hương.

Ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi hy vọng việc xây dựng cầu Cốc Pài sẽ giúp người dân Xín Mần có cơ hội hiểu thêm về Nhật Bản, đồng thời cũng giúp người Nhật sẽ biết thêm về huyện Xín Mần nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung”./.

 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Trọng Chính

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top