Tiềm năng địa phương

Đan Phượng hướng tới huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội

4 năm sau khi triển khai Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015”, Đan Phượng hiện là huyện dẫn đầu Thành phố về số xã đạt chuẩn nông thôn mới (13/15 xã). Hiện Đan Phượng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng thì ngay từ năm 2011, các cơ quan chức năng của huyện đã thực sự vào cuộc, bám sát từng cụm dân cư, phát hiện và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn triển khai Chương trình 02. Lãnh đạo huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành, từng cá nhân, hướng dẫn các xã, các thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ. Huyện còn có các chính sách động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích ngay tại các thôn, cụm dân cư... Nhờ vậy, tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được đảm bảo. Các xã sau khi được Thành phố công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới chủ động rút kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, củng cố và hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt.

Đến nay, toàn  huyện Đan Phượng đã chuyển đổi được hơn 950 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: hoa, rau, cây ăn quả, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 160 - 250 triệu đồng/ha. Đan Phượng đã tập trung phát triển dịch vụ, thương mại, cụm công nghiệp với trên 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 6 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Toàn huyện có 21 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 8 HTX công nghiệp, 1 HTX vận tải và 4 quỹ tín dụng nhân dân, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng vạn lao động trong và ngoài địa phương.

 


Một góc Đan Phượng hôm nay.


Đan Phượng hiện có 35/48 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.


Thực hiện cơ chế 1 cửa ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng.


Xác định xây dựng hạ tầng xã hội là tiền đề xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng tập trung nhiều nguồn lực xây dựng 6 tuyến đường liên xã, 22 km đường trục thôn, 136 km đường ngõ, xóm, 80 km đường nội đồng. Ngành điện và các xã trên địa bàn đầu tư xây dựng hơn 235 km điện trung thế, hơn 111 km điện hạ thế, 28 trạm biến áp, nâng tổng số trạm biến áp lên là 225 trạm. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đạt trên 99%. Mạng lưới bưu chính - viễn thông phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.

Huyện có 35/48 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, 15 nhà văn hóa xã, 93 nhà văn hóa thôn, nhà hội họp cụm dân cư và 15 sân thể thao xã. Đặc biệt huyện có 7 chợ được quy hoạch; 45 làng, 13 thôn, 21 cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 89% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội thì nhờ phát triển kinh tế cùng với thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, số hộ nghèo của Đan Phượng đã giảm mạnh. Nếu như năm 2010, số hộ nghèo là 4.236 hộ (tỷ lệ 12,21%) thì đến năm 2014, con số này của toàn Huyện giảm xuống 880 hộ (tỷ lệ 2,2%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 35% năm 2010 nâng lên 61% năm 2014... Trong giai đoạn 2011 - 2015, Huyện đã giải quyết việc làm cho trên 1 vạn lượt lao động với tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên đạt gần 95%.

Từ những thành công trên, Đan Phượng đang hướng tới huyện đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tại, Huyện đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ xét công nhận, công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định./.

 


Hộ gia đình anh Bùi Tuấn Tiệp ở xóm Tháp Thượng (Song Phượng, Đan Phượng)
đã mạnh dạn bỏ lúa trồng cây ăn quả, mỗi năm có thu nhập 300 – 400 triệu đồng.


Đu đủ, loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Song Phượng.


Huyện đã chuyển đổi được hơn 950 ha đất lúa sang trồng các loại giống hoa
nâng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 160 - 250 triệu đồng/ha


Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu theo quy trình mới, hiện đại.


Hiện nay trên địa bàn huyện Đan Phượng có khoảng 1.000 con bò,
trong đó bò sữa khoảng 200 con, nuôi tập trung chủ yếu ở xã Phương Đình.


Huyện đã chuyển đổi được hơn 950 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như:
hoa, rau, cây ăn quả, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 160 - 250 triệu đồng/ha.

Bài: Hoàng Hà - Ảnh: Hoàng Hà, Tư liệu


Top