Khám phá

Đám cưới chốn hoàng cung

Cho đến lúc này, cuộc sống chốn hoàng cung nhà Nguyễn vẫn còn tồn tại nhiều điều bí ẩn, đặc biệt là các lễ nghi trong đời sống hoàng tộc của triều đại phong kiến này. Tại Festival Huế 2016, du khách có cơ hội được khám phá một trong những điều bí ẩn thú vị ấy, đó là nghi lễ đám cưới của công chúa.
Đến thăm cố đô Huế du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đặc sắc, những món ăn cung đình Huế thời Nguyễn nhưng để hiểu rõ hơn về cuộc sống của gia đình vua chúa nhà Nguyễn thì không nhiều người có cơ hội khám phá. Trong chương trình “Đêm Hoàng Cung” của Festival Huế 2016, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tái hiện lại lễ cưới công chúa tại cung Trường Sanh trong Hoàng thành Huế nhằm giúp cho du khách có cơ hội hiểu rõ thêm về đám cưới cung đình Huế.


Vẻ hạnh phúc rạng ngời của phò mã và công chúa trong ngày cưới. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam


Cung Trường Sanh, nơi tái hiện lễ cưới công chúa triều Nguyễn. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam


Đội quan binh khiêng sính lễ trong đám rước dâu. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam


Đoàn rước sính lễ trong đám rước dâu của đám cưới hoàng cung. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam


Tỳ nữ ôm theo ngỗng trắng, tượng trưng cho đôi uyên ương,
thể hiện sự gắn bó thủy chung của một mối tình son sắt. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam



Đội lễ nhạc cung đình tấu lên những khúc nhạc réo rắc mừng cô dâu chú rể.
Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam


Phò mã và công chúa cung nghinh giao bái trước giờ về lên kiệu nhà chồng.
Ảnh: Tất Sơn/ Báo ảnh Việt Nam


Công chúa mặt hoa da phấn, xinh tươi e thẹn ngồi kiệu hoa về nhà chồng.
Ảnh: Tất Sơn/ Báo ảnh Việt Nam


Đám rước dâu đi qua trường lang của Tử Cấm Thành. Ảnh: Tất Sơn/ Báo ảnh Việt Nam


Trong quá trình rước dâu, đoàn tỳ nữ và các lính hầu
luôn theo sát kiệu cô dâu để phò tá công chúa về dinh phò mã. Ảnh: Tất Sơn/ Báo ảnh Việt Nam

Thông qua việc tái hiện này, người ta có thể thấy rằng, về cơ bản, đám cưới chốn hoàng cung triều Nguyễn vẫn có những nghi thức, nghi lễ như một đám cưới dân gian truyền thống của người Huế. Tuy nhiên, vì đây là đám cưới của công chúa nên nó có những nghi thức, nghi lễ riêng mang đậm nét cung đình. Ví dụ như ngoài các lễ vật như trầu cau, bánh trái, rượu chè, cờ, đèn, lọng, tán... người ta còn thấy có một đôi cung nữ ôm theo hai con ngỗng trắng, tượng trưng cho đôi uyên ương thể hiện sự gắn bó thủy chung của một mối tình son sắt.

Trong tiếng réo rắt của nhã nhạc cung đình, đám rước công chúa được nghiêm trang rước từ cung Trường Sanh đi vòng vèo qua các con đường gạch đỏ nằm ẩn mình dưới hai hàng cây cổ thụ rợp bóng trong hoàng cung. Dưới ánh đèn vàng trầm mặc kỳ ảo của chốn hoàng cung, đoàn rước dâu nghiêm cẩn tiến bước trước sự điều khiển của một viên quan chủ lễ dẫn đầu. Theo sau có lính nội thị theo hầu, đội quân binh khiêng sính lễ, đoàn tỳ nữ theo hầu, phò mã áo đỏ đi trước, ngay phía sau là kiệu cô dâu. Thú vị nhất là hình ảnh công chúa trong lễ phục cưới hoàng cung, mặt hoa da phấn, dáng người nhỏ nhắn xinh tươi, ngồi e thẹn trên kiệu hoa theo phò mã về nhà chồng đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một nghi lễ được xem là bí ẩn nhất chốn hoàng cung triều Nguyễn xưa kia./.

Thực hiện: Tất Sơn

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.

Top