Phóng sự chuyên đề

Đà Nẵng đón chào APEC 2017

Ðêm. Dòng sông Hàn lộng lẫy ánh đèn hoa. Chiếc đồng hồ điện tử đếm ngược đến ngày diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở đầu cầu Sông Hàn rực sáng với những con số đang nhảy dần. Cái hấp lực của APEC dường như đang lan tỏa mạnh mẽ trong từng nhịp thở của thành phố biển xinh đẹp. Và người Ðà Nẵng cũng đang nói nhiều về APEC với tất cả tâm trạng háo hức, đợi chờ. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng cả thế giới đang nhìn về Ðà Nẵng...
APEC - cơ hội chiến lược của Đà Nẵng

Năm 2017 Việt Nam là chủ nhà của Năm APEC 2017, và Thành phố Đà Nẵng được chọn làm Thành phố đăng cai Tuẩn lễ Cấp cao APEC 2017. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã trả lời phỏng vấn Báo ảnh Việt Nam về một số nội dung liên quan đến sự kiện này.

Phóng viên: Việc Đà Nẵng được chọn làm Thành phố đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là dấu ấn lớn trong lịch sử phát triển của Thành phố, xin ông cho biết Đà Nẵng đã chuẩn bị như thế nào cho sự kiện mang tính lịch sử này? 

Ông Huỳnh Đức Thơ: Việc lựa chọn Đà Nẵng tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quyết định sự thành công tuyệt đối của Năm APEC 2017 nói riêng và toàn bộ hoạt động của Diễn đàn nói chung. Có thể nói Đà Nẵng đang chạm tới một cơ hội chiến lược để khẳng định vai trò và vị thế của mình ở trong nước và quốc tế.

Để chuẩn bị cho sự kiện lớn này, Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, hết sức bài bản và kỹ lưỡng đến từng chi tiết, cũng như đã đầu tư một nguồn lực rất lớn về nhân lực, vật lực. Nhiều cơ sở hạ tầng đã được chỉnh trang, nâng cấp hoặc xây mới. Công tác tuyên truyền, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh, lưu trú, y tế, lễ tân, hậu cần... cũng được chuẩn bị kỹ càng. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, chắc chắn Đà Nẵng sẽ phối hợp cùng với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 tổ chức thành công tốt đẹp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Phóng viên: Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 không chỉ là nơi gặp gỡ của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên mà còn là nơi hội tụ của các nhà kinh tế hàng đầu thế giới, xin ông cho biết Đà Nẵng có kế hoạch gì cho việc quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, một trong những thế mạnh nổi trội của “Thành phố bên sông Hàn”?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Thành phố phải tận dụng mọi cơ hội từ APEC 2017 để phát triển trên các lĩnh vực trọng điểm. Vì vậy, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng nhiều hoạt động bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nổi bật là Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng nhằm quảng bá tiềm năng, cơ hội và các chính sách hỗ trợ của chính quyền Thành phố đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đà Nẵng được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích. Nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, đặc biệt là du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng - hội thảo và du lịch văn hóa. Tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, chúng tôi sẽ có cơ hội được tiếp xúc với nhiều đối tác lớn đến từ những nền kinh tế có tiềm lực về hợp tác phát triển du lịch như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… Vì vậy, chắc chắn chúng tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội để quảng bá, xúc tiến hợp tác đầu tư để đưa du lịch Đà Nẵng phát triển lên một tầm cao mới, xứng tầm quốc tế.

Phóng viên: Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được xem là cơ hội vàng để Đà Nẵng nâng tầm thương hiệu trên trường quốc tế, xin ông cho biết Thành phố sẽ để lại dấu ấn riêng gì trong lòng bạn bè quốc tế nhân sự kiện này?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Như Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam, đã nhận định: “Sự chú ý của cả thế giới sẽ đổ dồn về Đà Nẵng trong tháng 11 năm 2017 khi các Nhà lãnh đạo, các Bộ trưởng và các CEO đến từ 21 nền kinh tế APEC tụ họp tại Thành phố này”. Điều đó cho thấy Đà Nẵng đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới.

Đây sẽ là cơ hội lớn không chỉ để Đà Nẵng thể hiện cho thế giới thấy tiềm năng như một cửa ngõ trung tâm quan trọng cho du lịch và đầu tư, mà còn là cơ hội để thế giới biết về một Đà Nẵng xinh đẹp, đẳng cấp, thân thiện, an toàn và mến khách.

Vì vậy, bên cạnh việc tổ chức tốt các sự kiện của Tuần lễ, không chỉ chính quyền mà toàn thể người dân Đà Nẵng cũng sẽ nỗ lực hết mình vì APEC. Mỗi người dân của Thành phố chúng tôi sẽ là một “đại sứ văn hóa”. Họ sẽ là những chiếc cầu nối đưa Đà Nẵng đến với thế giới, và đưa thế giới đến với Đà Nẵng bằng chính tình cảm thân thiện, văn minh và hiếu khách vốn có của mình.

Với tất cả những nỗ lực ấy, chúng tôi tin rằng, Đà Nẵng không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp về một địa điểm đăng cai hoàn hảo, mà sẽ tạo một dấu ấn riêng để tiếp nối vào những cột mốc lịch sử của APEC với những tuyên bố và cam kết được thống nhất bởi 21 nền kinh tế thành viên, một yếu tố mang tính quyết định cho tương lai phát triển bền vững của APEC nói chung và với Việt Nam, Đà Nẵng nói riêng.



Tính đến thời điểm này, Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức sự kiện Tuẩn lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: Công Đạt
 
Thành phố APEC bên sông Hàn

Chưa bao giờ người dân Tp. Đà Nẵng lại có cái tâm trạng háo hức, đợi chờ đến kỳ lạ như lúc này. Bởi đối với họ, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là một sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Ngồi cạnh tôi trong quán nhỏ bên bờ sông Hàn lộng gió là ông Tư Minh, một lão ngư chính hiệu của vùng biển Sơn Trà. Vừa nhâm nhi chén nước chè ông vừa ngó ra cái đồng hồ điện tử đếm ngược chào APEC đang nhấp nháy sáng phía đầu cầu Sông Hàn. Rồi ông chợt hỏi: “Này chú! A-pết có cái chi mà ai cũng bàn tán dữ rứa hè?”. Cái giọng nằng nặng của dân miền biển xứ Quảng cùng với câu hỏi chân chất, thiệt thà của ông khiến tôi bật cười.

Tôi chia sẻ một lúc, chẳng biết ông có hiểu hết không, nhưng xem ra ông rất tự hào khi biết vào dịp ấy thành phố biển quê ông sẽ được đón nhiều nguyên thủ các nước lớn cùng hàng nghìn quan khách và báo chí quốc tế đến dự bàn những việc lớn của thế giới.



Bãi biển Mỹ Khê có chiều dài 900m nơi từng được Tạp chí Forbes () bình chọn
là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh năm 2005. Ảnh: Tất Sơn



Du khách bên đàn bồ câu ở Công viên Biển Đông. Ảnh: Công Đạt


Quán cà phê trên nóc những tòa nhà cao tầng giúp cho du khách dễ dàng ngắm Tp. Đà Nẵng về đêm. Ảnh: Công Đạt


Hai bên bờ sông Hàn hiện đại và rực sáng về đêm. Ảnh: Tất Sơn



Festival Pháo hoa Quốc tế DIFF, Lễ hội lớn nhất Đông Nam Á
được tổ chức thường niên 2 năm một lần tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN


Du khách tham quan khu làng du lịch mang đậm nét kiến trúc Pháp
do Công ty cổ phần Mặt Trời (Sun Group) xây dựng trên đỉnh Bà Nà. Ảnh: Công Đạt


Sân Golf Bà Nà Hills được thiết kế và triển khai theo công nghệ Châu Âu,
đạt tiêu chuẩn của một sân golf đẳng cấp thế giới. Ảnh: Tập đoàn Sun Group cung cấp

Ông Tư tự hào cũng phải, bởi cả đời ông chưa bao giờ được chứng kiến một sự kiện nào lớn hơn thế. Mà không tự hào sao được, bởi ngay Ngài Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cũng từng nói rằng: “Sự chú ý của cả thế giới sẽ đổ dồn về Đà Nẵng trong tháng 11 khi các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng và các CEO đến từ 21 nền kinh tế APEC tụ họp tại thành phố này”.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ đón người đứng đầu của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng đoàn tùy tùng quan khách, đại diện các tập đoàn lớn lên đến 15.000 người và 6.000 phóng viên quốc tế. Tuần lễ Cấp cao APEC 2017  được xem là sự kiện quốc tế lớn nhất Việt Nam tổ chức trong hơn 10 năm trở lại đây và là sự kiện tầm quốc tế năm 2017. Sự kiện này mang đến cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.

Để có được một Đà Nẵng như ngày hôm nay, Thành phố này đã phải phấn đấu bền bỉ suốt mấy chục năm trời. Vượt qua bao khó khăn, Đà Nẵng đã tạo nên một kỳ tích bên sông Hàn với những danh hiệu mà không phải thành phố nào trên thế giới cũng có thể làm được. Đó là “Thành phố đáng sống”, “Thành phố môi trường”, “Thành phố phong cảnh Châu Á”, “Thành phố tổ chức sự kiện và lễ hội”... và giờ là “Thành phố APEC”.

Để chuẩn bị cho sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị rất lớn và kĩ lưỡng về nhân lực, vật lực, cũng như các chương trình, kế hoạch tổ chức. Thành phố đã đầu tư xây mới rất nhiều công trình hiện đại, quy mô và tầm vóc như các tuyến đường giao thông, nhà ga sân bay quốc tế, trung tâm báo chí quốc tế, hệ thống khách sạn và trung tâm hội nghị... Mỗi một công trình đều mang đậm dấu ấn tài hoa, tâm huyết và cả tình cảm của người Đà Nẵng.

Đưa chúng tôi đi xem cơ ngơi bề thế rộng hàng chục hecta được chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC, Trương Ngọc Thành, người phụ trách về truyền thông của khu nghỉ dưỡng 5 sao 
Furama nổi tiếng thế giới tự hào cho biết, đây sẽ là nơi diễn ra khoảng 80% các sự kiện lớn của Tuần Lễ Cấp Cao APEC 2017.Vì thế, ngoài cơ sở hiện có, Furama đã đầu tư xây mới thêm Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Ariyana Đà Nẵng (ADECC) với sức chứa tới 2.500 chỗ ngồi dùng làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân APEC với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao 21 nền kinh tế thành, và khoảng hơn 100 căn biệt thự sang trọng, đẳng cấp quốc tế để phục vụ các quan khách cấp cao.


Ngày 15/10/2017/ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khánh thành Cung hội nghị quốc tế Ariyana 
(ADECC) ,
công trình trọng điểm phục vụ tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Đây là công trình do Tập đoàn Sovico
và Furama Resort Đà Nẵng triển khai. 
Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Ariyana Đà Nẵng với sức chứa tới 2.500 chỗ ngồi
là nơi tổ chức 
Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân APEC với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao 21 nền kinh tế thành viên.
Ảnh: Tất Sơn



Bãi biển Non Nước có chiều dài 5 km với bãi cát trắng mịn là nơi được nhiều hệ thống khách sạn, resort 
do các thương hiệu nổi tiếng thế giới đầu tư và xây dựng như Furama, Melia, Fusion Maia … Ảnh: Tất Sơn


Không gian Khu nghỉ dưỡng Melia trên bãi biển của Đà Nẵng. Ảnh: Tất Sơn


Hệ thống bể bơi ngoài trời được thiết kế sang trọng và hiện đại của Khu nghỉ dưỡng 5 sao Furama. Ảnh: Công Đạt

Để có được một Đà Nẵng như hôm nay, Thành phố này đã phải phấn đấu bền bỉ suốt mấy chục năm trời. Vượt qua bao khó khăn, Đà Nẵng đã tạo nên một kỳ tích bên sông Hàn với những danh hiệu mà không phải thành phố nào trên thế giới cũng có thể làm được.
Chuyện trò với tôi, chàng trai Đà Nẵng Trương Ngọc Thành thuộc thế hệ 8X cũng bừng sáng một ngọn lửa của niềm tin về tương lai tươi sáng. Và tôi cũng biết rằng, như bao nhiêu người dân Đà Nẵng khác, Thành cũng đang hồi hộp đếm ngược thời gian chờ đến ngày diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC, vì đó sẽ là một mốc son mới trên bước đường viết tiếp kỳ tích sông Hàn của người Đà Nẵng.

Thành phố kết nối những miền di sản

Đà Nẵng đã được bạn bè quốc tế biết đến như một thiên đường du lịch với bãi biển Mỹ Khê từng được tạp chí danh tiếng Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh; một bán đảo Sơn Trà với những cánh rừng xanh hoang sơ xanh mướt; một danh thắng Ngũ Hành Sơn linh thiêng và tuyệt đẹp; một khu du lịch Bà Nà Hills, địa danh du lịch nổi tiếng, nằm cách Đà Nẵng hơn 20km về phía Tây Nam và ở độ cao trên 1400m so với mực nước biển và cả những khu resort ven biển đẳng cấp quốc tế như: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Furama Resort Danang, Pullman Danang Beach Resort, Hyatt Regency Danang Resort and Spa…Có lẽ vì thế mà Đà Nẵng từng nhiều lần lọt vào mắt xanh của những tờ tạp chí du lịch và các tổ chức du lịch hàng đầu thế giới.

Năm 2015, Đà Nẵng lọt vào tốp 10 điểm đến du lịch hấp dẫn và có chi phí thấp nhất thế giới do Skyscanner, trang web tìm kiếm về du lịch hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh bình chọn. Và cũng theo Skyscanner, du khách đến với Đà Nẵng không nên bỏ qua cơ hội khám phá bãi biển Mỹ Khê, thưởng thức những món hải sản tuyệt ngon tại các nhà hàng ven biển… Năm 2016, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, Đà Nẵng đã vượt qua 8 điểm đến hàng đầu của Châu Á để được vinh danh là “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á” (Asia’s Leading Festival and Event Destination).



Lăng Khải Định thuộc Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới,
nằm cách Tp. Đà Nẵng khoảng 100 km. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) huyền bí nghìn năm tuổi, nơi chỉ cách Tp. Đà Nẵng khoảng 40 km. Ảnh: Công Đạt


Đà Nẵng còn được thừa hưởng những lợi ích rất lớn từ nhiều Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận nằm ở
các địa phương cách đấy không xa trong đó có Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Ảnh: Tất Sơn


Từ Đà Nẵng, du khách cũng có thể đến thăm phố cổ Hội An (Quảng Nam),
Di sản Văn hóa Thế giới đã được UNESCO công nhận. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Năm 2016, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, Đà Nẵng đã vượt qua 8 điểm đến hàng đầu của Châu Á để được vinh danh là “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á” (Asia’s Leading Festival and Event Destination).
Hiếm có thành phố du lịch nào có lợi thế như Đà Nẵng, bởi ngoài thế mạnh tự thân, Đà Nẵng còn được thừa hưởng những lợi ích rất lớn từ nhiều di sản thế giới đã được UNESCO công nhận nằm ở các địa phương cách đấy không xa. Từ Đà Nẵng đi về phía Nam khoảng 20 km là phố cổ Hội An cổ kính đầy hoài niệm và Thánh địa Mỹ Sơn huyền bí hơn nghìn năm tuổi. Đi về phía Bắc chừng 100 km là Cố đô Huế cổ kính nên thơ… Đấy là chưa kể đến rất nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng khác bao quanh Đà Nẵng như: đảo Cù Lao Chàm, biển Cửa Đại (Quảng Nam), đèo Hải Vân, núi Bạch Mã, biển Lăng Cô, phá Tam Giang (Huế) Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) với hệ thống hang động kì vĩ nhất thế giới…

Đến với Đà Nẵng du khách không chỉ được tận hưởng bầu không khí nghỉ ngơi, thư giãn tuyệt vời của thành phố biển xinh đẹp, mà còn có cơ hội được khám phá cả một kho tàng di sản khổng lồ về văn hóa, thiên nhiên của nhân loại. Đó quả là một cơ hội trải nghiệm hiếm có mà du khách không dễ gì tìm thấy ở những thành phố du lịch khác trên thế giới.

Chính vì vậy, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tháng 11 này là cơ hội lớn để Đà Nẵng thể hiện cho thế giới thấy tiềm năng của thành phố như một cửa ngõ trung tâm quan trọng cho du lịch và đầu tư. Và đó cũng chính là giấc mơ thôi thúc Đà Nẵng sớm vươn lên xứng tầm là một thành phố du lịch hàng đầu thế giới./.

 
Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Tất Sơn, Công Ðạt , Trần Lê Lâm, & Tư liệu BAVN


Top