Kinh tế

Cú hích của ngành du lịch

Với sự tham gia và chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam, Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch vừa diễn ra hôm 9/8 vừa qua tại thành phố cổ Hội An (Quảng Nam) được xem như cú hích mới, tạo động lực quan trọng giúp ngành du lịch Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương trọng điểm về du lịch và nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này trên phạm vi toàn quốc.

Các đại biểu đều đồng tình việc đề nghị mở rộng diện quốc gia được miễn thị thực cho khách du lịch để đạt được 3 giảm là giảm thời gian, giảm chi phí và giảm thủ tục. Bởi trong khi Việt Nam mới miễn thị thực cho 22 nước và vùng lãnh thổ thì các nước trong khu vực đã miễn thị thực cho từ 60 đến gần 160 nước và vùng lãnh thổ. Đây là một yếu tố khiến nhiều khách du lịch dù yêu mến Việt Nam cũng không quay lại mà chọn một nước Đông Nam Á khác. Các địa phương cũng đề xuất Chính phủ có giải pháp, cho phép triển khai các hoạt động du lịch sau 24 giờ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ở Việt Nam ở đâu cũng có thể làm du lịch nhưng với quy mô khác nhau, vấn đề là xác định đúng định hướng để đầu tư, phát triển.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam không có phố đèn đỏ, không kinh doanh casino tràn lan. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Chính phủ đã đầu tư 200 tỷ đồng để Bộ Công an xây dựng và triển khai quy trình cấp visa điện tử, thực hiện từ 1/1/2017, Thủ tướng cho biết.

Tán thành với quan điểm của hội nghị, đánh giá sự phát triển của du lịch Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ thực hiện bằng được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng phân tích cần có quyết tâm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng và nhân dân trong phát triển du lịch.

Thủ tướng chỉ đạo, phát triển du lịch phải theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh; phải gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội...

Thủ tướng cũng đồng ý với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sử dụng chủ yếu cho xúc tiến quảng bá; đầu tư phát triển sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực thể chế ngành du lịch.


Di sản Văn hóa Thế giới phố cổ Hội An. Ảnh: Nguyễn Thắng


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan và giao lưu với du khách trên phố cổ Hội An.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Ghe thuyền chở nông sản, hoa quả trao đổi, mua bán tại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ),
một trong những điểm tham quan hấp dẫn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Chính


Vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển ở Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Kim Sơn


Hồ Gươm vào hạ. Ảnh: Nguyễn Thắng


Vẻ đẹp huyền bí của động Thiên Đường ở Quảng Bình. Ảnh: Tất Sơn

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú, các dịch vụ trong các khu, điểm du lịch; đảm bảo vệ sinh, trật tự, tuyên truyền, phát động phong trào ứng xử văn minh tại các sân bay; cải tiến quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện tại các cửa khẩu đường không, đường bộ và đường thủy.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, tổ chức thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch; giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch hiện nay, nhất là hướng dẫn viên du lịch các ngoại ngữ hiếm.

Nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu của truyền thông, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong phát triển du lịch./.



(Du khách trên du thuyền thăm chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ. Ảnh: Trọng Chính)
 

Hiện cả nước có 1.555 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015; phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 235.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015. Theo số liệu 2015, ngành du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 6,6% GDP. Về giá trị tuyệt đối, đóng góp của du lịch Việt Nam xếp hạng 40 thế giới; tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan.

Thực hiện: TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top