Đời sống Việt

Cổ tự lưu giữ gần 100 bức tượng làm bằng giấy bồi

Ở Tp. Hồ Chí Minh có ngôi cổ tự còn lưu giữ gần 100 bức tượng được làm bằng giấy bồi thể hiện cuộc họp mặt của các vị thần, thánh về chầu Ngọc Hoàng. Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng đất Sài thành là địa điểm dừng chân khám phá của Tổng thống Mỹ Obama vào ngày 24/5 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua.
Chùa Ngọc Hoàng có tên chữ là Phước Hải Tự tọa lạc trên diện tích 2.300m2 tại số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, là nơi duy nhất thờ ở Việt Nam thờ Ngọc Hoàng. Chùa Ngọc Hoàng do một người Hoa tên là Lưu Minh xây dựng năm 1892 nhằm mục đích cầu cúng cho việc làm ăn được thuận lợi. Theo học giả Vương Hồng Sển, Lưu Minh là người “ăn chay ròng, xuất tiền tạo lập chùa để thờ phụng”… Đến năm 1984, chùa được đổi tên thành Phước Hải Tự và chính thức thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật như: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án... được làm từ các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi. Đặc biệt, đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có những bức tượng cổ bằng giấy bồi thể hiện các cuộc họp mặt của các vị thần thánh về chầu Ngọc Hoàng.

Trong 300 bức tượng trong chùa Ngọc Hoàng thì có đến gần 100 bức tượng được làm hoàn toàn bằng giấy bồi. Chỉ với giấy bồi và nan tre, các nghệ nhân đã đắp nên những bức tượng rất sống động, đầy vẻ oai nghiêm nhưng vẫn ẩn chứa sự hiền hòa trong từng đường nét.


Chùa Ngọc Hoàng có từ năm 1892 do một người Hoa tên là Lưu Minh xây dựng
nhằm mục đích cầu cúng cho việc làm ăn được thuận lợi.



Không gian tôn nghiêm trong chính điện chùa Ngọc Hoàng.


Những bức tượng cổ được chế tạo bằng giấy bồi mô tả các vị thần về chầu Ngọc Hoàng.


Nét tinh xảo trong từng đường nét của những bức tượng cổ ở chùa Ngọc Hoàng.


Bước vào cổng là bức tượng ngài Thanh Long, Bạch Hổ.


Tượng các vị thánh trong chùa Ngọc Hoàng với sắc mặt tôn nghiêm, uy vũ.


Tượng Phật Bà nghìn tay, nghìn mắt.


Chùa còn có một số tượng mang tính đời sống như thần văn chương, thần cúng sao giải hạn, thần dạy nghề
cùng những tín ngưỡng dành cho phái nữ.



Người dân cúng dầu đốt dâng lên Ngọc Hoàng.



Hàng ngày, chùa Ngọc Hoàng tiếp đón rất đông người dân và phật tử từ khắp nơi đến tham quan, chiêm bái.



Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng trong thế “tranh châu”.


Đường nét nghệ thuật gốm tinh xảo trên mái Chùa.


Chạm khắc tinh xảo trên cánh cửa ở chùa Ngọc Hoàng.


Chạm khắc tinh xảo trong chùa Ngọc Hoàng.

Đã hơn trăm năm, những bức tượng này vẫn còn giữ được nét tươi mới. Đây cũng được xem là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có những bức tượng cổ bằng giấy bồi độc đáo.

Không gian thờ phụng chùa Ngọc Hoàng gồm 3 tòa: tiền điện, trung điện và chánh điện. Riêng chánh điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, đức Phật cùng các vị chư thần. Ngọc Hoàng Thượng Đế chính là pho tượng lớn nhất trong chùa, thể hiện vẻ uy nghi với khuôn mặt chữ điền bình thản, hai tay cầm cầm tịnh liễn, đầu đội mũ bình thiên, có các văn võ đứng hầu.

Chùa Ngọc Hoàng còn thờ Kim Hoa Thánh Mẫu (vị thần trông coi việc sinh nở) cùng 12 bà mụ và các nhũ mẫu trong các tư thế nuôi dạy cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, Chùa là nơi để những cặp vợ chồng hiếm muốn đến cầu tự, hay cầu “mẹ tròn con vuông” khi có người thân đang mang thai với tâm nguyện đứa bé chào đời được may mắn, bình an, hạnh phúc.

Hàng ngày, chùa Ngọc Hoàng tiếp đón rất đông người dân và phật tử từ khắp nơi đến tham quan. Lễ hội Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái./.

 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Thay vì những không gian thưởng thức cà phê đường phố ồn ào, náo nhiệt như thường thấy thì giờ đây mô hình những quán cà phê mang phong cách đồng quê đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì ở đó người ta tìm thấy sự thư giãn bình yên, một liệu pháp chữa lành chứng quá tải của đời sống đô thị thời hiện đại. Và đó chính là sự thú vị mà Chic Chillax, một không gian thưởng thức cà phê mang đậm phong vị đồng quê xứ Quảng mà nhiều người khó có thể bỏ qua khi đến với phố cổ Hội An.

Top