Phóng sự chuyên đề

Cổ phần hóa để hội nhập và phát triển

Cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước. Đây là trọng tâm trong nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế của đất nước đã bắt đầu hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu được thí điểm vào năm 1992 và trải qua nhiều giai đoạn. Tính đến nay, sau hơn 20 năm triển khai, thành tựu cơ bản nhất của tiến trình cổ phần hóa là đã sắp xếp, thu gọn được số lượng doanh nghiệp nhà nước, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao vốn, phát triển ổn định, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận…

Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đã không có doanh nghiệp nhà nước nào sa thải người lao động. Thu nhập của người lao động sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa tăng. Người lao động trở thành cổ đông trong các công ty cổ phần, hàng năm còn được nhận cổ tức từ phần vốn cổ phần mà họ có trong công ty. Hầu hết doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, doanh thu bình quân tăng 1,9 lần; lợi nhuận bình quân tăng 3,2 lần; nộp ngân sách nhà nước tăng 2,5 lần.

Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong hai năm 2014 và 2015, Việt Nam thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Trong số 432 doanh nghiệp cổ phần hóa, tính đến tháng 11/2014, đã có 348 doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo, 247 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, đã công bố giá trị 123 doanh nghiệp.

Và câu chuyện thành công của hai doanh nghiệp dưới đây ít nhiều cho thấy con đường cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đã đi đúng hướng.

Sông Cấm tự tin vượt “bão”

Trong bối cảnh không mấy sáng sủa của ngành đóng tàu Việt Nam, đặc biệt là sau “cơn bão Vinashin”, Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm (Công ty Sông Cấm), doanh nghiệp hoạt động theo hình thức cổ phần từ năm 2008 đã phát huy thế mạnh của một đơn vị có lịch sử đóng tàu hơn nửa thế kỷ, kết hợp với sự năng động, sáng tạo để vươn lên.

Công ty Sông Cấm đi theo hướng đóng những con tàu nhỏ, hàm lượng công nghệ cao và đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm. Hướng đi của Cty Sông Cấm được Tập đoàn Damen (Hà Lan), một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đóng tàu ghi nhận.

Tháng 3/2002, Tập đoàn Damen đã ký kết với Công ty Sông Cấm đóng mới 5 tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển. Sau 4 năm thực hiện, 5 con tàu được bàn giao với chất lượng tương đương sản phẩm đóng tại Hà Lan. Thành công của hợp đồng này đã trở thành tiền đề quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của những người thợ đóng tàu Sông Cấm.

Hơn chục năm qua, Công ty Sông Cấm đã ký và đóng mới hàng loạt tàu chuyên dụng xuất khẩu cho Tập đoàn Damen; trở thành nhà máy chuyên đóng tàu kéo, tàu khách, tàu du lịch, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Hà Lan, Anh, Đức, Australia, Mexico, Nga... Giá trị sản lượng của Công ty Sông Cấm liên tục tăng qua các năm, từ 814,5 tỷ (năm 2010) lên 1.004 tỷ (2011) và 1.300 tỷ (năm 2013).
 

Cty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm có thế mạnh trong lĩnh vực đóng mới
các loại tàu biển chuyên dụng đạt tiêu chuẩn quốc tế như: tàu kéo, tàu cứu hộ, tàu du lịch... Ảnh: Hoàng Hà

 

Sông Cấm có đội ngũ kĩ sư trẻ, nhiệt huyết và tay nghề cao. Ảnh: Hoàng Hà


Công nhân Sông Cấm trực tiếp thi công lắp đặt các hạng mục trên boong tàu. Ảnh: Hoàng Hà


Các kĩ sư trẻ của Sông Cấm trao đổi ý kiến chuyên môn với chuyên gia nước ngoài. Ảnh: Hoàng Hà


Thực hiện quy trình đánh bóng và sơn phủ bề mặt tàu kéo. Ảnh: Hoàng Hà


Cơ sở hạ tầng nhà máy đóng tàu được đầu tư đồng bộ, hiện đại,
đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Hoàng Hà


Sản phẩm của Sông Cấm hiện được xuất đi nhiều nước như:
Singapore, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Hàn Quốc, Nga... Ảnh: Hoàng Hà
 
Ông Phạm Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Cty Sông Cấm cho biết, Sông Cấm có đội ngũ CBCNV tâm huyết, yêu nghề, năng động, sáng tạo và có tay nghề cao, có kỷ luật, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, hoạt động của Công ty ngày càng hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của 750 cán bộ, công nhân lao động của Công ty luôn được đảm bảo, thu nhập ổn định, chưa một ngày nào phải nghỉ hoặc giãn việc, chờ việc. Công ty vừa “đón” gần 500 cán bộ, công nhân lao động của Công ty đóng tàu Bến Kiền về "ngôi nhà chung Sông Cấm". Việc sáp nhập này đã giúp Công ty Sông Cấm giảm áp lực mặt bằng, cơ sở vật chất, chi phí thiết bị..., đồng thời, giữ lại được một doanh nghiệp đóng tàu đang bên bờ vực phá sản.

Từ khi cổ phần hóa đến nay, Sông Cấm đã 3 lần đầu tư nâng cấp năng lực đóng tàu của mình để mở rộng hợp tác quốc tế. Năm 2014, 100% sản phẩm đóng mới của Công ty Sông Cấm đều là xuất khẩu. Trong danh sách các quốc gia có quan hệ hợp tác với Sông Cấm về đóng tàu có Singapore, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Hàn Quốc, Nga... Và khi nói đến các dòng tàu biển đẳng cấp cao hiện nay như tàu cứu hộ: SAR27, SAR41... các dòng tàu kéo biển 5000, 7000 CV... người ta không thể không nhắc đến cái tên: Sông Cấm.


PLC – khẳng định một thương hiệu

Trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, đến nay Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) không những khẳng định vị thế trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh dầu mỡ nhờn, mà còn đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); đưa thương hiệu “Dầu nhờn Petrolimex” của Việt Nam ngày một tiến xa hơn trên con đường hội nhập.

Là một trong hai thành viên của Petrolimex tiên phong cổ phần hóa vào cuối năm 2003. Đến năm 2005, PLC tiếp tục có bước tiến mang tính lịch sử khi thực hiện chuyển sang mô hình “công ty mẹ - công ty con” với việc thành lập 2 công ty con là Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex và Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex.

Có thể nói, việc tiến hành cổ phần hóa và chuyển đổi sang mô hình “mẹ - con” đã tạo tiền đề cho các bước phát triển đầy ấn tượng sau này của PLC. Điển hình nhất là đến 2006, PLC đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán PLC. Năm 2007, PLC chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 161 tỷ đồng. Và từ đó, vốn điều lệ của PLC liên tục tăng đều theo hàng năm, đến nay đã tăng trưởng lên 702,608 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Xăng dầu nắm giữ 79,07% tổng vốn điều lệ, các cổ đông khác chiếm 20,93%. Tổng doanh thu của PLC năm 2009 là 3.769 tỉ đồng và đến năm 2013 đã tăng lên 6.223 tỉ đồng.


Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè, Huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hà


Kiểm tra tiến độ thi công tại Nhà máy dầu nhờn Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hà


Hệ thống cầu cảng và đường ống xuất và nhập dầu nhờn của Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè. Ảnh: Hoàng Hà


Dây chuyền đóng phuy dầu nhờn Petrolimex tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè, Huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hà


Phòng điều khiển hoạt động pha chế dầu nhờn tại Nhà máy dầu nhờn Thượng Lý ở Tp. Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hà


 Thiết bị xác định hàm lượng nước Karl - Fischer của hãng Metrohm (Thụy Sỹ)
tại Nhà máy dầu nhờn Thượng Lý ở Tp. Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hà


Dây chuyền đóng hộp dầu nhờn Petrolimex tại Nhà máy dầu nhờn Thượng Lý, Tp. Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hà


Công nhân Nhà máy dầu nhờn Thượng Lý (Hải Phòng)
kiểm tra công đoạn hàn niêm nắp hộp ngay trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: Hoàng Hà


Kho chứa sản phẩm dầu nhờn thành phẩm của Nhà máy dầu nhờn Thượng Lý. Ảnh: Hoàng Hà


Kho chứa dầu mỡ nhờn thành phẩm của Nhà máy dầu nhờn Thượng Lý. Ảnh: Hoàng Hà


Hoạt động giao nhận hàng tại Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý, Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hà

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu dầu mỡ nhờn, từ thương hiệu PLC ban đầu, năm 2010, PLC được Tập đoàn Xăng dầu cho phép sử dụng trực tiếp thương hiệu Petrolimex cho các sản phẩm dầu mỡ nhờn do PLC sản xuất. Với chiến lược kinh doanh bài bản được xây dựng trên nền tảng của một thương hiệu mạnh, đến nay các dòng sản phẩm dầu mỡ nhờn mang thương hiệu Petrolimex của PLC đã trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng trên cả nước. Sản phẩm dầu mỡ nhờn của PLC được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ máy móc công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, đến tàu biển, ô tô, xe máy…

Mảng xuất khẩu chiếm 13-18% tổng sản lượng của PLC. Sản phẩm dầu nhờn của PLC được xuất sang thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao, Trung Quốc, Lào, Campuchia. PLC cũng đang khảo sát, tiếp tục nghiên cứu phát triển sang một số thị trường mới. Ngoài ra, PLC cũng ký kết hợp đồng với Tập đoàn JX Nippon Oil của Nhật Bản để pha chế các loại dầu nhờn cho các sản phẩm các hãng như: Honda, Yamaha, Suzuki, Kubota, Lexus…

Hiện nay, với thương hiệu Dầu nhờn Petrolimex đã được khẳng định trên thương trường, PLC hoàn toàn tự tin để có những bước đi vững chắc trên con đường hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Và đó cũng là sự thành công của một doanh nghiệp nhà nước sau khi tiến hành tái cơ cấu bằng con đường cổ phần hóa./.
 
Bài: Ngọc Kỳ - Ảnh: Hoàng Hà


Top