Phóng sự chuyên đề

“Chìa khóa” đánh thức nông nghiệp Việt

Ðầu năm 2017, chính phủ Việt Nam chính thức đưa ra lời giải cho nền nông nghiệp Việt Nam đó là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) dựa trên bốn trụ cột chính là chính sách, sự vào cuộc của doanh nghiệp, của người nông dân và các nhà khoa học. Hưởng ứng chủ trương đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia chuỗi sản xuất NNUDCNC, đứng vai trò trung tâm liên kết bốn trụ cột và mang lại những hiệu quả bước đầu.
Chính phủ kiến tạo vì một nền nông nghiệp Việt bền vững

Tháng 2 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và nhấn nút khởi động sản xuất tại Nông trường VinEco Hà Nam, do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại xã Xuân Khê và xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân. Hoạt động này cho thấy, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt coi trọng phát triển nền NNUDCNC và muốn gửi gắm thông điệp: khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào hoạt động sản xuất NNUDCNC.



Thủ tuớng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi động khu Nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam. 
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sản xuất NNUDCNC với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5- 1,5% so với lãi suất thị trường. Đến tháng 7, theo báo cáo của hệ thống ngân hàng, vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực này đã giải ngân được khoảng 1/3 gói tài chính hỗ trợ, tương đương gần 32.000 tỷ đồng.

Tính đến nay, khắp dải đất hình chữ S, nhiều khu NNUDCNC được quy hoạch, khởi động và đi vào sản xuất đã mang lại hiệu quả bước đầu. Hình ảnh những cánh đồng Israel, Châu Âu,… ứng dụng công nghệ cao đã không còn xa lạ với người nông dân Việt. Như lời Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp như hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.

Trên cánh đồng ứng dụng công nghệ cao VinEco

Học hỏi từ những mô hình nông nghiệp thành công của Israel đó là Kibbutz (làng nông nghiệp) và Moshav (hình thức doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân tại nông thôn), Việt Nam hiện đang thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế lớn để tạo lên những mô hình Moshav và Kibbutz “made in Vietnam”.

Để cảm nhận sự chuyển mình của nghành nông nghiệp Việt, chúng tôi đã mục sở thị tại nông trường VinEco Tam Đảo (Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, thành viên Tập đoàn Vingroup) được xây dựng theo mô hình doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân tại nông thôn.



Hệ thống điều khiển tưới thông minh, giúp VinEco kiểm soát yếu tố tác động đến cây trồng,
giảm việc phải sử dụng thuốc trừ sâu. Ảnh: Thanh Giang


VinEco Tam Đảo hiện đang ứng dụng  toàn bộ quy trình trồng rau thủy canh theo công nghệ của Israel. Ảnh: Tư liệu VinEco


Trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel hiện đang đựơc áp dụng ở rất nhiều mô hình NNƯDCNC
của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thanh Giang


Khu vực trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel của nông truờng VinEco Tam Đảo. Ảnh: Thanh Giang


Công nhân thu hoạch rau trồng theo phuơng pháp thủy canh tại nông truờng VinEco Tam Đảo. Ảnh: Thanh Giang


Khu vực làm khô rau truớc khi đóng gói. Ảnh: Thanh Giang


Rau thành phẩm sau khi được thu hoạch từ hệ thống nhà kính
được đưa sang bộ phận sơ chế đóng gói theo một quy trình khép kín. Ảnh: Tư liệu VinEco


Các sản phẩm rau sạch thương hiệu VinEco. Ảnh: Thanh Giang


Theo dõi quá trình sinh trường của mô thực vật tại phòng thí nghiệm
của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (Tp. Đà Lạt). Ảnh: Nguyễn Luân


Theo dõi, kiểm tra định kỳ mô cây thực vật tại Công ty Rừng Hoa Đà Lạt -
một trong những  trung tâm nghiên cứu nuôi cấy mô lớn nhất tại Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Luân

4h30’, những người nông dân bắt đầu một ngày làm việc. Đây là thời gian làm việc của tổ đảm trách công việc thu hoạch các loại rau, củ, quả. Công việc thu hoạch rau của họ chỉ được kéo dài trong hơn 2h đồng hồ, với những quy định nghiêm ngặt về kỷ luật, tác phong để đảm bảo hiệu quả lao động.

Tham gia lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 3/2015, VinEco có tổng số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng và quy mô 1000 nhân sự, 3 vùng sản xuất lớn đặt tại miền Bắc, miền Nam, Lâm Đồng với 14 nông trường đã và đang chuẩn bị đưa vào sản xuất.
Ngay sau công đoạn đó, tổ sơ chế đóng gói chuẩn bị để thực hiện công việc của mình. Tổ đóng gói cũng chỉ được phân bổ một khoảng thời gian nhất định kể từ khi nhận rau từ tổ thu hoạch để đảm bảo giao rau đúng tiến độ cho tổ vận chuyển sẽ xuất hành ngay sau khi nhận đủ số lượng sản phẩm. Tổ vận chuyển phải đảm bảo vận chuyển rau đến hệ thống tiêu thụ là các đại siêu thị Vinmart, cửa hàng tiện ích Vinmart+ đúng thời gian theo quy định.

Sau khi công việc của tổ thu hoạch vừa được hoàn thiện, tổ thu dọn và tái tạo lại môi trường cho đợt rau mới sẽ thực hiện công việc của mình, để giao “cánh đồng sạch” cho tổ gieo trồng. Một chu trình sản xuất mới lại bắt đầu.

Trên đại cánh đồng nhà kính công nghệ cao, VinEco đang thực hiện một “gói quy trình” sản xuất công nghiệp các sản phẩm nông nghiệp.

Là đơn vị tiên phong trong việc phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng cơ giới hóa trên quy mô lớn, VinEco đã ứng dụng sự thành công mô hình của nền nông nghiệp Israel, tạo ra nguồn sản phẩm xanh, sạch và an toàn. Khu nhà kính VinEco Tam Đảo có diện tích 5,5 ha, sử dụng công nghệ Teshuva Agricultural Projects (TAP, Israel). Đây là công nghệ hoàn toàn tự động và đảm bảo các điều kiện phát triển tối ưu nhất về nước, dinh dưỡng và hàm lượng oxy cho cây trồng.

Không chỉ có Vingroup, trong thời gian gần đây có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia đầu tư vào lĩnh vực NNUDCNC như: TH, Vinamilk đã sử dụng công nghệ gene đối với đàn bò sữa, cho năng suất sữa cao; tập đoàn Trường Hải xây dựng 2 phân viện nghiên cứu về giống đặt ở Long An và Thái Bình, cùng với chuỗi nhà máy phân bón chuyên về hữu cơ, các nhà máy sản thiết bị, vật dụng cho nông nghiệp;  FPT với hai mô hình “Nhà kính - Green house” và “Nhà máy rau - Vegetable factory”...

Đến xây dựng chuỗi cung ứng

Một trong những mô hình Moshav “made in Vietnam” điển hình khi đã xây dựng được chuỗi giá trị khép kín đó chính là mô hình NNUDCNC của Tập đoàn Vingroup với thương hiệu rau sạch VinEco. Hiện nay, VinEco đã đưa vào thị trường hơn 300 chủng loại sản phẩm phong phú, với sản lượng gần 100 tấn/ ngày và được phân phối trong chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ trải dài trên khắp các tỉnh, thành.

Xu hướng đầu tư nông nghiệp thứ hai đó là xu hướng xây dựng các mô hình làng nông nghiệp Kibbutz “made in Vietnam”. Điển hình cho xu hướng này chính là “vương quốc” rau và hoa Đà Lạt. Đà Lạt đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây - Rau và Hoa. Đây là cơ sở chuyên nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao như nuôi cấy mô, lai tạo giống mới và triển khai hợp tác sản xuất đã góp phần đưa Đà Lạt trở thành “vương quốc” rau và hoa của Việt Nam với nhiều sản phẩm xuất khẩu mang đẳng cấp quốc tế.



Tại UCA Mart, mã kiểm tra nguồn gốc xuất xứ được dán trên từng sản phẩm rau củ quả. Ảnh: Thanh Giang


Rau sạch tại những nông truờng VinEco được phân phối tại hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+,
thành viên của Tập đoàn Vingoup. Ảnh: Thanh Giang


Tp. Đà Lạt, nơi được coi là trung tâm sản xuất hoa bằng phương pháp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Luân


Công nhân công ty Rừng Hoa Đà Lạt đóng thùng xuất đi các thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Luân

Thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm nay đạt 23,66 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có đóng góp lớn của việc sản xuất NNUDCNC.

Qua bao năm tháng loay hoay tìm lời giải cho bài toán phát triển nền nông nghiệp Việt Nam vốn dĩ được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng, lợi thế thì giờ đây, với “chiếc chìa" khóa công nghệ cao, nông nghiệp Việt Nam đã có thể và tận dụng được tiềm năng của mình, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại./.


Đến nay cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có quy mô khoảng 400.000 ha.
(Theo số liệu khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

Bài: Thảo Vy
  Ảnh: Trần Thanh Giang, Nguyễn Luân, Thống Nhất và Tư liệu VinEco


Top