Chân dung

“Cha đẻ” của hệ thống Bưu điện Văn hóa xã

GS.TSKH Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn Thông (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông), không chỉ là người có công lớn đưa ngành công nghệ viễn thông Việt Nam phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay, mà ông còn là "cha đẻ" của hệ thống Bưu điện Văn hóa xã, một hệ thống bưu điện đặc biệt đã giúp hàng triệu người dân nông thôn trên cả nước có cơ hội tiếp cận thông tin, mở mang hiểu biết, góp phần nâng cao đời sống văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Thời còn trẻ, Đỗ Trung Tá là người học rất giỏi. Ông học giỏi đến mức trở thành “thần tượng” của nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh du học ở CHDC Đức. Thậm chí bạn bè còn gọi ông là "Doktor Tá" (tiếng Đức có nghĩa là Tiến sĩ Tá) mặc dù lúc đó ông chưa lấy bằng Tiến sĩ.

Trong cuộc sống, GS.TSKH Đỗ Trung Tá là người lịch lãm, dễ gần nhưng trong công việc ông lại là người quyết đoán, nghiêm khắc và thận trọng. Chính hai mặt tính cách đối lập ở con người của ông đã làm nên một ông Bộ trưởng dám nghĩ, dám làm. Cả cuộc đời hoạt động của ông gần như gắn với những thăng trầm của ngành Bưu chính - Viễn thông, nhất là trong bối cảnh đất nước vừa thoát ra khỏi thời kỳ bao cấp để thử sức với mô hình kinh tế thị trường đầy mới mẻ nhưng cũng lắm thử thách và nghiệt ngã.

Vượt qua nhiều khó khăn và thử thách, bằng quyết tâm và niềm đam mê của mình, trong vai trò "Tư lệnh" ngành Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (2002 - 2007) ở thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa thị trường viễn thông và Internet, GS.TSKH Đỗ Trung Tá đã đóng góp công sức rất lớn vào việc xây dựng và phát triển ngành viễn thông của đất nước, đưa Việt Nam từ chỗ chỉ có vài chục thuê bao Internet vào năm 1997 vươn lên lọt vào Top 10 nước ở Châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất; xếp thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 châu Á và thứ 18 trên thế giới về số người dùng Internet…

Đặc biệt, đối với giới công nghệ thông tin Việt Nam, GS.TSKH Đỗ Trung Tá được xem là "cha đẻ" của hệ thống Bưu điện Văn hóa xã, nơi mà người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể đọc báo và truy cập Internet để tìm hiểu thông tin, mở mang kiến thức phục vụ cho cuộc sống.
 

GS.TSKH Đỗ Trung Tá -"Cha đẻ" của hệ thống Bưu điện Văn hóa xã. Ảnh: Văn Quyền


Ông Đỗ Trung Tá (đeo kính) trong lần về dự Lễ khánh thành
điểm Bưu điện Văn hóa xã Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) vào năm 1999. Ảnh: Tư liệu



Ông Đỗ Trung Tá (ngoài cùng bên phải) trong lần đi lắp đặt thử nghiệm 
đường cáp viễn thông ngầm ở khu vực Giảng Võ - Hà Nội vào năm 1987. Ảnh: Tư liệu



GS Đỗ Trung Tá tham gia ký Hiệp định hợp tác CNTT với Nhật Bản vào năm 2003. Ảnh: Tư liệu


GS.TSKH Đỗ Trung Tá trong lần về thăm lại trường học cũ ở Đức. Ảnh: Tư liệu

Nhắc lại những kỷ niệm của thời kỳ đầu bắt tay thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống Bưu điện Văn hóa xã, GS.TSKH Đỗ Trung Tá bồi hồi cho biết, vào năm 1995, khi ông được Chính phủ giao trọng trách làm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - VNPT), trong một lần về thăm quê, ông đem tặng ông Chủ tịch xã đã về hưu một gói mực khô. Ông Chủ tịch xã bỏ mực ra, vuốt cẩn thận tờ báo gói mực rồi cất đi. Thấy lạ ông liền hỏi mới biết ở làng không có báo đọc nên ông Chủ tịch xã mới quý tờ báo như vậy. Hay như chuyện mỗi lần về quê thăm quê, ông đều biếu bà hàng nước ở cạnh nhà mấy cuốn sách báo cũ để bà gói hàng. Mấy tháng sau trở về vẫn thấy sách báo còn đó. Bà chủ quán bảo để đó cho mọi người đọc bởi ở đây chẳng có sách báo gì.
 
Những chuyện đại loại như thế khiến ông trăn trở rất nhiều. Trở về Hà Nội, nhận thấy ở Việt Nam hầu như xã nào cũng có trụ sở bưu điện để phục vụ nhu cầu gửi thư từ và gọi điện liên lạc của người dân nên ông bàn với Ban cán sự Đảng Tổng Cục Bưu điện ý tưởng thành lập các điểm Bưu điện Văn hóa xã trên toàn quốc, đặc biệt là tại các xã khó khăn để giúp người dân có thể đọc sách báo, tài liệu và truy cập Internet. Với ý tưởng này, ông đã biến các bưu điện xã không chỉ đơn thuần là nơi gửi thư từ mà trở thành những điểm sinh hoạt văn hóa và đặc biệt là truy cập Internet, một loại hình thông rất mới và hiện đại lúc bấy giờ. Và cũng chính nhờ ý tưởng này mà ông đã biến hơn 8.000 điểm Bưu điện Văn hóa xã trên khắp cả nước thành "cánh tay nối dài" của ngành Bưu chính - Viễn thông, đưa Internet đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa và phát triển nhanh chóng, rộng khắp như bây giờ.

Dấu ấn lớn thứ hai trong cuộc đời làm quản lý của GS.TSKH Đỗ Trung Tá chính là vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, một trong những yếu tố mang tính sống của nền kinh tế tri thức ngày nay. Năm 1996, với tư cách là Ủy viên Trung ương Đảng, ông đã đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cho thí điểm thành lập mô hình gắn kết giữa nghiên cứu – đào tạo và sản xuất kinh doanh trong một số Tổng Công ty lớn. Được sự đồng ý của Trung ương và Chính phủ, năm 1997, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Học viện là tổ chức nghiên cứu, đào tạo đầu tiên của Nhà nước được thành lập và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII về thí điểm mô hình gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh trong một số Tổng Công ty lớn của Nhà nước.

Với khả năng đào tạo chuyên sâu ở bậc đại học, cao học và cả tiến sĩ, từ đó đến nay, Học viện đã thực hiện tốt việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành gắn với nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh. Và cũng từ mô hình đầu tiên này, đến nay cả nước đã có nhiều doanh nghiệp lớn xin thành lập trường đại học như FPT, Dầu khí, Điện lực... góp phần đắc lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục phụ phát triển đất nước.

Nhìn lại quá trình gần 40 năm công tác công hiến cho ngành Bưu chính - Viễn thông, GS.TSKH Đỗ Trung Tá tâm sự: “Suốt mấy chục năm cống hiến cho ngành, tôi luôn hướng đến những lợi ích chung của ngành, và đến bây giờ khi Bộ đã trưởng thành, Tập đoàn đã hình thành, ngành ta bật lên một vị trí mới, tôi cảm thấy rất hạnh phúc!”./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Văn Quyền & Tư liệu

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top