Tin tức

Cả nước đã tiêm gần 169 triệu liều vaccine phòng COVID-19


Tiêm vaccine phòng COVID -19 mũi 3 cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 16/1 đến 16 giờ ngày 17/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.378 ca mắc mới, trong đó 53 ca nhập cảnh và 16.325 ca ghi nhận trong nước (tăng 682 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 11.178 ca trong cộng đồng).

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 68 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (27 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (30 ca), Đà Nẵng (3 ca), Thanh Hóa, Khánh Hòa (mỗi địa phương 2 ca), Long An, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng (mỗi địa phương 1 ca).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 17/1 là 20.172 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi tại Việt Nam là 1.747.462 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.218 ca.

Số bệnh nhân tử vong trong ngày là 179 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 180 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.788 ca, chiếm 1,7% so với tổng số ca mắc.

* Việt Nam đã tiếp nhận tổng số 209,6 triệu liều vaccine

Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14 giờ 30 phút ngày 17/1 cho biết, cả nước đã tiêm gần 169 triệu liều vaccine phòng COVID-19, số liều vaccine tiêm trong ngày 16/1 là 956.953 liều.

Tính đến ngày 15/1/2022, Việt Nam đã tiếp nhận tổng số 209,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã phân bổ 187,6 triệu liều. Còn khoảng 22 triệu liều chưa phân bổ do mới được tiếp nhận cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine, dự kiến phân bổ trong thời gian sớm nhất.

Theo thông tin từ Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19, hiện tại, người dùng điện thoại thông minh (hệ điều hành iOS và Android) đã có thể cập nhật phiên bản mới của ứng dụng phòng, chống dịch PC-COVID được bổ sung thêm 2 tính năng “Tự khai mũi tiêm” và “Ví giấy tờ”.

Trên các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch như Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc ứng dụng PC-COVID, thông tin mũi tiêm chủng sẽ dần dần được cập nhật đầy đủ. Bên cạnh đó, người dân sau khi tiêm xong cũng được đơn vị y tế cấp Giấy chứng nhận tiêm chủng.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, trước đây khi Hà Nội tổ chức tiêm mũi 1 và mũi 2 đồng loạt cho người dân, các cơ sở y tế nhận được sự hỗ trợ của các bạn đoàn viên, thanh niên trong việc nhập thông tin lên hệ thống. Hiện nay, với mũi tiêm thứ 3, cán bộ, nhân viên tại nhiều trạm y tế phải tự cập nhật thông tin. Do đó trong thời gian ngắn, thông tin lên hệ thống tiêm chủng chưa được cập nhật hoặc vẫn còn sai sót trong việc cập nhật sai thông tin liên quan đến mũi tiêm.

Giấy xác nhận vẫn là chứng nhận gốc cho việc người dân đã tiêm vaccine, là căn cứ để nếu có phản ánh hoặc sai lệch thông tin sẽ dựa vào giấy xác nhận này để điều chỉnh. Vì vậy, người dân khi tiêm vaccine COVID-19, dù thông tin đã được cập nhật đầy đủ số mũi tiêm trên ứng dụng nhưng người dân vẫn cần giữ lại giấy xác nhận đã tiêm chủng.

Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, tính đến ngày 16/1, cả nước đã có hơn 33,5 triệu người dùng ứng dụng PC-COVID. Bình Dương, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh,  Đà Nẵng và Bắc Ninh là 5 địa phương có tỷ lệ người dân cài ứng dụng PC-COVID cao nhất. Năm địa phương có tỷ lệ cài PC-COVID thấp nhất là Lai Châu, Bạc Liêu, Điện Biên, Nghệ An và Hà Giang.

* Hỗ trợ Hà Nội quản lý, chăm sóc theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà

Ngày 17/1, thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 2.955 ca mắc mới, có hơn 1,7 triệu người ở Thủ đô đã tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19, trong đó có 1,4 triệu mũi nhắc lại.

Hiện tại các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 như: Giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Ngày 17/1, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 quận Ba Đình (Hà Nội) và UBND 14 phường thuộc quận đã ký kết chương trình phối hợp quản lý, chăm sóc theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà trên địa bàn quận.

Theo chương trình ký kết, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ hỗ trợ các phường xây dựng kế hoạch, tập huấn, đào tạo năng lực chuyên môn cho Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, các Trạm Y tế cơ động, hướng dẫn quản lý và điều trị F0 tại nhà, triển khai ứng dụng quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Y tế quận hỗ trợ trang thiết bị, cung cấp thuốc, oxy, máy đo SpO2 phục vụ điều trị, hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết, hỗ trợ xét nghiệm…

Đặc biệt, Mạng lưới bác sĩ đồng hành sẽ tư vấn chăm sóc người mắc COVID-19, hỗ trợ tư vấn từ xa cho các Trạm Y tế cơ động và Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, đảm bảo không để người mắc COVID-19 nào không được tiếp cận y tế.

Việc phối hợp quản lý F0 tại cộng đồng giữa Bệnh viện và Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 quận Ba Đình sẽ góp phần hạn chế tối đa sự lây nhiễm trong cộng đồng, giảm thiểu các ca bệnh chuyển biến nặng và không để người mắc COVID-19 tử vong tại nhà.

* Ứng phó với biến chủng Omicron trong dịp Tết Nguyên đán

Lo ngại về biến chủng Omicron trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đang giám sát chặt chẽ các bước kiểm soát dịch COVID-19 như kiểm soát người nhập cảnh, tăng cường ở các cửa khẩu. Đây là nội dung nổi bật được ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đưa ra trong cuộc họp thông tin phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế định kỳ tại Thành phố, ngày 17/1.

Hiện khách nhập cảnh Việt Nam phải có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ, đồng thời test nhanh âm tính 2 lần trước khi lên và sau khi xuống máy bay. Trong nội địa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành tầm soát ca mắc biến chủng Omicron ở khu có nhiều người nhập cảnh hoặc số ca tăng bất thường. Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các phương pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trước thềm Tết Nguyên đán, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi đến các đơn vị về việc sắp xếp, cơ cấu lại bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Trong văn bản này, Sở nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố bước đầu được kiểm soát, số ca mắc mới và tử tiếp tục giảm. Hiện số lượng người bệnh điều trị tại các cơ sở y tế dã chiến chiếm khoảng 10%- 30% công suất giường bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Do đó, Sở Y tế sẽ sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chi Minh cho rằng, dù số ca mắc mới, số ca nhập viện và số ca tử vong giảm, nhưng người dân cần tiếp tục cảnh giác thực hiện tốt 5K, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Ngày Tết gần đến đồng nghĩa với những hoạt động tiếp xúc gần, các hoạt động giao lưu ngày càng tăng. Do đó, người dân cần phải cảnh giác hơn nữa để giữ vững được thành quả mà thành phố đã đạt được./.

TTXVN/VNP


Top