Đời sống Việt

Biến rác thành "Vàng"

Với mục đích khám phá về chủ đề rác thải và giới thiệu các cách thức sử dụng rác thải sẵn có để tạo nên những sản phẩm có giá trị, Triển lãm Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!  là hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, do ifa (Viện Quan hệ Đối ngoại Đức) kết hợp với Phân viện Goethe tại Hà Nội tổ chức.
Phế thải cồng kềnh, rác, vật liệu rẻ tiền - tất cả đều là "Vàng mười", ít nhất là dưới cái nhìn của những nhà thiết kế năng động. Từ những thứ được xem là “rác” với rất ít giá trị, các nhà thiết kế đã tạo nên những sản phẩm độc đáo dựa trên các phương pháp thủ công truyền thống.

Triển lãm giới thiệu 76 tác phẩm của 53 nhà thiết kế đến từ 7 khu vực khác nhau trên thế giới, từ đó nêu ra những chất liệu và đặc điểm của các sản phẩm thường bị bỏ qua hoặc hiếm khi được ghi nhận trong diễn ngôn về thiết kế, đưa chúng trở thành nền tảng của những thiết kế mới trong các bối cảnh do chính những nhà thiết kế hình thành và phát triển. Qua đó, các nhà thiết kế mang đến sự nâng cấp thực sự - một sự ghi nhận mới đối với sản phẩm và công nghệ.



Ông Volker Albus (Áo trắng) - Giám đốc ý tưởng triển lãm "Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!"
đang giới thiệu tới người xem về các chất liệu tạo ra sản phẩm trong triển lãm.


Khách tham quan cảm thấy thích thú với những sản phẩm nghệ thuật tại triển lãm.


Triển lãm "Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!" được tổ chức tại Heritage Space Gallery,
tầng 1 tòa nhà Dolphin Plaza, 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại Hà Nội, lần đầu tiên, triển lãm mời gọi các nghệ sĩ và nhà thiết kế Việt Nam tham gia. Các sản phẩm của họ được trưng bày kết hợp trong triển lãm bên cạnh những hiện vật trưng bày đến từ khắp nơi trên thế giới.

Phát biểu tại buổi triển lãm, ông Volker Albus - Giám đốc ý tưởng triển lãm "Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!" nhấn mạnh về triển vọng của dự án này. Các yếu tố nền tảng của dự án bao gồm đạo đức, trách nhiệm, quốc tế hóa và cùng sáng tạo. Mục tiêu của triển lãm nhằm xóa bỏ những định kiến về những tên gọi xấu thường được gán cho việc tái sử dụng, hình thành một khái niệm mới về nguyên liệu thô và đi kèm với đó là một sự trân trọng mới đối với sản phẩm này.

Khám phá phế thải và tạo cho chúng một đời sống mới đã khó, việc bắt tay vào thực hiện những tác phẩm từ phế thải cũng đòi hỏi công sức không nhỏ từ những nhà thiết kế. Phế thải cũng có đời sống riêng và chắc chắn việc tái chế để bảo vệ môi trường sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu chúng ta khám phá đời sống của chúng dưới góc nhìn nghệ thuật. Hãy bắt đầu ngay hôm nay vì biết đâu, một tác phẩm nghệ thuật từ phế thải sẽ được tạo ra từ chính đôi tay của bạn./.



Một góc triển lãm "Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!".


Triển lãm "Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!" diễn ra tại Hà Nội đã giới thiệu 76 tác phẩm của 53 nhà thiết kế đến từ 7 khu vực khác nhau trên thế giới.


Tác giả Roswitha Berger-Gentsch (Đức) với tác phẩm Chiếc vò cổ tròn được làm từ chất liệu vụn giấy bìa loại lớp mỏng
hay hai lớp, ba lớp thu thập từ các thùng bìa các-tông phế thải.


Tác giả Janina Stübler (Đức) với tác phẩm Thảm bóng đá. Các ô đệm bóng bằng da hình lục giác
gợi ta nhớ đến những tác phẩm thêu, đá lát nền hay một bề mặt giống như tấm thảm.


Tác giả Yuttana Anothaisintawee (Thái Lan) với tác phẩm Rodeo. Ván Garmeto (loại ván ép từ vải phế thải),
nổi tiếng bởi độ bền cao, gợi nhớ sự mộc mạc mang phong cách miền Tây hoang dã.


Tác giả Dhara Kabaria /studio Alternatives (Ấn Độ) với tác phẩm Ghế bập bênh. Từ thử nghiệm đầu tiên là chiếc ghế làm từ lốp cao su cũ
và dành cho không gian bên ngoài, sau đó nhà thiết kế tạo ra phiên bản trong nhà với kiểu dáng tao nhã hơn.


Tác giả Junk Munkez (LBN)  với tác phẩm Knit-Knacks. Trong chuỗi này, hai nhà thiết kế tạo nên chiếc đôn tròn kiên cố bởi lồng máy giặt cũ.
Chiếc ghế được làm theo phong cách Arab và Hồi giáo, với những họa tiết hình học nhiều màu đặc trưng hay xuất hiện trong trang trí nhà cửa và vật dụng.


Tác giả Waltraud Münzhuber (Đức) với các tác phẩm “Tôi không biết“, “Cái chết ở Venice“ và “ Forrest Gump”. Băng từ, hàng trăm mét,
một phương tiện để ghi lại âm thanh và hình ảnh. Mỏng manh, nhưng chắc chắn khi được cuộn chặt lại với nhau. Ký ức được biến thành sản phẩm.


Tác giả Juli Foos (Phần Lan) với tác phẩm  Chiếc thảm Donut.  Những túi nilon màu trắng, quấn quanh những chiếc đĩa nhỏ cùng kích cỡ 
được cắt từ bìa cứng để thành 201 chiếc bánh vòng donut. Mềm mại và nâng niu bàn chân của chủ nhân. Đầy chất phương Đông.


Tác giả Brunno Jahara (Brazil) với tác phẩm Multiplástica Doméstica 2013 và Multiplástica Doméstica 2012.
Sản phẩm này đều phóng tác từ đồ nhựa làm theo dây chuyền công nghiệp và bày bán trong các cửa hàng phụ kiện gia dụng đồng giá 99-cent.


Tác giả Ramón Llonch / Artlantique (Tây Ban Nha) với tác phẩm Ghế bành Palmarin (bên trái).
Những chiếc thuyền đánh cá cũ không còn có thể ra khơi: Artlantique đã biến chúng thành các đồ nội thất đương đại.
Tác giả Hoàng Văn Sơn (Việt Nam) The Chef restaurant-cafe (Việt Nam) với tác phẩm Lồng đèn ( bên phải). 
Đèn lồng được làm từ vỏ lon nước uống các loại, thu thập từ công việc pha chế
và bán đồ uống hàng ngày cho khách tại thị trấn cổ Hội An - nổi tiếng sử dụng đèn lồng.


Tác giả Suwan Kongkhunthian (Thái Lan) với tác phẩm Tấm bọc lọ NETT. Những dải giấy làm từ lá dứa được xoắn dính lại với nhau
theo kết cấu tổ ong tạo thành các lọ đặc biệt có thể thay đổi chiều cao và kích cỡ.


Tác giả Bär + Knell (Đức) với tác phẩm Nhóm “Maggi”. Những chai tương cà chua, nước rửa bát, nước lau sàn bằng nhựa được cắt, hàn ghép
để biến thành các tấm vật liệu mềm đơn sắc. Như vải bàn hay áo bọc ghế, tấm vật liệu mềm này được ‘phủ’ lên mặt bên trong của một đồ vật - như ghế hay bàn.


Tác giả VỤN art (Việt Nam) với tác phẩm Túi con lợn. Vải vụn được thu thập từ các xưởng may, các công ty thời trang ở Làng lụa Vạn Phúc
đã được làm phẳng và được sử dụng để ghép thành tranh, hoặc các miếng trang trí cho túi xách tay.


Tác giả Nguyễn Hồng Nhung (Napo) (Việt Nam) với tác phẩm Động vật tái chế. Lá cây tươi, thông thường là lá dừa hay lá chuối,
thông qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công Việt Nam trở thành những con vật xinh xắn như: cá, châu chấu, cào cào.


Tác giả Tobias Juretzek (Đức) với tác phẩm Chiếc ghế kỷ niệm. Quần dài, áo sơ-mi, áo phông, tất cả các quần áo bỏ đi.
Bằng việc nén chúng lại thành hình dạng mới, những chiếc ghế, chúng ta vẫn có thể sử dụng chúng và lưu giữ lại những kỷ niệm.

ifa (Viện Quan hệ Đối ngoại) là tổ chức trung gian lâu đời nhất của Đức cho các mối quan hệ văn hóa quốc tế có trụ sở tại Stuttgart, Đức. ifa hỗ trợ trao đổi văn hóa nghệ thuật trên toàn thế giới. Đây là một phần của mạng lưới toàn cầu và dựa trên quan hệ đối tác bền vững, lâu dài.
Bài và ảnh: Trần Thanh Giang

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Thay vì những không gian thưởng thức cà phê đường phố ồn ào, náo nhiệt như thường thấy thì giờ đây mô hình những quán cà phê mang phong cách đồng quê đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì ở đó người ta tìm thấy sự thư giãn bình yên, một liệu pháp chữa lành chứng quá tải của đời sống đô thị thời hiện đại. Và đó chính là sự thú vị mà Chic Chillax, một không gian thưởng thức cà phê mang đậm phong vị đồng quê xứ Quảng mà nhiều người khó có thể bỏ qua khi đến với phố cổ Hội An.

Top