Tin tức

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ, ca trù

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN
Nhân kỷ niệm 10 năm dân ca quan họ, ca trù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 20/8, tại thành phố Bắc Giang, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy dân ca quan họ, ca trù trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" với sự tham gia của đông đảo Giáo sư, Tiến sỹ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân quan họ, ca trù.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo tồn, phát huy dân ca quan họ, ca trù sau 10 năm được UNESCO vinh danh; từ đó đưa ra phương hướng, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian tới.

Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Trần Minh Hà khẳng định, sau 10 năm kể từ khi dân ca quan họ, ca trù được UNESCO vinh danh, tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm, nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca quan họ, ca trù với việc ban hành, thực hiện nhiều đề án, kế hoạch, chương trình, đề tài nghiên cứu. Tỉnh mở lớp truyền dạy quan họ, ca trù cho thế hệ trẻ, tổ chức thường niên các liên hoan hát quan họ, ca trù... Hiện nay, địa bàn tỉnh Bắc Giang có 84 Câu lạc bộ Quan họ, 8 Câu lạc bộ Ca trù hoạt động ở 10 huyện, thành phố.

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu một thực tế là không gian văn hóa quan họ đang bị rạn nứt, những bài quan họ cổ xuất hiện ít hơn, trình diễn quan họ theo lề lối cổ cũng mất dần đi, hầu như không có sự sáng tạo. Bên cạnh đó, việc quan tâm đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực cao cấp cho quá trình tiếp tục khảo sát, nghiên cứu sinh hoạt quan họ chưa được đặt ra.

Theo ông Vũ Hồng Bàng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa, điện ảnh tỉnh Bắc Giang, giống như quan họ, hiện nay, môi trường văn hóa cũng như những hình thức diễn xướng ca trù xưa không còn nữa. Ca trù hiện nay chỉ có thể tồn tại, phát huy trong phong trào ca hát quần chúng. Ca trù ở Bắc Giang đã mai một trong thời gian dài, nhiều thế hệ trẻ không còn biết nghệ thuật hát ca trù tồn tại và phát triển ra sao. Hiện Bắc Giang có 8 Câu lạc bộ Ca trù, song các Câu lạc bộ này mới dừng lại ở nhóm sở thích, chưa có nội dung sinh hoạt thường xuyên. Biểu diễn ca trù ở Bắc Giang mới chỉ lác đác xuất hiện qua các cuộc liên hoan, hội diễn của tỉnh và huyện. Các ca nương, kép đàn, trống chầu mới biểu diễn theo yêu cầu, chưa có ai tự biểu diễn để kiếm được tiền.

Nghệ nhân quan họ Nguyễn Phú Hiệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Thổ Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho rằng: Đối với quan họ và ca trù, vai trò của các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn, truyền bá cho cộng đồng rất quan trọng. Do đó, tỉnh cần có chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân quan họ, ca trù để họ có điều kiện sống, truyền lại những tinh hoa của di sản mà họ nắm giữ.

Để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ, ca trù, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp như: Tỉnh Bắc Giang cần xây dựng một đề án cụ thể về bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ, ca trù; đưa quan họ, ca trù vào giảng dạy trong trường học; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ quan họ, ca trù. Bắc Giang cần có chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân quan họ, ca trù; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các cấp chính quyền, nhà quản lý văn hóa về việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ, ca trù. Tỉnh nên lựa chọn một số làng quan họ, câu lạc bộ ca trù để xây dựng làm điểm đến phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, Bắc Giang cần đẩy mạnh tuyên truyền về những tấm gương nghệ nhân quan họ, ca trù; huy động xã hội hóa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ, ca trù.../.

TTXVN/VNP


Top