Văn hóa

Âm vọng sông Hương - tiếng lòng của Huế

Những xóm chài, bến nước, con đò nhỏ, gánh hàng rong và cả những tiếng rao đêm da diết tình đời... được dàn dựng công phu, sâu lắng và đẹp như một bức tranh thủy mặc trong chương trình nghệ thuật thực cảnh "Âm vọng sông Hương", đã chạm đến tận cùng cảm xúc và nỗi niềm yêu thương của người dân xứ Huế...
Những ngày Festival Huế 2018 dần qua đi nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng mãi. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật "Âm vọng sông Hương" đã để lại trong lòng du khách và người dân xứ Huế những cảm xúc sâu lắng chẳng thể nào quên về miền sông Hương núi Ngự.

"Âm vọng sông Hương" là một vở diễn thực cảnh được dàn dựng công phu và hoành tráng trên một sân khấu chìm dựng ở ngã ba sông Hương, đoạn ngay trước công viên Trịnh Công Sơn. Đây là chương trình đinh và cũng là chương trình lần đầu tiên xuất hiện tại một kỳ Festival Huế.

Vở diễn kể về vòng đời của cư dân sông nước sông Hương kể từ khi họ yêu nhau, cưới nhau, sinh con đẻ cái, đến khi con cái trưởng thành, nối tiếp cha ông làm nghề trên sông nước, rồi kết thúc, lại mở ra một vòng đời khác, thế hệ khác. Cuộc sống trên sông Hương cứ thế trôi qua từ đời nọ đến đời kia, như dòng chảy của con sông Hương, tạo nên một mảnh ghép không thể thiếu trong đời sống văn hóa Huế. Với lối diễn xuất mộc mạc, chân phương nhưng giàu cảm xúc, hàng trăm diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đã đem đến cho công chúng một đêm diễn đong đầy cảm xúc và hoài niệm về Huế yêu thương. 


"Âm vọng sông Hương" là một chương trình sân khấu thực cảnh
được dàn dựng công phu, giàu tính nghệ thuật trên một sân khấu chìm trên sông Hương. Ảnh: Thanh Hòa



"Âm vọng sông Hương", một câu chuyện giàu cảm xúc kể về vòng đời của người dân sông nước Hương giang. Ảnh: Thanh Hòa


Hoạt cảnh cuộc sống chài lưới trên sông của cư dân vạn đò sông Hương. Ảnh: Thanh Hòa


Cuộc sống mưu sinh quen thuộc của dân vạn đò xứ Huế. Ảnh: Thanh Hòa



Cuộc sống sông nước bình yên gắn với dòng sông, con đò và cả những cánh cò lặn lội ở bờ sông. Ảnh: Thanh Hòa


Tiếng âu ca trên bến dưới thuyền. Ảnh: Thanh Hòa


Hình ảnh gợi nhớ hình bóng cô gái sông Hương lẻ loi trên bến đò chiều sau buổi chợ. Ảnh: Thanh Hòa


Đám cưới miền sông nước Cố đô. Ảnh: Thanh Hòa

Lời ru bên sông của mẹ.  Ảnh: Thanh Hòa


Tát nước đêm trăng. Ảnh: Thanh Hòa


Cuộc vui của những người đàn ông xóm vạn. Ảnh: Thanh Hòa


Gánh hàng rong mưu sinh của cư dân vạn đò. Ảnh: Thanh Hòa


Từ giã cõi đời để trở về với thế giới bên kia. Ảnh: Thanh Hòa


Tiếng kinh chiều bên dòng Hương. Ảnh: Thanh Hòa



Khúc tình ca xứ Huế. Ảnh:Thanh Hòa


"Âm vọng sông Hương" lay động nỗi lòng người dân xứ Huế. Ảnh: Thanh Hòa

Qua vở diễn người xem như được sống lại với những hình ảnh đầy hoài niệm về sông Hương và về Huế yêu thương như: cây đa, bến nước, con thuyền, những khu vườn xanh mướt đôi bờ sông, tiếng chuông chùa tịch mịch và cả những tiếng rao đêm da diết tình đời...

Tạo hóa đã cho Huế một dòng Hương thơ mộng, ngọt ngào và chất chứa tình người. Một dòng sông đã trở thành di sản của Cố đô. Có lẽ vì thế mà nhà văn Nguyễn Quang Vinh, Tổng đạo diễn chương trình "Âm vọng sông Hương", cho biết ông đã dành trọn tình cảm cho chương trình này để bày tỏ lòng tri ân đến người dân Huế xưa và nay. Và như ông tâm sự: "Tôi làm chương trình này để dành tặng cho Huế, cho những ai yêu Huế và cho cả một vùng đất xứng đáng để tôn vinh".

Đúng như kỳ vọng, với "Âm vọng sông Hương", kỳ Festival Huế lần thứ 10 năm nay đã đem đến cho người dân Huế nói riêng và du khách yêu Huế nói chung một chương trình nghệ thuật đặc sắc đủ sức "chạm" được tới những tầng cảm xúc sâu lắng nhất về Huế, về con sông Hương thơ mộng, trữ tình./.

Bài, ảnh: Thanh Hòa


Top