Tiêu điểm

ACMECS 7 và CLMV 8: Hướng tới một tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng

Vấn đề cam kết bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong, tìm kiếm giải pháp cụ thể đưa khu vực tiểu vùng Mekong trở thành trung tâm kinh tế năng động và thịnh vượng chính là những kết quả nổi bật tại Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7), Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khu vực Mekong (WEF Mekong) vừa diễn tại Hà Nội vào hai ngày 25 và 26/10.

Tăng cường quan hệ nội khối

Chiều 26/10, phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế sau khi kết thúc các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đăng cai cùng lúc ba hội nghị ACMECS 7, CLMV 8, WEF Mekong và đã đạt được nhiều thành công; trong đó WEF Mekong là sáng kiến của Việt Nam.

Hội nghị có sự tham dự đông đảo của Lãnh đạo các nước có liên quan. Đặc biệt, lần này Việt Nam có sáng kiến mới, đó là mời các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á, các tập đoàn lớn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và các nước trong khu vực, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam… cùng tham dự tất cả các sự kiện.

Về kết quả nổi bật trong nội dung hợp tác mà ba Hội nghị đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hội nghị đã bàn các biện pháp huy động nguồn lực nhằm phát triển và khơi dậy tiềm năng khu vực Mekong.

Hội nghị lần này đã đưa ra các biện pháp mới như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, phấn đấu một xã hội hướng về dân, kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội nghị không những bàn về chủ trương mà còn đưa ra các biện pháp cụ thể với nhiều dự án khu vực để kết nối ACMECS và CLMV.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8. Ảnh: TTXVN


Quang cảnh Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8. Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn tham dự
Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8. Ảnh: TTXVN


Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị CLMV 8, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường gắn kết nền kinh tế và thị trường của bốn nước, hướng tới một khu vực kết nối thông suốt. Trong đó có việc đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường còn thiếu và nâng cấp các tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Bắc-Nam (NSEC), Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) và Hành lang Kinh tế phía Nam (SEC); xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Vientiane và Hà Nội để tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và con người giữa hai Thủ đô…

Còn tại Hội nghị ACMECS 7, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Hà Nội với mục tiêu đưa khu vực Mekong trở thành trung tâm kinh tế năng động và phát triển bền vững. Trong đó ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực: giao thông, thương mại-đầu tư và phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, môi trường.

Sử dụng hiệu quả và công bằng nguồn nước sông Mekong


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn
chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ACMECS 7. Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao ACMECS 7. Ảnh: TTXVN


Quang cảnh Hội nghị Cấp cao ACMECS 7. Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn
chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao CLMV 8. Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao CLMV 8. Ảnh: TTXVN


Quang cảnh Hội nghị Cấp cao CLMV 8. Ảnh: TTXVN

Một trong những vấn đề quan trọng khác liên quan đến sự phát triển ổn định của các nước thuộc khu vực tiểu vùng sông Mekong, đó là vấn đề bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mekong hiện nay. Vấn đề này không chỉ được đề cập ở ACMECS hay CLMV mà còn ở nhiều diễn đàn khác như Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc, Mekong-Mỹ, Mekong-Trung Quốc...

Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) là một tổ chức quốc tế với các thỏa thuận điều khoản mang tính ràng buộc, yêu cầu các thành viên của tổ chức đó phải tuân thủ khi sử dụng nguồn nước, con sông chung là Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn WEF Mekong chụp ảnh chung.
Ảnh: TTXVN


Lễ khai mạc Diễn đàn WEF Mekong. Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Diễn đàn WEF Mekong. Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại tại Diễn đàn WEF Mekong. Ảnh: TTXVN


Các đại biểu tham dự Diễn đàn WEF Mekong. Ảnh: TTXVN

Vì vậy, ông Vũ Quang Minh, Trưởng đoàn quan chức cao cấp của Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8, cho biết, trong khuôn khổ ACMECS 7 và CLMV 8 lần này, nội dung phát triển bền vững và bảo vệ, sử dụng hiệu quả, hợp lý và công bằng nguồn nước sông Mekong là một nội dung rất quan trọng, được thể hiện trong cả hai văn kiện cấp cao là Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao CLMV 8 và Tuyên bố Hà Nội của ACMECS 7.

Các cam kết trong hai văn kiện lớn này mang tính chất khuôn khổ, định hướng cho các nước xây dựng kế hoạch phát triển của mình cũng như để phát triển các dự án hợp tác giữa các nước. Các tuyên bố có phần liên quan đến hợp tác nguồn nước như khẳng định phải tăng cường sự hợp tác giữa các nước trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của sông Mekong; cam kết tiến tới nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có vấn đề sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bình đẳng, công bằng nguồn nước cũng như nguồn tài nguyên khác./.



CLMV và ACMECS là hai cơ chế hợp tác nội khối giữa các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong. Hai cơ chế này ra đời với mục đích chính là thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế của các nước tiểu vùng trong ASEAN và trên trường quốc tế, hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Hợp tác CLMV tập trung vào 6 lĩnh vực: (1) Thương mại và Đầu tư; (2) Phát triển nguồn nhân lực; (3) Nông nghiệp; (4) Công nghiệp; (5) Giao thông; (6) Du lịch. Trong 6 lĩnh vực trên, Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực là Thương mại và Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực.

Hợp tác ACMECS bao gồm 8 lĩnh vực: (1) Hợp tác Thương mại và Đầu tư; (2) Hợp tác Y tế; (3) Hợp tác Nông nghiệp; (4) Hợp tác Phát triển nguồn nhân lực; (5) Hợp tác Công nghiệp - Năng lượng; (6) Hợp tác Giao thông; (7) Hợp tác Du lịch; (8) Hợp tác Môi trường. Trong 8 lĩnh vực trên, Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực là Hợp tác Phát triển nguồn nhân lực, Hợp tác Công nghiệp - Năng lượng. Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia đồng chủ trì điều phối lĩnh vực Hợp tác Môi trường.

 
TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top