Kinh tế

Xuân Hòa: Từ chiếc xe đạp thời bao cấp đến đối tác toàn cầu

Từ một xí nghiệp sản xuất xe đạp mang thương hiệu Xuân Hòa quen thuộc trong thời kỳ bao cấp, Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam hiện là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng nội thất - thiết bị văn phòng với thị phần chi phối tại thị trường trong nước cũng như đang trở thành đối tác uy tín trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần được xem là bước phát triển mang tính bản lề của Xuân Hòa, đặc biệt sau khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán với mã giao dịch XHC vào cuối năm 2016 - một bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành từ một doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty đại chúng.

Chỉ sau một năm thành công ty cổ phần, mức tăng doanh thu năm 2016 của Xuân Hòa đạt 10,5% so với con số trung bình 3% của các năm trước đó. Lợi nhuận năm 2016 tăng 10 lần, thu nhập người lao động tăng 10%, chia cổ tức cho cổ đông tăng 3%, vượt kế hoạch kinh doanh khi xây dựng phương án cổ phần hóa.

Kết quả ấn tượng này nhờ vào việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến của TOYOTA giúp nâng cao năng suất lao động 20%, giảm tồn kho trên dây chuyền 70%, giảm thời gian sản xuất đáp ứng đơn hàng 50%, giảm tỷ lệ sai hỏng 10% so với trước khi cổ phần hóa.



Máy đột tọa độ tự động CNC AMADA (Nhật Bản) dùng để sản xuất tủ sắt -sản phẩm mũi nhọn
cúa Xuân Hòa Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn


Dây chuyền uốn tấm mỏng CNC Salvagnini (Italia) giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm. Ảnh: Tất Sơn


Công ty còn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại của thế giới như máy uốn đơn AMADA (Nhật Bản)
giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Tất Sơn


Công nghệ hàn robot tự động của hãng Panasonic mang lại độ chính xác cao cho mỗi sản phẩm. Ảnh: Tất Sơn


Công đoạn may vỏ cho sản phẩm ghế. Ảnh: Tất Sơn


Công đoạn sản xuất mặt ghế cho sản phẩm ghế ngồi. Ảnh: Tất Sơn



Công nhân tìm lỗi trên sản phẩm  
sau khi đã qua dây truyền sơn bột tĩnh điện. Ảnh: Tất Sơn



Phân xưởng hoàn thiện sản phẩm ghế ngồi. Ảnh: Tất Sơn


Dây chuyền đóng gói sản phẩm . Ảnh: Tất Sơn


Xuân Hòa hiện đang là đơn vị cung cấp sản phẩm nội thất cho nhiều công ty hàng gia dụng,
nội thất hàng đầu thế giới như: IKEA (Thụy Điển), Sankin (Nhật Bản), Habitat (Pháp) …. Ảnh: Tất Sơn


Ông Junji Hori, nguyên Giám đốc quản lý sản xuất của Công ty Toyota Vietnam
trao đổi với trưởng các phân xưởng sản xuất của Xuân Hòa. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó, khâu phân phối sản phẩm được công ty thúc đẩy quyết liệt. Mạng lưới phân phối của Xuân Hòa đã tăng thêm 1,200 đại lý lên tổng số 1,500 đại lý khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước so với 300 đại lý tại thời điểm trước cổ phần hóa.

Chỉ sau một năm thành công ty cổ phần, mức tăng doanh thu năm 2016 của Xuân Hòa đạt 10,5% so với con số trung bình 3% của các năm trước đó. Lợi nhuận năm 2016 tăng 10 lần, thu nhập người lao động tăng 10%, chia cổ tức cho cổ đông tăng 3%, vượt kế hoạch kinh doanh khi xây dựng phương án cổ phần hóa.
Cổ phần hóa cũng đã giúp công ty có thêm vốn để đẩy mạnh việc đầu tư vào sản xuất. Năm 2016, Xuân Hòa chi hơn 30 tỷ đồng cho công nghệ gồm dây chuyền uốn, đột liên hoàn, sản xuất tủ sắt theo công nghệ Salvagnini của Italy mới nhất trên thế giới cho công suất 3000 tủ/tháng, tương ứng với doanh thu 50 tỷ/năm; thiết bị đột tự động Amada của Nhật Bản cho phép đột các tọa độ sản phẩm chính xác, công nghệ uốn CNC, công nghệ hàn robot tự động và công nghệ sơn bột tĩnh điện….

Ông Lê Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuân Hòa cho biết: “Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào 2 chiến lược lớn trong 5 năm tới, gồm tối đa hóa các khâu, các nguồn lực để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh và đầu tư xây dựng hệ thống marketing và bán hàng chuyên nghiệp. Từ đó, Công ty củng cố và mở rộng thị trường trong nước,  khai thác thế mạnh xuất khẩu, đưa sản phẩm Xuân Hòa thâm nhập sâu thị trường quốc tế.”

Mặc dù là nhà cung cấp cho hãng nội thất hàng đầu thế giới IKEA của Thụy Điển trong hơn 20 năm qua, nhưng không phải lúc nào sự hợp tác này cũng “thuận buồm xuôi gió” khi IKEA luôn được xem là đối tác đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng cũng như giá thành.

“Trước khi Công ty chuyển đổi sang mô hình cổ phần hóa, chúng tôi đã không đạt được đơn hàng về tủ sắt với IKEA do không đạt được giá mục tiêu bên bạn đưa ra. Sau khi cổ phần hóa và tổ chức lại sản xuất, chúng tôi đã giảm giá thành sản phẩm và bảo đảm chất lượng, đạt được giá mục tiêu IKEA đưa ra. Cũng dây chuyền sản xuất đó, trước đây là 10 người, thì nay khi đầu tư công nghệ sản xuất, chúng tôi tổ chức lại chỉ còn 7 người, làm tối đa 3 ca là đã đạt được giá mục tiêu của IKEA. Năm 2016 Xuân Hòa đã xuất được cho IKEA 1,200,000 sản phẩm khung tủ sắt, 100,000 sản phẩm/tháng. Năm 2017 công ty tiếp tục có hợp đồng với IKEA xuất 1,200,000 sản phẩm này”, ông Lê Duy Anh cho biết.



Bộ bàn ghế họp sản phẩm được thị trường đón nhận và đánh giá cao của Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Ảnh: Tư liệu


Sản phẩm ghế ngồi của Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam cung cấp cho hội trường của Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Tư liệu


Sản phẩm bàn ghế làm việc của Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn


Không gian phòng làm việc riêng với những sản phẩm nội thất của Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn


Sản phẩm bàn ăn của Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn




Phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn

Sau IKEA, Xuân Hòa cũng đã trở thành đơn vị hợp tác sản xuất sản phẩm cho các công ty hàng gia dụng, nội thất hàng đầu thế giới khác như Sankin (Nhật Bản) và Habitat (Pháp).

Bên cạnh đó, Xuân Hòa đã xuất khẩu thành công các sản phẩm nội thất văn phòng và gia đình "Made in Vietnam" tới các thị trường khắt khe khác như Nhật Bản, Pháp, các nước EU, cũng như sắp tới sẽ mở rộng xuất khẩu đến Mỹ, và các nước thuộc khu vực Trung Đông.


Hợp tác quốc tế sâu rộng và có sự tin tưởng từ bạn hàng quốc tế trong nhiều năm chính là sự bảo đảm cho chất lượng của nội thất Xuân Hòa. Đây là thành tựu mà không nhiều doanh nghiệp Việt đạt được khi tham gia trên sân chơi toàn cầu./.


 

Những dấu mốc quan trọng


Năm 1980: Thành lập Xí nghiệp xe đạp Xuân Hòa tại thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc
Năm 1989: Những sản phẩm bàn, ghế đầu tiên ra đời, mở ra một bước ngoặt
                  trong sản xuất kinh doanh của Công ty
Năm 1993: Đổi tên thành Công ty Xuân Hòa
Năm 1996: Tham gia góp vốn thành lập Công ty liên doanh Takanichi – Vietnam
                  (nay là Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội)
Năm 2004: Chuyển đổi thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xuân Hòa
Năm 2013: Đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Nội thất Xuân Hòa
Năm 2015: Chuyển đổi thành Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam
Năm 2016: Chính thức niêm yết trên thị trường UpCoM

 
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Tất Sơn & Tư liệu

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top