Tiêu điểm

Xây dựng Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển

“Chúng ta phải cùng nhau gìn giữ hòa bình trên mỗi ngọn sóng của Biển Đông, là tiền đề để xây dựng nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, đó là lời kêu gọi và cũng là khẳng định mạnh mẽ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra tại Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam lần thứ 8 vừa qua.
Phát biểu tại Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam lần thứ 8 năm 2016 và kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới được tổ chức tại Khu du lịch biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định hôm 8/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cùng với đất liền, biển đảo đã tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển của những thế hệ người dân Việt, là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tự hào, trân trọng truyền thống lịch sử, chúng ta phải phát huy sức mạnh to lớn của cả dân tộc để phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam
và Kỷ niệm Ngày 
Đại dương thế giới 2016.  Ảnh: Thống Nhất


Giàn khoan Đại Hùng II trên Biển Đông. Ảnh: Hoàng Hà

Việt Nam là quốc gia ven biển, nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong tổng số 157 quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển trên thế giới. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của Việt Nam xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển), đứng đầu các nước Đông Dương, trên Thái Lan và xấp xỉ Malaysia. Cả nước có 28/63 tỉnh, thành phố ven biển với số dân chiếm khoảng ½ dân số cả nước.
Để phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi và vượt qua khó khăn, thách thức, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương đoàn kết, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên biển cho phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53- 55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và hải đảo nhằm xác lập luận cứ khoa học cho xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia...; huy động, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển.

Chính phủ cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư và áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực hiện các chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo; tạo thuận lợi cho người dân bám biển, phát triển kinh tế biển và làm giàu từ biển.

Khẳng định, bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, lâu dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát tất cả các dự án trên cả nước có xả thải ra môi trường biển, bảo đảm phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả, nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ các nước có lợi ích ở Biển Đông có những hành động thiết thực góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và bảo vệ môi trường biển.



Việt Nam đầu tư xây dựng nhiều cảng cá và các khu hậu cần nghề cá lớn để thúc đẩy phát triển nghề đi biển. Ảnh: Huy Hùng


Đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Viết Ý


Phát triển các khu hậu cần nghề cá. Ảnh: Trần Hùng


Hiện đại hóa lực lượng hải quân để bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Khang

Việt Nam kiên trì, kiên quyết yêu cầu các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC); tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tiến hành đàm phán thực chất để sớm ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

“Chúng ta phải cùng nhau gìn giữ hòa bình trên mỗi ngọn sóng của Biển Đông, là tiền đề để xây dựng nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Đó là niềm mong uớc, khát vọng hàng nghìn năm của dân tộc ta và là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao được các thế hệ tiền nhân, các hùng binh Hoàng Sa năm xưa trao truyền cho những thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mai sau.”, Thủ tướng nêu rõ./.



 

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2). Vùng biển Việt Nam có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo lớn xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.

(Theo: biengioilanhtho.gov.vn và danang.gov.vn)


 
TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top