Tiềm năng địa phương

Vùng chuyên canh cam miền Tây xứ Nghệ

Cam xứ Nghệ (cam Vinh) là một trong những đặc sản nổi tiếng cả nước và được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và các nước Ðông Âu trong thập niên 1980. Với sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong việc hỗ trợ sản xuất chế biến các sản phẩm từ vùng chuyên canh cam Con Cuông từ năm 2016, vựa cam miền Tây xứ Nghệ hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương này.
Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap

Giữa tháng 9/2017, chúng tôi cùng đoàn công tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản 
JICA về thăm bản Pha (xã Yên Khê, huyện Con Cuông) đúng vào thời điểm người dân địa phương bắt đầu thu hoạch vụ cam.

Theo bà Kha Thị Tím, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông thì xã Yên Khê và khu vực lân cận trước kia là địa bàn canh tác cam của Nông trường Bãi Phủ. Trong những năm 1980 đây là đơn vị chuyên cung cấp cam xuất khẩu cho thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu.

Cam ở đây nổi tiếng thơm ngon, mọng nước, vị thanh. Thời gian gần đây, huyện Con Cuông thực hiện chủ trương khôi phục diện tích trồng cam quy mô lớn, áp dụng công nghệ mới vào canh tác nhằm đưa cây cam trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Nhờ nỗ lực của người trồng cam, những triền đồi đất hoang trước đây đã biến thành những vườn cam xanh mướt được chăm sóc, bảo vệ chu đáo.



Vườn cam của ông Tăng Ngọc Sơn ở bản Pha (xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An)
được áp dụng mô hình trồng trọt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. 


Những thiết bị hỗ trợ việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cam ở đây do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ.


Người nông dân ở bản Pha sau khi được đào tạo đã tự mình tạo ra những sản phẩm hấp dẫn làm từ cam.

Anh Sơn, chủ một vườn cam ở bản Pha cho biết, thời gian đầu trồng cam gặp nhiều khó khăn trong kỹ thuật chăm sóc và thiếu vốn đầu tư sản xuất vì cây cam phải mất 5-6 năm chăm sóc mới cho quả. “Vụ thu hoạch quả đầu tiên chỉ đủ trang trải chi phí. Những năm tiếp theo thì dần dần ổn định. Năm ngoái, nhà tôi thu hoạch 1ha cam được khoảng 30 tấn quả, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 500 triệu đồng” – anh Sơn chia sẻ.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng đường điện cao thế, hỗ trợ đào giếng khoan cung cấp nước sạch, tỉnh Nghệ An và huyện Con Cuông thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dân trồng cam ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác loại nông sản này.

Hiện nay, tất cả các vườn cam ở địa phương đều được áp dụng mô hình trồng trọt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Người dân sử dụng hệ thống nước tưới hiện đại bằng công nghệ tưới nhỏ giọt đến các chế phẩm vi sinh trong quá trình chăm sóc cây đều tuân thủ chặt chẽ theo quy trình kỹ thuật. Trong 5 năm gần đây, huyện Con Cuông triển khai trồng 2 loại cam chín sớm và chín muộn, cho thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu thụ cao vào dịp Tết. Với giá bán từ 30.000 - 60.000 đồng/kg, người trồng cam có thể thu lãi từ 500-700 triệu đồng/1ha cam/năm.

Cây cam ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con nông dân nơi đây không những tích cực mở rộng diện tích canh tác, mà còn áp dụng công nghệ mới, đa dạng hóa sản phẩm từ quả cam, nhằm khai thác tối đa lợi ích từ cây trồng này. 

Phát triển sản phẩm chế biến từ cam


JICA đã hỗ trợ cho 5 hộ dân trồng cam tại bản Pha, xã Yên Khê xây dựng biển chỉ dẫn, máy lọc và pha chế rượu, máy xay vỏ cam để nấu tinh dầu, nồi nấu tinh dầu, bao bì đóng gói... để hoàn thiện các sản phẩm.
Ông Đào Xuân Mùi, công tác tại Viện nghiên cứu ngành nghề nông thôn Việt Nam, cán bộ tư vấn dự án của JICA, cho biết, thời gian đầu do kỹ thuật canh tác còn hạn chế nên số lượng quả cam không đạt tiêu chuẩn tiêu thụ rất lớn, phải bỏ đi hết. Được sự tập huấn của các chuyên gia của Đại học Bách Khoa Hà Nội,  JICA đã tài trợ kinh phí cho người dân đầu tư máy móc chế biến tinh dầu cam để cung cấp cho thị trường, đặc biệt là khách du lịch khi đến thăm Con Cuông.

Gia đình ông Thái Bá Trường cũng là một trong những hộ dân được dự án JICA hỗ trợ trong chế biến các sản phẩm từ cam vui vẻ chia sẻ: “Từ khi có dự án hỗ trợ của JICA thì gia đình tôi tận dụng được cả vỏ cam làm tinh dầu để bán nên thu nhập cũng cao hơn trước”.







Những sản phẩm đa dạng làm từ cam. Đây là kết quả của sự hỗ trợ rất hiệu quả của
Cơ quan Hợp tác Quốc tế  Nhật Bản JICA trong dự án hỗ trợ sinh kế trực tiếp cho người nông dân tại bản Pha.


Khách du lịch thích thú với những sản phẩm làm từ cam. Ngoài chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn sạch,
những người làm dự án hỗ trợ sinh kế ở đây còn hỗ trợ người dân chú trọng đến bao bì, hình thức đóng gói sản phầm.

Các sản phẩm được chế biến từ cam sạch trồng ở Con Cuông, gồm: mứt vỏ cam, rượu men cam, rượu cam, xà phòng cam, tinh dầu cam, sirô cam… được tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam cấp nhãn hiệu. Sản phẩm được bán trực tiếp tại xưởng hoặc chính quyền địa phương hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, các hội chợ với giá bán mứt cam 350.000/kg, rượu men cam 90.000/chai 0,5lít, tinh dầu cam giá 4.000.000/lít… 

Giờ đây, người dân Con Cuông đã tự tin sản xuất ra các sản phẩm nâng cao giá trị quả cam, góp phần tạo thêm việc làm cho người dân miền núi và mở ra một triển vọng mới về các sản phẩm du lịch địa phương./.

 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường


Top