Kinh tế

VSIP, biểu tượng quan hệ Việt Nam - Singapore

VSIP (Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore) được xem như một biểu tượng thành công trong quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore. Sau hai mươi năm, kể từ ngày VSIP đầu tiên ra đời tại Bình Dương, đến nay Việt Nam đã có 7 VSIP, thu hút nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới đến đầu tư sản xuất - kinh doanh, đem lại 32 tỷ USD xuất khẩu.
Ngày 14/9/2016, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Bình Dương, Công ty Liên doanh Trách nhiệm Hữu hạn Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Tham dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VSIP.
Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm VSIP Nghệ An (8/2016).
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm VSIP I ở Bình Dương (4/2013).
Ảnh: Trí Dũng/TTXVN



Cố Bộ trưởng cố vấn cao cấp Singapore Lý Quang Diệu thăm VSIP Bình Dương (4/2009). 
Ảnh: Quách Lắm/TTXVN


Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam thăm VSIP II ở Bình Dương (4/2012).
Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN


Nguyên Thủ tướng, Bộ trưởng Danh dự Cấp cao Singapore Goh Chok Tong
thăm VSIP Bắc Ninh (9/2014). Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong 20 năm qua, các VSIP đã gắn liền với công cuộc đổi mới và phát triển ở Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của các địa phương và cả nước, thắt chặt quan hệ tin cậy, gắn bó giữa Việt Nam và Singapore.

Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam và khẳng định sẽ giữ ổn định môi trường đầu tư, đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính có hiệu quả, hoàn thiện hệ thống luật pháp, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Singapore nói riêng vào đầu tư tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tin tưởng cùng với sự hỗ trợ của chính phủ hai nước Việt Nam-Singapore, VSIP tiếp tục là biểu tượng hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam; góp phần làm sâu đậm hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore.

Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền cho biết, năm 1994 trong chuyến thăm của nguyên Thủ tướng Goh Chok Tong tới Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề nghị phát triển khu công nghiệp theo tiêu chuẩn Singapore và hai năm sau đó, Liên doanh các công ty Singapore do Tập đoàn SembCorp đứng đầu đã hợp tác với Tổng Công ty Becamex IDC thành lập VSIP đầu tiên tại Bình Dương. Sự thành công của VSIP đầu tiên này đã mở đường cho quá trình phát triển mạng lưới của VSIP trong nước.


VSIP II ở Bình Dương. Ảnh: VSIP


Cơ sở hạ tầng hiện đại của VSIP. Ảnh: VSIP


Mô hình khu công viên cây xanh của dự án Khu đô thị VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN


Nhà máy sản xuất điện thoại của Tập đoàn Microsoft tại VSIP Bắc Ninh. Ảnh: Tư liệu


Trụ sở Công ty TNHH Dearm Tech (100% vốn của Hàn Quốc) tại VSIP Bắc Ninh. Ảnh: Thông Hải


Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty Nittan Việt Nam ở VSIP Bắc Ninh. Ảnh: Thông Hải


Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Việt Nam Seibi Semiconductor (Nhật Bản) 
ở VSIP II (Bình Dương). Ảnh: Quách Lắm/TTXVN


Dây chuyền sản xuất thuốc tân dược của Công ty CP Dược Sài Gòn (Sapharco)
ở VSIP Bình Dương. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Sau hơn 20 năm, Việt Nam đã có 7 dự án VSIP ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Từ các khu công nghiệp ban đầu, VSIP ngày nay đã phát triển thành các khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ, thu hút các ngành công nghiệp giá trị cao và nguồn nhân lực chất lượng cao...

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị VSIP, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, đến nay VSIP đã thu hút được 630 doanh nghiệp, thuộc 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, đến đầu tư sản xuất-kinh doanh trong các khu công nghiệp của VSIP, tạo ra việc làm cho 174.000 lao động ở Việt Nam”.

Để tiếp nối đà phát triển và cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn cho nhà đầu tư, nhân dịp này, VSIP đã công bố biên bản ký kết ghi nhớ khảo sát khả năng triển khai 2 dự án mở rộng tại Bình Dương và Bắc Ninh. Hai dự án mở rộng này có khả năng tăng thêm 1.500ha vào tổng diện tích 6.660ha của cả 7 dự án ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương và Nghệ An.

Có thể nói, sự thành công của thương hiệu VSIP trong 20 qua là một dấu ấn minh chứng sinh động cho mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước./.



Singapore hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, với trên 1.600 dự án đang hoạt động với số vốn gần 38 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 07 VSIP trên cả nước, bao gồm: VSIP I và II Bình Dương (1996, 2005), VSIP Bắc Ninh (2007), VSIP Hải Phòng (2010), VSIP Quảng Ngãi (2013), VSIP Hải Dương (2015), VSIP Nghệ An (2015). Sau 20 năm hoạt động, VSIP đã thu hút được 630 doanh nghiệp, thuộc 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, đến đầu tư sản xuất-kinh doanh, tạo ra việc làm cho 174.000 lao động và đem lại 32 tỷ USD xuất khẩu.


TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top