Tin tức

Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đoàn kết dân tộc, tôn giáo


Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chào mừng 71 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 18/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp đoàn đại biểu 29 chức sắc, chức việc đại diện cho 17 tổ chức tôn giáo Việt Nam.

Hiện nay, cả nước có 39 tổ chức tôn giáo của 14 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với 28.000 cơ sở thờ tự, gần 25 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước). Tín đồ các tôn giáo là lực lượng đông đảo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đã và đang tiếp tục góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phong phú của đời sống tín ngưỡng, Việt Nam được xếp thứ ba trên thế giới về mức độ đa dạng tín ngưỡng, tôn giáo...

Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, có lịch sử hàng nghìn năm văn hiến dựng nước và giữ nước, là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau và đồng bào không theo tôn giáo...

Với những chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, trong những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo ngày càng được cải thiện; nhiều tín đồ, chức sắc, chức việc trở thành các gương điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và đánh giá cao đồng bào các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp như “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Vì đạo pháp, vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chính vì vậy, các tôn giáo cần tiếp tục phát huy những mặt tích cực, giá trị nhân văn, đạo đức tôn giáo để góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, tốt đẹp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vận động tín đồ làm tròn nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương.

Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, làm cho các tôn giáo gắn bó với dân tộc, với đất nước và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết hòa hợp các tôn giáo cùng toàn dân hăng hái thi đua xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội tăng cường vận động tín đồ, chức sắc các tôn giáo hòa nhập cùng cộng đồng, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân.

Chủ tịch nước mong các tôn giáo tiếp tục phát huy đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết chặt chẽ giữa các tôn giáo khác nhau, đoàn kết đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo, cùng nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững./.
 
TTXVN/VNP

Khai mạc Triển lãm ảnh Tổ quốc bên bờ sóng tại Lào

Khai mạc Triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng” tại Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều 18/4, tại Trung tâm văn hóa Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng" do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào và Học viện Mỹ thuật Quốc gia Lào tổ chức. Đây là sự kiện nhằm làm phong phú thêm các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Top