Nghệ thuật

Về Hàng Kênh xem canh hát cửa đình

Mới đây, tại đình Hàng Kênh – Hải Phòng, nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ cùng các học trò ở Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng đã giới thiệu cho người xem đầy đủ nghi lễ hát ca trù cửa đình sau gần 60 năm vắng bóng.
Ca trù được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: hát ả đào, hát cửa đình, hát cô đầu... Theo nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, trong các hình thức hát diễn xướng ca trù thì hát cửa đình là hình thức hát cổ điển nhất. Hát cửa đình còn được biết đến với tên gọi khác là hát thẻ. Bởi ngày xưa, hát cửa đình thường kéo dài cả ngày cả đêm, có khi suốt mấy ngày liền. Cho nên người ta thường dùng thẻ làm bằng mảnh tre để ghi điểm thưởng cho đào kép. Khi thưởng, sau tiếng gõ "cách" vào tang trống chầu, người ta ném ra một thẻ. Tàn cuộc hát, các ả đào cứ theo số thẻ có được mà lĩnh tiền thưởng.

Sử liệu ghi rằng, hát cửa đình đã tồn tại rất hưng thịnh tại các làng quê miền Bắc. Trung bình mỗi một huyện có một đến hai giáo phường hát cửa đình. Các đào kép sinh sống trong các giáo phường đảm nhiệm phần nhạc lễ cửa đình của làng mình. Mỗi một giáo phường sẽ nắm giữ quyền hát cửa đình trong vùng họ sinh sống. Và điều thú vị nữa là nếu làng đó không muốn giáo phường đó hát ở cửa đình làng mình thì họ phải bỏ tiền mua lại điều kiện hát của giáo phường này. Vì vậy, ca trù cửa đình được xem như một tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp có từ ngày xưa.


Đình Hàng Kênh (Hải Phòng), nơi diễn ra chương trình phục dựng hát cửa đình của người Việt.


Múa tứ linh (long, lân, quy, phượng) mở đầu chương trình hát cửa đình Hàng Kênh.


Ban nhạc bát âm tấu khúc nhạc mở đầu canh hát.


Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ (áo đỏ) mở đầu bằng màn hát "giáo hương" dẫn lời cho các học trò vào canh hát cửa đình.


Bốn ca nương thể hiện phần hát "dâng hương".


Đào nương Thùy Linh (bên trái) hát điệu "cung bắc", một làn điệu cổ của ca trù.


Một quan viên làm nhiệm vụ thỉnh chuông trong canh hát cửa đình. 


NSƯT Đỗ Quyên (bên phải) với phần ca vũ "dồn đại thạch".


Kép đàn Hoàng Khoa và đào nương Thu Hằng thể hiện điệu "
đào luồn - kép vói".


NSƯT Đỗ Quyên ( bên trái) thể hiện điệu "hát nói".


Phần ca vũ "bỏ bộ" do 6 ca nương thực hiện khép lại chương trình phục dựng hát cửa đình ở đình Hàng Kênh - Hải Phòng.

Đến cuối thế kỷ thứ 19 (khoảng những năm 1900) ca trù bắt đầu du nhập lên phố thị, các ca quán được hình thành và phát triển song song với hát cửa đình. Cho đến giữa thế kỷ 20 (khoảng những năm 1950), vì nhiều lý do cho nên hát cửa đình mất hẳn trong đời sống văn hóa ở làng quê.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ là một trong số ít những nghệ nhân còn lại đã từng tham gia hát cửa đình. Được biết, nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ ngày xưa là nơi sinh hoạt của một giáo phường lớn ở Hải Dương. Vì vậy, ông là một trong số ít nghệ nhân dân gian còn nhớ các thể cách, lề lối hát cửa đình. Nắm bắt được thông tin đó, Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng đã liên hệ với nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và được ông đồng ý truyền lại toàn bộ thể cách hát cửa đình.

Sau hơn 4 tháng học và luyện tập tại tư gia nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, mới đây, Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng đã cho ra mắt công chúng một buổi trình diễn nghệ thuật hát cửa đình hoàn chỉnh với những kỹ năng buông hơi, nhả chữ của 9 làn điệu kết hợp với những nghi lễ múa hát diễn xướng ngay tại đình Hàng Kênh – Hải Phòng.

Sự kiện phục dựng hát cửa đình ở đình Hàng Kênh đã được người dân đón nhận nhiệt tình. Từ tín hiệu vui này, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ hồ hởi cho biết: “Từ đây, hát ca trù cửa đình đã có lớp người kế cận là Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng để duy trì một nét văn hóa của làng quê Việt cổ”./.

Thực hiện: Tất Sơn – Trần Thanh Giang

Điện Biên vẫy gọi – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Top