Phóng sự chuyên đề

Trên vùng điện gió Bạc Liêu

Giữa mênh mông trời nước và bãi bồi ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, Tp. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, những cột turbin điện gió khổng lồ của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, công trình trọng điểm và lớn nhất cả nước về điện gió, sừng sững vươn cao minh chứng cho tiềm năng vô tận của nguồn năng lượng gió ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sự khởi đầu ấn tượng ở Bạc Liêu
Cách đây chừng 5 năm, người dân Vĩnh Trạch Đông hầu như quanh năm chỉ biết lam lũ trên những vuông tôm hay cào nghêu trên bãi bồi ngập mặn dưới rặng bần, rặng đước... nên có nằm mơ họ cũng không thể ngờ rằng, hôm nay chính trên những bãi bồi lộng gió ấy, một tổ hợp năng lượng công nghệ cao sừng sững hiện lên mang lại nguồn điện sạch được tạo ra từ chính nguồn gió vô tận của vùng bãi bồi ngập mặn ở quê hương mình.

Theo chương trình điều tra năng lượng châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ở Việt Nam vào khoảng 513.360MW, tức bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La. Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu với 56km bờ biển được đánh giá là có tốc độ gió tốt nhất cả nước (trung bình từ 6,5-7,2 m/s, những tháng cao điểm lên tới 10m/s) và đón được các hướng gió chính. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có các vùng đất bãi bồi không có dân cư sinh sống nên rất thuận lợi cho việc xây dựng cũng như mở rộng nhà máy điện gió.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt chứng kiến lễ ký kết hợp tác đầu tư Năng Lượng
kinh tế giữa Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý với Tập đoàn Vestas. Ảnh: Tư liệu Nhà máy điện gió Bạc Liêu


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và ông Nguyễn Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam
chứng kiến lễ ký kết Hợp đồng Thương mại 52 turbin NMĐG Bạc Liêu giai đoạn 2. Ảnh: Tư liệu Nhà máy điện gió Bạc Liêu


Thiết bị phục vụ cho thi công NMĐG Bạc Liêu do Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) cung cấp cập cảng cảng Cát Lái, Tp. Hồ Chí Minh.
Ảnh: Tư liệu NMĐG Bạc Liêu


Lắp đặt cánh quạt turbin gió có chiều dài 82,5m bằng hệ thống cẩu siêu trường,
siêu trọng có sức nâng 600 tấn. Ảnh: Tư liệu NMĐG Bạc Liêu


Thi công hoàn thành trụ móng turbin số 4 vào năm 2012. Ảnh: Tư liệu NMĐG Bạc Liêu


Mỗi turbin gió nặng hơn 210 tấn làm bằng thép đặc biệt không gỉ nhập khẩu từ Hoa Kỳ
đang được lắp đặt trên vùng bãi bồi ngập nước ven biển Bạc Liêu. Ảnh: Tư liệu NMĐG Bạc Liêu


Hệ thống cẩu siêu trường, siêu trọng nhập từ Singapore có sức nâng 600 tấn, vươn cao 105m
được sử dụng thi công Nhà máy Điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Tư liệu NMĐG Bạc Liêu
 

«
      Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2014, nâng sản lượng Nhà máy Điện gió Bạc Liêu gấp 16 lần hiện tại, đạt 320 triệu kWh.

(Ông Tô Hoài Dân, TGĐ Cty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý). 

»
Chính vì thế, tháng 9/2010, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được khởi công, trở thành dự án điện gió đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà máy được xây dựng trên vùng ngập nước ven biển rộng 500ha ở xã Vĩnh Trạch Đông với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng, công suất thiết kế 99MW, mỗi năm cung cấp 320 triệu kWh điện. Đến tháng 5/2013, giai đoạn 1 với 10 turbin gió đã chính thức hòa lưới điện quốc gia. Tính đến tháng 3/2014, 10 turbin này đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 20 triệu kWh, đạt doanh thu 35 tỷ đồng.

Nói về sự ra đời của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, đơn vị đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Bạc Liêu cho biết, ông may mắn được gặp Peter Cowling, Trưởng bộ phận tái tạo GE Energy (Công ty con của Tập đoàn GE - PV) và được đến thăm một dự án điện gió trên biển ở Mỹ nên mới nghĩ đến nguồn gió biển của quê mình. Từ đó ông mời ông Peter sang Việt Nam và xác định được nguồn tiềm năng điện gió tại Bạc Liêu. Đây cũng là cơ sở để giữa năm 2010, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (US Eximbank) ký Biên bản thỏa thuận hợp tác theo hình thức đồng tài trợ cho các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: phát triển năng lượng, bảo vệ môi trường, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án phục vụ an sinh xã hội… Sau đó, hai bên tiếp tục cam kết hạn mức tài trợ 1 tỷ USD cho phát triển điện gió ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu.

Mới đây, chúng tôi về lại Vĩnh Trạch Đông khi giai đoạn 2 của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (khởi công tháng 2/2014) với quy mô 52 trụ turbin đang diễn ra sôi động. Các đơn vị tham gia thi công huy động trên 1.000 công nhân và nhiều máy móc thiết bị làm việc suốt ngày đêm.

Thiết bị phục vụ cho thi công Nhà máy Điện gió Bạc Liêu là thiết bị tiên tiến, hoàn toàn được nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Các turbin gió do Tập đoàn GE cung cấp có rotor cánh quạt dài 82,5m, rất phù hợp với chế độ gió cấp 3 tại Bạc Liêu. Theo các chuyên gia của GE, đây là loại turbin gió được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp điện với hơn 16.000 chiếc trên toàn thế giới. Mỗi turbin nặng hơn 210 tấn làm bằng thép đặc biệt, không gỉ, chịu được ăn mòn trong điều kiện khí quyển đại dương, được lắp dựng bằng giàn cẩu có sức nâng 600 tấn. Ngoài cánh quạt, máy phát, turbin còn có bộ đo lường tốc độ gió và truyền dữ liệu tốc độ gió tới bộ điểu khiển, hộp số, bộ ổn định tốc độ, bộ xử lý hướng gió nhằm định phương cho turbin.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhà máy Điện gió Bạc Liêu tháng 4/2014. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Lễ hòa lưới điện Quốc gia NMĐG Bạc Liêu giai đoạn 1 vào ngày 29/5/2013. Ảnh: Tư liệu NMĐG Bạc Liêu


Nhà máy điện gió Bạc Liêu đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông (Tp. Bạc Liêu), công trình trọng điểm và lớn nhất cả nước về điện gió,
với những chiếc turbin gió khổng lồ minh chứng cho tiềm năng lớn của nguồn năng lượng sạch từ gió ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ảnh: Trọng Chính


Đường dây hòa lưới điện Quốc gia từ NMĐG Bạc Liêu. Ảnh: Lê Minh


Trạm biến áp 22/110KV của NMĐG Bạc Liêu. Ảnh: Lê Minh


Phòng điều khiển NMĐG Bạc Liêu đặt tại Trạm biến áp 22/110KV. Ảnh: Lê Minh

«
      Nhà máy Điện gió Bạc Liêu có quy mô công suất 99MW, bao gồm 62 turbin gió. Nếu được Trung ương cho phép, đến năm 2030, Bạc Liêu sẽ đầu tư mở rộng nâng công suất Nhà máy điện gió Bạc Liêu đạt 480MW với 300 trụ turbin. 

»
Theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, việc Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác phát triển năng lượng gió sẽ giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng trong tương lai. Và việc Tập đoàn GE cung cấp turbin gió cho dự án điện gió Bạc Liêu vào cuối năm 2013 vừa qua chính là dự án hợp tác khai thác năng lượng gió đầu tiên của hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tại hội thảo về “Phát triển năng lượng gió” do Tổng lãnh sự Hoa Kỳ và Bộ Công thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều chuyên gia về điện gió nhận định, Việt Nam đã bước đầu khai thác được một phần tiềm năng phát triển điện gió của mình. Đặc biệt, cùng với Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, nhiều dự án điện gió khác trong nước cũng đã thực hiện thành công, góp phần mở ra tương lai cho ngành công nghiệp năng lượng sạch và mới ở Việt Nam.

Cuộc sống mới trên cánh đồng điện gió
Từ một xã nghèo, nhờ có điện gió, xã Vĩnh Trạch Đông như được thổi một luồng gió mới, nguồn gió tạo nên nguồn điện thắp sáng, mang đến cuộc sống ấm no hơn cho người dân. Hiện xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó nổi bật có 8 công trình cầu, đường được xây mới với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND Tp. Bạc Liêu cho biết, xã Vĩnh Trạch Đông lúc trước còn nghèo, người dân theo nghề biển phải bỏ quê để mưu sinh. Nay nhờ nghề nuôi tôm phát triển, trong vùng còn có cả nhà máy điện gió, thu hút nguồn đầu tư từ nhiều nơi, giúp đời sống người dân ổn định hơn.

Trên vùng điện gió thuộc xã Vĩnh Trạch Đông hiện có 1 trang trại nuôi trồng thủy sản và 20 tổ hợp tác sản xuất. Điển hình phải kể đến mô hình nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường của “vua tôm” Sáu Ngoãn (Lê Hồng Ngoãn) tại ấp Biển Đông A, ngay bên cạnh những trụ turbin điện gió. Không chỉ nuôi tôm, ông còn nuôi kết hợp với một số loại thủy sản khác như sò huyết nhằm tận dụng lượng thức ăn dư thừa, làm sạch đáy ao... Điều quan trọng là “vua tôm” Sáu Ngoãn đã dùng số tiền đáng kể thu được từ con tôm để đóng góp làm đường giao thông, xây trường học, nhà tình thương, đồ dùng học tập cho những học sinh nghèo hiếu học và giúp đỡ các gia đình khó khăn trong vùng.


Cuộc sống mới ở khu dân cư Hữu Nghị, ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông của bà con đồng bào Khmer trên vùng điện gió.
Ảnh: Lê Minh


Người dân hai xã Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành hiện sử dụng nguồn điện sinh hoạt
được tạo ra từ chính tiềm năng gió trên quê hương mình. Ảnh: Trọng Chính


Mô hình nuôi tôm sạch của “vua tôm” Lê Hồng Ngoãn tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông
ngay bên cạnh những trụ turbin điện gió. Ảnh: Trọng Chính


Mô hình nuôi cua lột của HTX Nam Đông ở ấp Biển Tây A,
nơi cung cấp cua thành phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nhật, châu Âu... Ảnh: Lê Minh

«
        Việt Nam hiện có 48 dự án điện gió đăng ký với tổng công suất 4.876MW, trong đó đã đi vào vận hành được 3 dự án. Trong mục tiêu phát, Việt Nam sẽ ưu tiên đưa nguồn điện gió từ 1.000MW năm 2020 lên 6.200MW năm 2030.
»
Còn ở ấp Biển Tây A có mô hình nuôi cua lột khá thành công của Hợp tác xã Nam Đông. Đây là một trong ba nơi tập trung nuôi cua lột ở Đồng bằng sông Cửu Long. Anh Ninh Quốc Trí, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, cua lột là loại hàng “độc” đang rất hút hàng tại thị trường Nhật, châu Âu…

Trong vùng điện gió, người dân cũng được giao bảo vệ rừng phòng hộ để kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Anh Nguyễn Hữu Đạt, người ở xã Hiệp Thành hiện thuê 6ha rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm, cua được 5 năm nay. Trừ các chi phí thuê rừng, thức ăn, hàng năm anh thu được khoảng 50 triệu đồng, thu nhập ổn định hơn nhiều so với nghề đi biển trước đây.

Nhưng ấn tượng nhất đối với chúng tôi có lẽ là hình ảnh cuộc sống mới của bà con đồng bào Khmer ở Khu dân cư Hữu Nghị, ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông. Ở đó, trên vùng điện gió, nhà cửa, đường sá, trường học phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, nhà nào cũng có điện. Và chính nhờ có điện, một cuộc sống mới đang bừng sáng, xua tan đi nỗi buồn u ám của kiếp sống tạm bợ ngày nào bên những tán rừng mắm, rừng đước…

Chia sẻ về vai trò điện gió của tỉnh nhà, ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu khẳng định, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, cũng như thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Bạc Liêu hợp tác phát triển tiềm năng kinh tế biển của địa phương./.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt
Ảnh: Trọng Chính, Lê Minh & Tư liệu Nhà máy Điện gió Bạc Liêu

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Trọng Chính, Lê Minh & Tư liệu Nhà máy Điện gió Bạc Liêu

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top