Tin tức

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh:Trí Dũng/TTXVN)
Thành bại của Ngoại giao tùy thuộc vào thực lực và vị thế. Thực lực và vị thế ở đây không chỉ thể hiện trong sức mạnh vật chất mà cả trong "sức mạnh mềm."

Đây là một trong nội dung trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII,” khai mạc sáng 22/8 ở Hà Nội.

Giải thích về "sức mạnh mềm," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ đó là tính chính nghĩa trong sự nghiệp của chúng ta; là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.

Đó còn là việc thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại một cách khôn khéo như một nghệ thuật theo những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu trước đây trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, bằng sự nghiệp chính nghĩa và xương máu của mình, nhân dân ta đã giành được sự đồng tình và vị trí rất cao trong lương tri của nhân loại, thì ngày nay nhờ công cuộc Đổi mới và chính sách đối ngoại hòa hiếu, rộng mở, Việt Nam đã có được một vị thế mới trong quan hệ quốc tế. Nói cách khác, phải luôn luôn đặt dân tộc mình vào dòng chảy của thời đại, nêu cao đại nghĩa của dân tộc, tranh thủ được thiện cảm của nhân loại tiến bộ, nâng cao cả thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất.

Tổng Bí thư lưu ý ngành Ngoại giao cần đi đầu phối hợp với đối ngoại nhân dân và các ngành văn hóa, nghệ thuật, thông tin, truyền thông, phát huy có hiệu quả nhất lợi thế sức mạnh mềm của đất nước, bắt đầu từ văn hóa. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam.

"Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên 'thương hiệu' cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn công tác đối ngoại những năm qua, làm cơ sở cho việc thực thi những nhiệm vụ mới to lớn hơn, phức tạp hơn trong thời gian tới.

Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc với trách nhiệm quốc tế; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến," "thêm bạn bớt thù," "làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai."

Đó là bài học về xây dựng sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như căn dặn của Bác Hồ: "sự nghiệp thành công bởi chữ đồng;" bài học về công tác xây dựng ngành và công tác cán bộ mà Bác Hồ coi là "cái gốc của mọi công việc;" bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ.

Tổng Bí thư chỉ rõ đối ngoại không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội mà còn là một động lực mạnh mẽ góp phần xứng đáng vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Toàn bộ ngành ngoại giao nói riêng, hoạt động đối ngoại nói chung đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, quan trọng, t rước hết là nhiệm vụ tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.

Là ngành có điều kiện tiếp cận nhanh với nhiều nguồn thông tin về chính trị, kinh tế thế giới, khoa học công nghệ, thị trường, có nhiều cơ quan đại diện ở khắp năm châu, Ngoại giao cần đặt ưu tiên cao cho công tác nghiên cứu dự báo, cung cấp thông tin về những diễn biến trước mắt và dài hạn của nền kinh tế khu vực và thế giới, giúp cho lãnh đạo có đánh giá chuẩn xác, kịp thời để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế trong nước phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển chung.
Song song với nhiệm vụ phát triển đất nước, Ngoại giao còn phải gánh vác một nhiệm vụ to lớn là góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo về mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh. Vừa kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, vừa phải hết sức giữ vững môi trường hòa bình và hợp tác để phát triển. Đây là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: "giữ nước từ xa," "giữ nước từ khi nước chưa nguy."

Tổng Bí thư chỉ rõ để hoàn thành được những nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức nêu trên, công việc có ý nghĩa then chốt là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như xây dựng ngành, củng cố tổ chức, đội ngũ về mọi mặt với trọng tâm là nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và nội dung công tác xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội XII, nhằm nâng cao vai trò của tổ chức đảng, bản lĩnh chính trị và tư cách đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và viên chức trong ngành phải không ngừng rèn luyện, vững vàng về chính trị, luôn luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo và chủ động trong cuộc đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Do đặc thù của ngành, các cán bộ, công chức, viên chức ngoại giao thường tiếp xúc và sinh hoạt trong môi trường bên ngoài rất dễ bị cám dỗ. Cho nên, cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật xem trong ngành có những biểu hiện sai lệch về tư tưởng, đạo đức, lối sống; có những biểu hiện chạy việc, chạy chức, chạy địa bàn... không, trên cơ sở đó đề ra những biện pháp thiết thực, cụ thể để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bộ máy toàn ngành.

Hơn ai hết, cán bộ ngoại giao phải học và làm việc theo gương Bác Hồ, một nhà ngoại giao lỗi lạc cả về trí tuệ và nhân cách. Học Bác để rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Chú trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà đối với những đối tượng mà ngành có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm phục vụ, bao gồm cả công dân Việt Nam và nước ngoài.

Tổng Bí thư nhấn mạnh trong một thế giới đầy biến động, đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, hoạt động đối ngoại cần phải là một phương thuốc hòa bình hữu hiệu thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp.

Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" - mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người,... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư mong rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại luôn thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh và những bài học của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thường xuyên nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp phát triển của đất nước, sự trường tồn của dân tộc.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung trí tuệ, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phân tích làm rõ những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó./.
 
TTXVN/VNP

Đa dạng các sản phẩm du lịch trong năm 2024

Đa dạng các sản phẩm du lịch trong năm 2024

Năm 2024, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình phấn đấu đón 4,5 – 5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 5.600 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới các điểm đến, đa dạng các sản phẩm du lịch để thu hút khách tham quan.

Top