Tiềm năng địa phương

Tinh hoa áo dài Trạch Xá

Với việc duy trì làng nghề truyền thống cũng như phát triển hệ thống cửa hàng trên các khu phố trung tâm Hà Nội, sản phẩm áo dài Trạch Xá (xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hiện được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng và đặt may. 
Tìm đến nhà ông Nghiêm Văn Đạt, Chủ nhiệm Hợp tác xã may làng nghề Trạch Xá được nghe ông kể những câu chuyện truyền tụng trong dân gian về nghề may áo dài truyền thống của Trạch Xá. Tổ nghề may làng Trạch Xá là bà Nguyễn Thị Sen, Tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng, người đã học nghề may trong cung rồi truyền dạy cho các cung nữ. Sau này, bà đưa các con từ giã hoàng cung trở về làng Trạch Xá và truyền dạy nghề cho dân làng. Theo thời gian, nhiều gia đình đã gắn bó với nghề may áo dài từ đời này sang đời khác và trở thành cái nghiệp của những người dân vùng này.

Theo nghề may truyền thống của gia đình được hơn 30 năm, ông Đạt cho hay, để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi yêu cầu kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến những họa tiết trang trí. Tuy nhiên yếu tố làm nên thương hiệu áo dài của Trạch Xá mà không nơi nào có được là tà áo lúc nào cũng mềm mại, thướt tha. Công đoạn này đòi hỏi người thợ may phải rất chăm chút khi đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”. Sau đó, dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng để khâu đường tà sao thật đều và đường chỉ nhỏ xíu. Nếu ngày trước tất cả công đoạn chỉ làm thủ công bằng tay nên số lượng sản phẩm làm ra trong ngày không được nhiều thì đến nay với sự hỗ trợ của máy móc nên sản phẩm hoàn thành trong ngày đạt khoảng 30-40 sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của khách.



Anh Nghiêm Văn Đạt, Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá,
người hiện vẫn tiếp tục duy trì nghề may truyền thống của gia đình.



Để cắt may được những bộ áo dài đẹp, người thợ Trạch Xá phải chi tiết trong công đoạn đo
sao cho phù hợp với kích cỡ của người mặc.



Gần đây, thợ may Trạch Xá hướng tới việc sáng tạo những kiểu dáng áo dài mới,
phục vụ theo thị hiếu người mặc.



Với kinh nghiệm của nghề, người thợ chỉ cần may một lần rồi ướm vải là có thể may chiếc áo dài thứ hai.


Để tà áo dài mềm mại, người thợ may Trạch Xá thêu tay để các họa tiết đều và đường chỉ nhỏ...


... khi thêu xong, người thợ thường kiểm tra lại và nếu bị đường tà bị lệch sẽ dùng dao cắt chỉ để thêu lại.


Những chiếc áo dài sau khi được hoàn thành sẽ được là phẳng phiu trước khi bán ở hiệu.


Được truyền dạy từ nhỏ, chị Nguyễn Thanh Bình, chủ cửa hàng may áo dài Vĩnh Hào (phố Cầu Gỗ, Hà Nội)
vẫn giữ đúng kỹ thuật đo, may truyền thống, tạo nét riêng cho áo dài Trạch Xá.



Khách đến đặt may, chị Bình chỉ cần nhìn dáng người
là có thể tính được kiểu dáng phù hợp với khách hàng.



Những cửa hiệu may áo dài của người Trạch Xá trên những con phố trung tâm ở Hà Nội thu hút đông đảo người đến đặt may.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Hòa Lâm, hiện Trạch Xá có khoảng 70% hộ gia đình làm nghề may áo dài, với nhân công khoảng 600 lao động thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Với sự hỗ trợ của huyện Ứng Hòa và nguyện vọng của người dân trong làng muốn đưa thương hiệu áo dài Trạch Xá ngày càng phát triển, Trạch Xá đã thành lập Hợp tác xã làng nghề may năm 2011 với 27 xã viên. Kể từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã làng nghề may Trạch Xá đã có rất nhiều hoạt động nhằm quảng bá nghề truyền thống lâu đời của làng đến thị trường trong nước và quốc tế như tham gia các chương trình Lễ hội Áo dài năm 2011 và 2012; Liên hoan văn hóa du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2015, chương trình bình ổn giá do huyện Ứng Hòa tổ chức hàng năm… Điều này đã đem đến diện mạo mới cho làng, đồng thời tạo ra một hướng đi đầy triển vọng cho nghề truyền thống này.

Với kinh nghiệm làm nghề lâu năm, nhiều người dân Trạch Xá cũng đã chuyển ra trung tâm Hà Nội mở các cửa hàng may đo áo dài. Hiện nay, phần lớn cửa hàng may áo dài trên các tuyến phố Lương Văn Can, Khâm Thiên, Cầu Gỗ, Phố Huế đều do những người thợ may Trạch Xá làm chủ. Theo giới thiệu của ông Đạt, chúng tôi đến cửa hàng may áo dài Vĩnh Hào (82 Cầu Gỗ, Hà Nội). Theo chị Nguyễn Thanh Bình, chủ cửa hiệu áo dài Vĩnh Hào thì cho biết gia đình nhà chị đã có 70 năm làm nghề may áo dài từ thời các cụ trong nhà để lại, được bố truyền nghề từ nhỏ nên đến nay chị vẫn làm đúng những kỹ thuật tạo ra nét riêng của áo dài Trạch Xá cho khách đặt. Có những khách đến đặt may chị chỉ cần nhìn dáng người là xem được kiểu dáng nào phù hợp với họ. Đây cũng là điều giúp cửa hàng của nhà chị vẫn được nhiều khách tìm tới đặt may trong xu thế ngày càng nhiều cửa hàng áo dài xuất hiện ở Hà Nội.

Bằng việc duy trì làng nghề truyền thống và phát triển các cửa hiệu rộng trên các khu phố trong trung tâm Hà Nội, các sản phẩm áo dài Trạch Xá đã được khách tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh...ưa chuộng, ngoài ra cũng đã được xuất khẩu tới các thị trường quốc tế một số nước như Mỹ, Úc, Thái Lan, Thụy Điển…/.

Bài: Ngân Hà - Khánh Long


Top