Văn hóa

Thủ tướng yêu cầu đóng cửa rừng Tây Nguyên

Trước tình trạng rừng đại ngàn Tây Nguyên đang “chảy máu”, suy giảm, kiệt quệ do nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, làm thủy điện… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên nhằm cứu lấy“lá phổi xanh” của vùng đất chiến lược này.
Bảo vệ rừng là một yêu cầu không thể trì hoãn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở Tây Nguyên, rừng có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng không những cho nội vùng mà còn chi phối rất lớn đến nguồn nước, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Tài nguyên rừng còn gắn với không gian văn hóa, sinh tồn của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Tuy nhiên, liên tục những năm gần đây, Tây Nguyên thường xuyên phải đối mặt với nạn hạn hán khốc liệt và đang ngày càng trở nên gay gắt. Cả không gian kinh tế và văn hóa của Tây Nguyên cũng vì thế mà đang bị thu hẹp lại theo từng cánh rừng bị mất.



Rừng Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, thậm chí là biến mất
trước sự tàn phá khủng khiếp của con người. Ảnh: Nguyễn Luân



Rừng phòng hộ ở Kon Tum bị người dân đốt phá để làm nương rẫy. Ảnh: Quang Thái


Rừng phòng hộ ở Kon Tum bị khai thác gỗ trái phép. Ảnh: Quang Thái



Những cánh rừng khộp ở Tây Nguyên xơ xác trong mùa khô hạn. Ảnh: Nguyễn Luân

Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép xảy ra nghiêm trọng trong những năm gần đây. Năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 6.034 vụ vi phạm, tăng 463 vụ so với năm 2014 (tương ứng 8,3% số vụ). Và ngay trong 5 tháng đầu năm 2016, các lực lượng cũng đã phát hiện và xử lý 1.724 vụ.
Tình trạng “chảy máu” rừng đại ngàn Tây Nguyên được xác định là do nạn phá rừng, là do các dự án núp bóng việc chuyển đổi rừng nghèo để trồng cây công nghiệp nhưng thực chất là phá rừng lấy gỗ, do các dự án thủy điện, do di dân tự do phá rừng làm nương rẫy…

Mới đây, khi làm việc với 5 tỉnh miền núi Tây Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên đã ở mức hết sức nghiêm trọng, gây mất đa dạng sinh học, đe dọa trực tiếp đến biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên, nếu không chấn chỉnh, rừng Tây Nguyên sẽ kiệt quệ, gây hậu quả khôn lường.

Phân tích các nguyên nhân và giải pháp mang tính lâu dài, Thủ tướng cũng cho rằng, sở dĩ việc mất rừng diễn ra tương đối phổ biến là do tình trạng rừng còn “vô chủ” cùng với hiện tượng tiêu cực tham nhũng trong một bộ phận cán bộ chức năng.

Trước tình trạng đó, để cứu lấy rừng Tây Nguyên, Thủ tướng đã phải tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác; không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. Đồng thời, nhằm tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” trong công tác quản lý, bảovệ và phát triển rừng, Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên phải giao trực tiếp nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, xã trên địa bàn, cũng như phải làm rõ trách nhiệm của từng cán bộ phụ trách trên mỗi địa bàn.

Không những thế, Thủ tướng còn quyết liệt yêu cầu đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, sắp xếp lại các nông, lâm trường để đảm bảo đất rừng có chủ,ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đất rừng; dừng hoạt động các dự án không trồng rừng thay thế, không chi trả chi phí bồi thường đất rừng và rừng...



Tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó
với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đóng cửa rừng
để cứu rừng Tây Nguyên thoát khỏi tình trạng suy kiệt như hiện nay. 
Ảnh: Thống Nhất


Nhân viên Khu bảo tồn loài thông nước (thủy tùng) quý hiếm ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk 
gắn biển cảnh báo cháy để bảo vệ rừng. Ảnh: Dương Giang



Khu bảo tồn loài thông nước (thủy tùng) quý hiếm ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk 
 gia cố hệ thống hàng rào kẽm gai để bảo vệ rừng. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị,cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bềnvững, phấn đấu đến 2020 nâng tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên lên 59%.

Có thể nói, đây thực sự là một quyết định “cứu sống” rừng Tây Nguyên, và cũng là điều người dân Tây Nguyên trông chờ Chính phủ đã lâu./.




Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến cuối năm 2014, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên là 3.354.194ha, trong đó đất có rừng giảm 180.000ha so với năm 2010.


 
Thực hiện: TTXVN/Báo ảnh Việt Nam


Top