Tin tức

Thủ tướng Đức nêu trọng tâm giải quyết khủng hoảng người tị nạn

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Quốc hội Đức. (Nguồn: AFP)
Ngày 17/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Đức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), đề cập ba vấn đề lớn đang được dư luận quan tâm là cuộc khủng hoảng người tị nạn, quy chế thành viên của Anh trong EU và tình hình Syria.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, về cuộc khủng hoảng người tị nạn, Thủ tướng Merkel gọi đây là một phép thử lịch sử của châu Âu, đồng thời lên tiếng bảo vệ chính sách hiện nay đang được thực thi nhằm giảm lượng người tị nạn vào châu Âu. Bà nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng của giải pháp, gồm giải quyết nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân bỏ tổ quốc đi chạy nạn, tái thiết lập khu vực biên giới ngoài EU và điều chỉnh việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn trong EU.

Thủ tướng Merkel cũng cho biết Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 18-19/2 sẽ chưa quyết định về vấn đề phân bổ lại hạn ngạch trong bối cảnh việc thực thi phân bổ 160.000 người tị nạn hiện nay chưa được thực thi. Vấn đề sẽ được tập trung thảo luận là kế hoạch hành động EU-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết một cách toàn diện các nguyên nhân gây ra dòng người tị nạn và bảo vệ biên giới ngoài EU.

Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh mục tiêu chung là giảm rõ rệt và lâu dài lượng người tị nạn, qua đó có thể giúp đỡ tốt hơn cho những người thực sự cần được bảo vệ. Bà cảnh báo những hậu quả của việc đóng cửa biên giới với Hy Lạp và Macedonia, đồng thời bày tỏ vui mừng khi có tới "90% dân số Đức ủng hộ việc tiếp nhận và bảo vệ những người phải chạy nạn do khủng bố, chiến tranh hoặc bị truy bức."

Liên quan vấn đề Syria, Thủ tướng Merkel đánh giá tình hình nhân đạo tại nước này là "quá sức chịu đựng" và tái đề nghị thiết lập một vùng cấm bay ở Syria nhằm bảo vệ và giúp ổn định những người phải chạy lánh nạn.

Trước những đề nghị cải cách EU của Anh, bà Merkel nhận định nhiều đề xuất của London là hợp lý và khả thi, không chỉ vì lợi ích cá nhân của Anh. Đó là những mong muốn châu Âu tăng cường khả năng cạnh tranh, minh bạch hơn cũng như những đề nghị không phân biệt đối với các nước ngoài Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Bà Merkel cũng ủng hộ cả yêu cầu cải cách hệ thống phúc lợi trong EU, cho rằng mỗi nước thành viên đều có quyền bảo vệ hệ thống xã hội của mình. Tuy nhiên, bà bảo vệ cho nguyên tắc tự do đi lại trong EU./.
 
TTXVN/VNP


Top