Kinh tế

Thế giới đánh giá cao tăng trưởng thương mại của Việt Nam

Trong bối cảnh bức tranh thương mại toàn cầu đang mang màu sắc ảm đạm với mức tăng trưởng giảm sút thê thảm, thì thành tích tăng trưởng thương mại của Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức thương mại lớn trên thế giới đánh giá cao.
Trong Báo cáo “Thương mại Thế giới 2015 và Triển vọng 2016” vừa công bố, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nêu rõ, Việt Nam là nước duy nhất đạt thành tích tăng trưởng xuất-nhập khẩu ấn tượng trong năm 2015.

Trên cơ sở phân tích thành tích của 30 nền kinh tế xuất-nhập khẩu hàng đầu thế giới là thành viên của WTO, Báo cáo đã cho thấy không có quốc gia nào có kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất-nhập khẩu trong năm ngoái cao như Việt Nam.

Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái đạt 162 tỷ USD, tăng 7,9%. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á này cũng tăng 12,3% lên 166 tỷ USD. Trong khi đó, các nền kinh tế xuất-nhập khẩu khác như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy lại giảm kim ngạch trao đổi thương mại với các nước khác. Trên thực tế, báo cáo đã phác họa một bức tranh đáng thất vọng về thương mại toàn cầu trong năm 2015, với thương mại toàn cầu giảm 13,2% xuống chỉ còn 16.500 tỷ USD.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo đối thoại với Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Những thế mạnh giúp kinh tế Việt Nam phát triển chính là vị thế địa lý trong khu vực Đông Nam Á rất năng động; dân số Việt Nam trẻ, sáng tạo, có trình độ học vấn cao. Đây chính là những yếu tố thúc đẩy công nghiệp phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo.
ông Nabil Jijakli, chuyên gia kinh tế thuộc Tập đoàn bảo hiểm CREDENDO của Bỉ
Trong năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 173 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Chỉ tiêu này không phải không khả thi, nhưng rất tham vọng. Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn kiềm chế thâm hụt thương mại ở mức giảm xuống còn 5%.

Một số chuyên gia kinh tế nước ngoài tin rằng Việt Nam có thể đang trên đường đạt những mục tiêu trên (mà họ cho là tham vọng) do Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại song phương. Những thỏa thuận đó sẽ mang lại một số nguồn đầu tư bổ sung cho Việt Nam, đồng thời mở ra các cơ hội thông thương xuất-nhập khẩu tự do hơn nhiều.

Việt Nam đang tìm cách phát huy tối đa lợi thế trong một số ngành công nghiệp và lĩnh vực sản xuất chủ chốt được đặc biệt quan tâm như điện tử, da giày, dệt may và trang sức. Trong lúc nhu cầu toàn cầu có phần yếu hơn bình thường do các điều kiện kinh tế suy giảm trên toàn thế giới, thì tăng trưởng trong những thị trường nói trên vẫn mạnh hơn so với các thị trường khác, tạo ra các cơ hội mạnh mẽ cho Việt Nam để đạt mục tiêu đầy tham vọng trên.

Phát biểu nhân chuyến thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevêdo đã cho rằng “Việt Nam đang đi đúng hướng” trong tiến trình hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại. 

“Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, cả trong lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội. Hàng triệu người đã thoát khỏi nghèo đói. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tại Châu Á. Nền kinh tế Việt Nam đang có vai trò trong khu vực và trên thế giới”, ông Roberto Azevêdo nhận xét.

Bên cạnh đó, mới đây, Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá rằng, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ nhu cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt. Theo đó, sau giai đoạn suy giảm năm 2012 và 2013, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trở lại, đạt mức 6% năm 2014 và tiếp tục tăng lên mức 6,7% năm 2015. 



Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, trong đó có lúa gạo. Ảnh: An Hiếu/TTXVN


Việt Nam đang tìm cách phát huy tối đa lợi thế trong các lĩnh vực sản xuất chủ chốt, trong đó có dệt may. Ảnh: Danh Lam/TTXVN


Năm 2015, Tổng cục Hải quan đưa vào hoạt động Trung tâm phân tích, phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu
đã góp phần tích cực vào việc chống gian lận thương mại, tạo môi trường bình đẳng trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN



Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu của Công ty RFTECH Thái Nguyên (100% vốn Hàn Quốc)
tại Khu Công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình, Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN



Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Bianfishco, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN


Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Cùng chung quan điểm, ông Nabil Jijakli, chuyên gia kinh tế thuộc Tập đoàn bảo hiểm CREDENDO của Bỉ đã đưa ra nhận xét rằng, kinh tế Việt Nam phát triển rất tích cực trong những năm qua, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trên 6% là niềm mơ ước của nhiều quốc gia phương Tây. 

Theo chuyên gia này, những thế mạnh giúp kinh tế Việt Nam phát triển chính là vị thế địa lý trong khu vực Đông Nam Á rất năng động; dân số Việt Nam trẻ, sáng tạo, có trình độ học vấn cao. Đây chính là những yếu tố thúc đẩy công nghiệp phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo. Ông Nabil Jijakli cũng cho rằng, môi trường đầu tư vào Việt Nam rất hấp dẫn, do đó các doanh nghiệp Châu Âu cần phải “chớp” cơ hội này vì quốc gia láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang đầu tư rất mạnh vào đây./.



 

“Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, cả trong lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội. Hàng triệu người đã thoát khỏi nghèo đói. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tại Châu Á. Nền kinh tế Việt Nam đang có vai trò trong khu vực và trên thế giới”.
Ông Roberto Azevêdo nhận xét.


 
Thực hiện: TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Những năm gần đây đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cần những sản phẩm chế biến nhanh, đảm bảo dinh dưỡng và tiện lợi trong sống. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần chuyên nghiệp hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp mang lại một phong cách tiêu dùng mới: nhanh, ngon, chất lượng.

Top