Tiêu điểm

Thành công của AMM 49

Dù vẫn có những khác biệt, nhưng cuối cùng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) vẫn ra được Tuyên bố chung, điều này khẳng định lập trường rất quan trọng của ASEAN trong các vấn đề lớn, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Từ ngày 24 đến 26/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) và các Hội nghị liên quan đã diễn ra tại Vientiane (Lào). Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của ASEAN diễn ra sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện ở Biển Đông. Vì vậy, vấn đề Biển Đông tiếp tục trở thành chủ đề nóng tại các Hội nghị lần này, và nó cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.

Có thể thấy, tại Hội nghị lần này, vấn đề Biển Đông đã được nhiều nước chia sẻ lo ngại về những diễn biến gần đây và đang diễn ra, trong đó có việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa. Các nước nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC). Một số nước nêu quan điểm về vụ kiện trước Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. 


Lễ khai mạc AMM 49 tại Vientiane (Lào). Ảnh: AFP/TTXVN


Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc AMM 49. Ảnh: AFP/TTXVN


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Mặc dù có những khó khăn nhưng cuối cùng AMM 49 cũng đã ra được Tuyên bố chung. Đặc biệt, nội dung Tuyên bố có một phần riêng về Biển Đông, trong đó bày tỏ hết sức quan ngại về những diễn tiến gần đây cũng như hiện nay tại Biển Đông và ghi nhận những quan ngại của một số Bộ trưởng về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực, điều đang gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.

Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua khu vực bên trên Biển Đông; tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm việc thay đổi hiện trạng mà có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong khi nhấn mạnh việc thúc giục các bên làm việc hiệu quả và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bao gồm cả việc tăng cường các cuộc gặp thường xuyên của các quan chức ASEAN và Trung Quốc và cuộc gặp của Nhóm làm việc chung về việc thực hiện DOC.


Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á lần thứ 6 (EAS 6).
Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Hoa Kỳ. Ảnh: EPA/TTXVN


Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN


Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Nhật Bản. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nhận xét về vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, dù vẫn có sự khác biệt, có những khó khăn, tuy nhiên các nước ASEAN vẫn ra được Tuyên bố chung của AMM 49, điều này khẳng định lập trường rất quan trọng của ASEAN trong các vấn đề lớn, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Ngoài ra, việc ASEAN ra Tuyên bố cũng khẳng định lập trường chung của Khối trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều phức tạp, cho thấy ASEAN nhận thức được phải cùng nhau thúc đẩy vai trò trung tâm để tăng cường đoàn kết, không phải tại hội nghị này mà cả các hội nghị trong thời gian tới.

Có thể nói, cùng với nhiều nội dung quan trọng khác, việc AMM 49 ra được Tuyên bố chung đã góp phần tạo nên thành công chung của Hội nghị lần này. Và trong đó có một phần không nhỏ những nỗ lực và đóng góp của Lào, nước Chủ tịch ASEAN năm nay.


Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Hoa Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc.
Ảnh: AFP/TTXVN


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
gặp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay nhân dịp tham dự AMM 49. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
gặp Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhân dịp tham dự AMM 49. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao,
Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi nhân dịp tham dự AMM 49.
Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN



 

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các Hội nghị liên quan có tổng cộng 16 Hội nghị cấp Bộ trưởng, gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các nước đối tác, đối thoại, và với các đối tác khác trong khuôn khổ của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ARF.


Thực hiện: TTXVN/Báo ảnh Việt Nam




 

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top