Nghệ thuật

Sự “đối lập” trong tranh của Đủ và Tín

Không gian nghệ thuật tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh đưa công chúng đến một cuộc triển lãm chung độc đáo của Nguyễn Văn Đủ và Trần Nguyễn Trung Tín, giám tuyển bởi Nguyễn Như Huy với chủ đề “Khi Chất thể chống lại Mơ mộng; Nhục thể chống lại Vô nhiễm; Ý thể chống lại Vật chất - Các khả năng mới của tranh vẽ”.
Những tác phẩm của Nguyễn Văn Đủ và Trần Nguyễn Trung Tín mang phong cách riêng biệt thể hiện qua chất liệu cũng như không gian trưng bày. Nếu như tranh của Đủ trên vải canvas (vải bố) trong không gian rộng thì tranh của Tín sử dụng vải lụa trong không gian kín trong phòng. Cùng với đó, sự kết hợp cùng âm thanh sắp đặt nêu bật những ý tưởng cá nhân của hai tác giả.

Giám tuyển Nguyễn Như Huy đánh giá: “Đủ và Tín đã giới thiệu một cách tiếp cận khác cho tranh vẽ. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất chính là việc cả hai theo tôi đều đã vượt khỏi không gian của trận chiến hiện đại truyền thống, “ta” và “họ” của tranh vẽ để dấn bước xa hơn vào việc tạo ra các khả năng biểu đạt thị giác mới mẻ”.



Đông đảo người xem đến tham quan triển lãm tranh của Nguyễn Văn Đủ
và Trần Nguyễn Trung Tín tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory.


Nghệ sĩ Trần Nguyễn Trung Tín, tác giả những bức tranh lụa trưng bày tại triển lãm.


Không gian trưng bày tranh của Trần Nguyễn Trung Tín.


Những tác phẩm trên lụa của Trần Nguyễn Trung Tín trưng bày trong không gian nhỏ
trên nền âm thanh nhẹ nhàng, gợi cảm giác siêu thực.


Mỗi tác phẩm của Trần Nguyễn Trung Tín là một câu chuyện tưởng tượng của anh.


Nghệ sĩ Nguyễn Văn Đủ giới thiệu về tác phẩm của mình.


Trải nghiệm không gian trong lò mổ qua tranh của Nguyễn Văn Đủ.


Không gian trưng bày tranh của Nguyễn Văn Đủ.


Hình ảnh trong lò mổ được tái hiện sống động qua tranh của Nguyễn Văn Đủ.

Thực tế, giữa Tín và Đủ có nhiều điểm đối lập nhau không chỉ về chất liệu sử dụng mà cả về ý niệm hay nội dung tác phẩm. Việc để hai nghệ sĩ triển lãm chung với nhau được coi là chiến thuật của giám tuyển Nguyễn Như Huy, qua đó tìm cách nhìn rõ và tường giải các khả năng biểu lộ khác của tranh vẽ vào thời điểm dường như đang có cái gọi là sự phục sinh của tranh vẽ tại Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ 21.

Những tác phẩm của Nguyễn Văn Đủ thể hiện trên canvas đều có khổ lớn diễn tả những cảnh mang tính trực quan sinh động về các lò mổ ở ngoại ô Tp. Hồ Chí Minh. Đây là những câu chuyện có thật mà tác giả trực tiếp chứng kiến, trải nghiệm và cảm nhận được để thể hiện vào tác phẩm của mình dưới từng nét vẽ điêu luyện.

Nguyễn Văn Đủ chia sẻ, từ năm 2012, anh đã vẽ tranh tại các sạp bán thịt trên đường phố. Ở đó, anh nghĩ đến chết chóc và sự sống. Rồi anh đi vào các lò mổ, vào mỗi đêm cho đến khi trời vừa sáng là lúc các loại gia súc được giết thịt trước khi đem đi tiêu thụ.

Tại lò mổ, Nguyễn Văn Đủ đẩy sâu về ý tưởng, về đạo đức. Anh ấn tượng trước cảnh giết thịt, máu động vật chảy và được xả ra, những cảnh bạo lực… Anh nghĩ đến sự sáng tạo về loạt tranh được sử dụng chất liệu vẽ từ chính máu của con bò bị giết thịt trong các lò mổ. Sử dụng chính máu động vật để tái hiện lên những hình ảnh của động vật khi bị “hóa kiếp”…

Những bức tranh của Đủ về lò mổ tạo nên ấn tượng thực sự mạnh cho công chúng bởi chất liệu bằng máu trên canvas, gam màu nóng trong một khung cảnh hỗn độn về “nhục thể”, gợi cho công chúng nhiều suy nghĩ về cuộc sống luôn tồn tại sự sống và cái chết. Những hình ảnh bạo lực, máu me… lại là nguồn thực phẩm nuôi sống hàng triệu con người, và cách mà con người đã tồn tại bởi những sinh vật được “hóa kiếp” như thế…


Những tác phẩm bằng máu bò trên canvas của Nguyễn Văn Đủ:












Gần như ngược lại, những tác phẩm trên lụa của Trần Nguyễn Trung Tín lại có khổ nhỏ, trưng bày trong không gian nhỏ trên nền âm thanh nhẹ nhàng, gợi cảm giác siêu thực cho công chúng.

Không gian ở đây như “vô nhiễm” với thế giới bên ngoài. Theo Tín, mỗi tác phẩm là một câu chuyện tưởng tượng của anh, với suy nghĩ biết rõ về bản thân mình, về những sự kiện đã ảnh hưởng đến mình trong quá khứ.

Anh chồng 3 lớp lụa lên để vẽ lên nhằm lột tả con người theo từng lớp trong nhân vật, mỗi lớp không giống nhau theo từng nghĩa khác nhau của mỗi nhân vật. Không gian triển lãm trên nền âm thanh nhẹ nhàng, mộng mơ, siêu thực như đưa công chúng vào một thế giới khác.


Những tác phẩm trên lụa của Trần Nguyễn Trung Tín:


















Theo giám tuyển Nguyễn Như Huy, Nguyễn Văn Đủ và Trần Nguyễn Trung Tín đều là những họa sĩ đầy tiềm năng, những người coi hội hoạ như một cuộc thám hiểm và tiếp cận hội hoạ bằng các phương thức độc đáo khác nhau.

Công chúng đến với triển lãm các tác phẩm của Nguyễn Văn Đủ và Trần Nguyễn Trung Tín đều bày tỏ sự thán phục trước sự sáng tạo độc đáo của hai nghệ sĩ trẻ.

“Các tác phẩm của Đủ và Tín đều hấp dẫn người xem bởi những giá trị nội dung và nghệ thuật theo phong cách riêng đặc biệt. Những ý niệm, nội dung trong tranh của Đủ và Tín đều phản ánh nhiều nét đối lập, ở đó, người xem có thể có được những suy nghĩ mới mẻ trong cuộc sống đời thường…”, anh Nguyễn Vân ở quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh cảm nhận./.

 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Điện Biên vẫy gọi – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Top