Tiềm năng địa phương

Quả ngọt từ những vụ cây trồng mới

Chỉ hơn chục năm trước, huyện Ba Vì (Hà Nội) là vùng đất đồi gò khô cằn, cỏ dại còn khó mọc. Thế nhưng, từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp từ chương trình Nông thôn mới, Ba Vì được biết đến là một trong những vùng trồng cây ăn quả có năng suất cao của Hà Nội.
Về Ba Vì vào những ngày đang vào đợt cao điểm phát động chiến dịch Nông thôn mới năm 2017, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với màu xanh mơn mởn của hoa trái.

Đứng trước vườn cây trĩu quả rộng hơn 12 ha đang chờ ngày thu hái của gia đình ông Chu Trọng Nhung và bà Phùng Thị Thơ tại thôn Vật Lại, xã Vật Lại, chúng tôi như lạc vào một vùng miệt vườn của đất Phương Nam. Để có thành quả như ngày hôm nay, bà Thơ nhớ lại, khi địa phương có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ nông nghiệp, gia đình đã mạnh dạn nhận thầu 12 ha đất đồi trống cằn cỗi theo hình thức khoán 50 năm với suy nghĩ “người yêu đất, đất không phụ người”. Từ đó, ông bà Thơ quyết tâm mày mò, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình kinh tế trang trại điển hình khác trong huyện.

“Ban đầu gia đình tôi trồng đậu xanh, rồi lại trồng củ đậu để lấy tiền trả cho nhân công, lấy tiền chăm bưởi, nhãn... Từ hình thức lấy cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày mà chúng tôi mới phát triển vườn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP như ngày hôm nay”, ông Nhung cho biết.



Một góc vườn cây ăn quả ở xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội. Khoảnh đất hoang vu này trước kia
được người dân ví là khu đất “cỏ không mọc được”  mà giờ  là một khu vườn có hơn 5000 gốc cây ăn quả.


Người dân Vật Lại sử dụng những cách thức canh tác mới phù hợp với việc trồng cây trên diện rộng.
Hệ thống tưới tiêu đã được tự động hóa để giảm thiểu sức lao động.


Nhiều vườn cây trái ở Vật Lại áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt nhằm tạo ra sản phẩm hoa quả sạch, an toàn.
Bà con nông dân nơi đây đã dùng phương pháp thủ công bắt công trùng hại hoa trái,
ít dùng thuốc bảo vệ thực vật để cho sản phẩm nông sản sạch.


Người Vật Lại trồng nhiều loại cây trái trên cùng một thửa đất cho trái bốn mùa.


Những luống cây ăn quả được những người nông dân Ba Vì chăm sóc rất cẩn thận
nhằm cho ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.


Những luống dứa ngút tầm mắt ở Vật Lại. Do có thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp,
dứa trồng trên vùng dất này nổi tiếng thơm ngon.


Vùng đất Vật Lại xanh ngắt bởi mầu những vườn cây trái.


Ông Bùi Văn Nghiệp (62 tuổi) ở xã Vật Lại đang thu hoạch vụ nhãn lồng vào tháng 8.


Những trái nhãn thơm ngon của vùng đất ven đô Vật Lại.


Niềm vui của những người nông dân Ba Vì trong ngày gặt hái những thành quả sau một vụ mùa vất vả.

Hiện, mô hình vườn cây ăn quả của ông Chu Trọng Nhung trồng hơn 1.000 gốc bưởi Diễn, 1.000 gốc nhãn, 600 cây mít, 3000  gốc dứa và 1.000 m2 chuồng trại nuôi lợn rừng, 800 gà thả đồi, cho tổng doanh thu 4,5 - 5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí bình quân thu nhập đạt hơn 2 tỷ đồng/năm.

“Mô hình trồng cây ăn quả thành công trên đất đồi gò của gia đình ông Chu Trọng Nhung – bà Phùng Thị Thơ được nhiều hộ gia đình trong huyện đã học tập và mở rộng canh tác cây ăn quả tại vườn, cho thu nhập cao”.
(Ông Ngô Viết Hà, Chủ tịch
Hội nông dân xã Vật Lại)
Các loại quả của vườn nhà ông Nhung như bưởi Diễn, nhãn Hương Chi, dứa có giống từ Suối Hai đã được cung ứng đến thị trường Hà Nội trong các kỳ hội chợ xúc tiến nông sản. Bên cạnh đó còn cung cấp cho các doanh nghiệp bán lẻ như Vinmart (tập đoàn VINGROUP) để cung ứng cho thị trường cả nước.
 
Bên cạnh những cây trồng mới như bưởi Diễn, nhãn Hương Chi, ổi Đài Loan… thì những cây trồng truyền thống như dứa, chuối, táo vẫn được huyện Ba Vì chú trọng phát triển  và mang lại nguồn thu hiệu quả của người nông dân.

Chuối, táo, dứa ở Ba Vì được người dân vùng đồi gò trồng từ nhiều năm trước. Trong tổng số hơn 100ha dứa trên địa bàn Ba Vì thì Xí nghiệp dứa Suối Hai có khoảng 30ha, ngoài ra cây dứa còn phân bố tại các vùng trồng tại xã Vật Lại, Cẩm Lĩnh …Dứa Vật Lại có ưu điểm quả rắn chắc, mắt to cho chất lượng ngọt thơm. Dứa được mang đi bán lẻ tại các chợ, giá lên tới 9.000 đồng/quả. Trong năm, nhờ trồng dứa 2 vụ sẽ mang lại thu nhập cho người dân gần 200 triệu đồng/ha/năm.

Đối với táo và chuối, những cây trồng truyền thống trên địa bàn huyện Ba Vì thường trồng tập trung ở các xã ven sông, điển hình như tại HTX Nông nghiệp Thuần Mỹ. Trên địa bàn Thuần Mỹ hiện có khoảng 40ha chuối tiêu hồng và táo.

Được biết, Thuần Mỹ là một trong những xã đầu thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới của huyện Ba Vì. Những vùng đất bạc màu, ruộng đồng manh mún, thiếu nước sản xuất trước kia cũng được đổi thay bằng những vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Về xã Thuần Mỹ những ngày này, những vườn chuyên canh các loại cây như chanh đào, ổi, nhãn… xanh mướt mắt. Thu nhập từ cây ăn quả đem lại cho người dân nơi đây bình quân đạt 26-32 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, bên cạnh thu nhập tăng, cái được lớn nhất từ việc thực hiện dồn điền đổi thửa và xây dựng nông thôn mới tại Thuần Mỹ là đã hình thành một tư duy sản xuất mới cho bà con, hướng đến nông thôn mới bền vững./.
 
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Việt Cường

 


Top