Khám phá

Nhà thơ đạt nhiều kỷ lục Việt Nam

Phạm Thiên Thư là người Việt Nam đầu tiên viết từ điển cười bằng thơ và cũng là người thi hóa Kinh Hiền Ngu theo thể thơ lục bát. Năm 2009, với tác phẩm “Kinh Hiền” ông được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Người thi hóa Kinh Hiền Ngu theo thể thơ lục bát dài nhất Việt Nam” với 12.000 câu.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long sinh năm 1940 tại Lạc Viên, Hải Phòng trong một gia đình có mẹ làm nghề đông y gia truyền, cha là tài tử văn chương. Ông chia sẻ: “Tôi theo nghiệp thi ca từ nhỏ, ba, bốn tuổi đã thích thơ và nhiều lần ứng khẩu thơ với cha." Tới năm 13 tuổi, ông bắt đầu làm thơ, học võ để trở thành võ sư và đặc biệt rất thích học Thiền…. Năm 1954, Phạm Thiên Thư chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, ông đi tu và học tại Trường Đại học Vạn Hạnh Phật học, rồi lại hoàn tục. Vì thế, ông có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật, điều này ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp sáng tác thi ca của ông .

Dù xuất hiện trên văn đàn Việt khá muộn với tác phẩm đầu tay “Thơ Phạm Thiên Thư” (1968) nhưng tên tuổi của ông nhanh chóng đi vào lòng người khi đạt giải nhất văn chương toàn miền Nam với 3289 câu thơ lục bát trong “Hậu Kiều Đoạn trường Vô Thanh” năm 1973. Sau đó, ông nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh Điện công Phathata (viết tắt môn Pháp-Thân–Tâm) để chữa bệnh, cứu giúp người nghèo. Đồng thời, ông lần lượt ra mắt bạn đọc các tác phẩm mới: Kinh Ngọc (Thi hóa Kinh Kim Cương, 1970), Động Hoa Vàng (Thơ, 1971), Kinh thơ (Thi hóa Kinh Pháp Cú, 1973), Quyên từ độ bỏ thôn Đoài (Thơ, 1974), Kinh Hiếu (1974)…
 

Nhà thơ Phạm Thiên Thư với tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam: Từ điển Cười -Tiếu liệu pháp.


Tác phẩm “Từ điển Cười -Tiếu liệu pháp”  của Phạm Thiên Thư.


Kỷ niệm chương của Liên Hiệp Các Hội UNESCO Việt Nam tặng nhà thơ - kỷ lục gia Phạm Thiên Thư .


Điểm đặc trưng của tác phẩm “Từ điển Cười -Tiếu liệu pháp”
là hàng ngàn bài thơ đều được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt.

Năm 2000, Phạm Thiên Thư bắt đầu thực hiện những dự định viết “thơ khoa học” của mình. Ông cho rằng: “Thơ hay - Phải dày kinh nghiệm/ Phải chiếm cảm quan/ Phải san trí tuệ/ Phải để trong tâm/ Phải trầm trong nhạc/ Phải nạp trong tình/ Tụ hình nơi khoảng trống/ Để sống với tất cả…!”. Từ đó, ông bị cuốn theo tư duy mới, cuốn “Từ điển cười tiếu liệu pháp” được viết đúng nghĩa của nó với phần “từ điển” theo vần chữ cái từ A tới C và nội dung chủ đạo của mỗi bài thơ là cười để thư giãn bớt bệnh, tức lấy tiếng cười làm niềm vui để xua tan mệt mỏi, bệnh tật, nhất là “tâm bệnh”. Đây cũng là một phương pháp chủ đạo trong môn dưỡng sinh Phathata mà ông sáng tạo ra. Đó là “cái lạ” trong cách gieo “âm hưởng” từ ngữ rất riêng mà ông dành cả đời để hoàn thiện nó.

“Từ điển cười tiếu liệu pháp” được ông viết từ năm 2000 đến 2005 thì hoàn thành với 24.000 bài thơ tứ tuyệt tiếu liệu pháp, trong đó có 180 “kiểu chửi”, 200 “kiểu cười”, 53 “kiểu ăn” và hơn 200 “kiểu chết”… Mỗi bài là một câu chuyện ngụ ngôn, châm biếm nhẹ nhàng hay một bài học triết lí về nhân sinh quan sâu lắng bằng ngôn từ dung dị, dễ đọc, dễ hiểu và dễ thuộc. Trong lời giới thiệu cuốn sách, bác sĩ Trương Thìn - Chủ tịch Hội Đông y TP HCM đã viết: "Thiên Thư làm Y thơ tiếu liệu pháp khiến ai cũng cười, cười phá được khổ đau, cười òa trong giác ngộ...". Còn nhà thơ Phạm Thiên Thư khiêm tốn, tự nhận: “Luôn biết mình dốt (Socrat)/ Để gột tính kiêu (Phật)/ Để yêu như mới (Chúa)/ Để cởi mối hiềm (dân tộc)/ Để thêm tinh tiến/ Để biến vô thường/ Để đường thử thách/ Để mạnh dưỡng khí/ Để trí an lạc (Di Lạc) - nhằm “Cười vui đẩy lùi bệnh khổ”…”. Với nội dung độc đáo, sự nghiên cứu kỳ công và sự sáng tạo “dùng thơ chữa bệnh” rất mới mẻ, năm 2007, nhà thơ Phạm Thiên Thư trở thành thi sĩ đầu tiên của văn đàn Việt giành kỷ lục người Việt Nam đầu tiên biên soạn Từ điển cười bằng thơ.

Năm 2009, với tác phẩm “Kinh Hiền” ông còn được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Người thi hóa Kinh Hiền Ngu theo thể thơ lục bát dài nhất Việt Nam” với 12.000 câu. Trong sự nghiệp văn chương của mình, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã dịch 7 bộ Kinh Phật ra thơ, vì thế, ông được coi là "Người thi hóa kinh Phật" và là tác giả của hàng nghìn bài thơ phảng phất triết lý của nhà Phật. Nhiều tác phẩm của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và phổ biến trong công chúng: Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu... Mới đây, ông còn dịch “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thành thơ lục bát trong tác phẩm “Hát ru Việt sử thi” năm 2011. Đầu năm 2013, nhà thơ Phạm Thiên Thư xuất bản thêm tác phẩm “Từ điển đời – tiếu liệu pháp” - tức dùng thơ để cười cái sự đời để bệnh thuyên giảm, tương tự như “Từ điển cười” trước đó. Ngoài “Huyền ngôn xanh” đã xuất bản, từ năm 1975 - 1977 ông còn sáng tác 50.000 câu tân ngôn nhưng vẫn nằm ở dạng bản thảo.
 

Nhà thơ Phạm Thiên Thư yêu thích thiên nhiên, cây cỏ bởi đấy chính là nơi giúp ông cảm nhận vẻ thanh tịnh ở đời.

  Ông còn là người nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá môn dưỡng sinh Điện công Phathata
(Viết tắt là Pháp-Thân-Tâm) để chữa bệnh cứu giúp người nghèo.


Nhà thơ Phạm Thiên Thư ký tặng độc giả tập thơ “Hát ru Việt Sử Thi” của mình.
 
Giờ đây, tuy sức khỏe đã giảm sút khá nhiều nhưng hàng ngày tác giả “Ngày xưa Hoàng Thị” vẫn miệt mài ngồi dưới gốc cây gần nhà để sáng tác thơ ca, tâm tình chuyện đời, chuyện nghề và chữa bệnh miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu. Ông luôn mơ về một “Thế giới đại đồng” trong văn chương và trong các bài tập Phathata. Hiện ông là cố vấn văn hóa, văn nghệ và sức khỏe của Trung tâm UNESCO Văn hóa Thông tin Truyền thông thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Có thể nói, nhà thơ Phạm Thiên Thư luôn mang đến cho người đời những sáng tác bất ngờ, thú vị. Thi ca của ông giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới về tôn giáo, tình yêu, thiên nhiên…bình dị mà sâu lắng đến lạ./.
Bài: Đỗ Văn - Ảnh: Nguyễn Luân

Bài: Đỗ Văn - Ảnh: Nguyễn Luân và Tư liệu

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top