Chân dung

Người thầy của những kình ngư khuyết tật

Với mong muốn có những điểm học bơi miễn phí cho người khuyết tật ở Thành phố Hồ Chí Minh, Huấn luyện viên (HLV) Đổng Quốc Cường đã thành lập ra Câu lạc bộ (CLB) Bơi khuyết tật Tp. Hồ Chí Minh năm 1999. Đây không chỉ là nơi để nuôi dưỡng niềm đam mê bơi lội mà đã trở thành bệ phóng giúp nhiều người khuyết tật trở thành vận động viên tài năng của Đội tuyển Quốc gia.
Thỏa niềm đam mê bơi lội của người khuyết tật
Từng là kiện tướng bơi lội có tiếng ở miền Bắc thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, ông Đổng Quốc Cường (quê gốc Hà Nội) được trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh mời làm giảng viên bộ môn bơi lội vào năm 1977. Một lần, HLV Đổng Quốc Cường đang dạy bơi ở hồ bơi Cung văn hóa Lao động (Quận 3), ông thấy có một số người khuyết tật bán hàng rong đứng cạnh hàng rào, bãi giữ xe cạnh hồ bơi, xem những người bình thường đang bơi dưới nước với ánh mắt thèm muốn. Ông được biết, họ rất muốn bơi lội nhưng vì hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, lại bị khuyết tật cơ thể nên chỉ đành đứng nhìn từ xa.

Những ánh mắt đó đã ám ảnh ông và thôi thúc ông phải làm điều gì đó giúp những người khuyết tật. Ông đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Bơi khuyết tật Tp. Hồ Chí Minh vào năm 1999 để các em khuyết tật có thể vào tập bơi miễn phí vào một số ngày, giờ cố định trong tuần. Thế là sau thời gian làm việc mệt nhọc, những người khuyết tật được đến hồ bơi tập bơi miễn phí dưới sự hướng dẫn tận tình của “thầy Cường”. Ban đầu chỉ có một số ít tập luyện, đến năm 2001, CLB được chuyển về hồ bơi quận Tân Bình, nơi có thiết kế thấp, lại được lắp đặt thêm lối đi dành cho xe lăn và người khuyết tật giúp họ có thêm điều kiện thuận lợi đến với hồ bơi.


Nhờ việc thành lập CLB Bơi khuyết tật Tp. Hồ Chí Minh, những người khuyết tật
đến thành phố mưu sinh có đam mê bơi lội có cơ hội được tập luyện miễn phí. Ảnh: Đặng Kim Phương


HLV Đổng Quốc Cường hướng dẫn học trò tập thể lực trong phòng tập tạ. Ảnh: Đặng Kim Phương


HLV Đổng Quốc Cường ân cần hướng dẫn chỉ bảo một học trò của mình. Ảnh: Đặng Kim Phương


Nụ cười vui vẻ của vận động viên bơi khuyết tật Nguyễn Quang Vương,một
học trò của thầy Cường, khi được thỏa đam mê bơi lội. Ảnh: Đặng Kim Phương


Những vận động viên người khuyết tật của CLB đang luyện tập bài bơi ngửa. Ảnh: Đặng Kim Phương


HLV Đổng Quốc Cường chia sẻ kinh nghiệm bơi lội với cô học trò Phạm Thị Của, VĐV từng phá 3 kỷ lục
tại 3 kỳ Paragames, được bầu chọn là VĐV xuất sắc năm 2004. Ảnh: Đặng Kim Phương


HLV Đổng Quốc Cường trao đổi với HLV Lê Thanh Huy, Phó chủ nhiệm hồ bơi Tân Bình,
người trực tiếp quản lý câu lạc bộ hiện nay. Ảnh: Đặng Kim Phương

Để nhiều người biết đến CLB, HLV Quốc Cường thường xuyên rong ruổi khắp các con phố ở Sài Gòn, ở đó, ông tìm gặp những người khuyết tật đang mưu sinh trên đường phố, bắt chuyện và tìm hiểu xem họ có yêu thích bơi lội không. Với những có mong ước được bơi lội, ông giới thiệu về CLB. Nhắc lại kỷ niệm, HLV Đổng Quốc Cường nhớ lại: “Ánh mắt thèm thuồng của các em nhìn vào hồ bơi đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó giúp các em, bởi tôi biết rằng các em có đam mê bơi rất lớn”.

Câu lạc bộ Bơi khuyết tật Tp. Hồ Chí Minh duy trì xuyên suốt từ đó đến nay, mặc dù sau này HLV Đồng Quốc Cường bận huấn luyện Đội tuyển Bơi khuyết tật Tp. Hồ Chí Minh và Đội tuyển Quốc gia từ năm 2011 nhưng đã có người học trò của ông, HLV Lê Thanh Huy thay ông tiếp tục việc làm đầy tính nhân văn.

Thầy và trò cùng chinh phục vinh quang
Theo HLV Đồng Quốc Cường, ông mở ra sân chơi này nhằm giúp người khuyết tật có đam mê bơi lội được xuống nước, thỏa niềm đam mê, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Thế nhưng, cũng từ lò luyện bơi này, nhiều bạn trẻ có năng khiếu  với sự dìu dắt của thầy Cường đã trở thành những vận động viên bơi khuyết tật cấp thành phố và đội tuyển quốc gia, sẵn sàng cạnh tranh với các kình ngư trên thế giới qua các Giải bơi lội quốc gia và quốc tế.

Hiện các kình ngư do ông huấn luyện đã đoạt được tới hơn 200 HCV trong nước và quốc tế trong đó có các học trò tiêu biểu như: Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thị Sari, Phạm Thị Của…, những VĐV đã liên tiếp lập những kỷ lục, đem lại vinh quang cho bản thân và nước nhà. Đặc biệt, kình ngư Võ Thanh Tùng từng nổi danh với kỷ lục 5 huy chương vàng tại ASIAN Paragames 2 năm 2014, giúp anh trở thành VĐV Khuyết tật số 1 châu Á. Mới đây, với việc duy nhất dành huy chương bạc ở nội dung bơi cho đội tuyển khuyết tật Việt Nam tại Rio Paralympic 2016 cũng là thành công lớn của thầy trò HLV Đồng Quốc Cường. Riêng HLV Đổng Quốc Cường đã vinh dự trở thành HLV xuất sắc nhất trong hai năm liên tiếp 2013, 2014.
    

HLV Đổng Quốc Cường và học trò cưng Võ Thanh Tùng (trái) tham gia một giải bơi lội quốc tế
tại thành phố  Funchal, Bồ Đào Nha, tháng 4/2016. Ảnh: Tư liệu



HLV Đổng Quốc Cường và các học trò
tại thành phố  Funchal, Bồ Đào Nha, tháng 4/2016. Ảnh: Tư liệu



HLV Đổng Quốc Cường và các học trò tại Rio Paralympic 2016. Ảnh: Tư liệu


HLV Đổng Quốc Cường và Đội tuyển khuyết tật Việt Nam trước khi lên đường tham dự Rio Paralympic 2016. Ảnh: Tư liệu

Nói về người thầy của mình, VĐV Phạm Thị Của, người học trò hơn 20 năm nay của thầy Cường chia sẻ: “Thầy Cường rất tâm lý và thương chúng tôi như con cái. Nhiều khi tập luyện mệt, chúng tôi lười quá không thèm tập nữa, thầy tận tình giải thích, động viên, khích lệ và mọi người hiểu ra để hăng say luyện tập”. Phạm Thị Của hiện là Kiện tướng Bơi lội khuyết tật Quốc gia, người từng giành 3 HCV, phá 3 kỷ lục tại 3 kỳ Paragames, được bầu chọn là VĐV xuất sắc năm 2004 và được thưởng huân chương lao động hạng 3.
    
Hiện nay, Đội tuyển Bơi lội khuyết tật TP. Hồ Chí Minh và Đội tuyển Quốc gia đều có những thành viên được đóng góp từ CLB Bơi khuyết tật Tp. Hồ Chí Minh do thầy Cường thành lập, trong đó có khoảng 100 VĐV đủ tiêu chuẩn đăng ký tham dự giải toàn quốc./.


 

Không chỉ là người thầy dạy bơi tâm huyết, hết mình vì học trò, HV Đổng Quốc Cường còn giúp các vận động viên khuyết tật, các học trò của ông nên duyên vợ chồng. Tính đến nay, ông đã mai mối và kết đôi thành công cho 11 cặp vợ chồng, được mọi người nói đùa là “ông mai” mát tay nhất làng bơi Việt Nam.

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Đặng Kim Phương & Tư liệu

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top