Văn hóa

Ngôi nhà của những người khuyết tật

Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Tp. Hồ Chí Minh đã đào tạo nghề cho hàng ngàn thanh niên khuyết tật để họ tự tin hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Nằm ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, ngôi trường đặc biệt này đi vào hoạt động năm 2006 với chức năng hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác.

Gắn bó với công tác thiện nguyện từ năm 2006 đến nay, bà Đinh Thị Hỏi, 
Giám đốc Trung tâm, là người đã dành rất nhiều tâm huyết với Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Tp. Hồ Chí Minh. Bà chia sẻ, các học viên vào đây được định hướng nghề nghiệp phù hợp để phát huy khả năng và sở trường của mình. Học viên khuyết tật được Trung tâm hỗ trợ tài liệu học tập và nguyên vật liệu thực hành trong thời gian học nghề. Đến với Trung tâm, các em được ăn, ở nội trú miễn phí.

Được biết, sau khi hoàn thành khóa học, Trung tâm sẽ giới thiệu cho các học viên việc làm tại các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn Thành phố và các tỉnh lân cận.


Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Tp. Hồ Chí Minh.


Bà Đinh Thị Hỏi, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Tp. Hồ Chí Minh.


Các học viên khuyết tật tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu tại thư viện của Trung tâm.


Giờ thực hành của lớp làm hoa đất sét.


Giáo viên tận tình chỉ bảo cho từng học viên.


Việc học nghề sẽ giúp cho học viên có cơ hội tìm được việc làm để nuôi sống bản thân.


Các học viên lớp tranh khắc gỗ chia sẻ kinh nghiệm trong giờ thực hành.


Tùy vào tình trạng sức khỏe, Trung tâm sẽ có sự định hướng nghề nghiệp phù hợp cho từng học viên.


Lớp đào tạo nghề may công nghiệp.


Lớp học tin học.


Một học viên trong giờ thực hành nghề kim hoàn.


Lớp học nghề chạm khảm gỗ mỹ nghệ.

Tùy vào thể trạng của các em học sinh, Trung tâm mở 12 cơ sở đào tạo nghề như: Điện - điện tử, hoa vải, hoa đất sét, kế toán, kim hoàn, massage cho người khiếm thị, may công nghiệp, sửa điện thoại di động, lớp vẽ, thêu tay, thêu mái, tin học văn phòng, tranh ghép gỗ…  Mỗi năm Trung tâm dạy khoảng 200 - 300 em học sinh khuyết tật.

Các học viên tại Trung tâm đến từ khắp các tỉnh trong cả nước như Bình Dương, Long An, Bình Phước, Bắc Cạn, Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh... Trong lớp học làm hoa đất sét, chúng tôi gặp em Nguyễn Thị Lệ Tuyền đang mải miết tạo hình từng cánh hoa. Tuyền vào Trung tâm đã được 3 năm, em bị khuyết tật đôi chân, phải ngồi xe lăn, nhưng bù lại em có đôi tay khéo léo để làm hoa đất sét và học vẽ. Giờ đây, Tuyền đã có thể làm được những giỏ hoa rất đẹp bằng đất sét hoặc vẽ những bức tranh đẹp.

Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay Trung tâm đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 2000 em khuyết tật. Đặc biệt, Trung tâm đã liên kết được với nhiều công ty, cơ sở kinh doanh nhận thu mua các mặt hàng do các học viên sản xuất. Nhờ đó các học viên luôn có công việc để thực hành trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, số tiền thu được từ các hoạt động này còn được Trung tâm dùng để mua dụng cụ học tập và trả lương cho các em. Đồng thời, cũng nhờ sự kiên kết này mà các công ty, doanh nghiệp đã tìm đến với Trung tâm để tuyển dụng người vào làm việc cho đơn vị mình. Nhờ đó, nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học nghề tại Trung tâm đã tìm được công việc phù hợp, ổn định để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình./.


Một số sản phẩm do các học viên của Trung tâm làm ra:


Sản phẩm điêu khắc gỗ mỹ nghệ.


Sản phẩm tranh thêu tay chữ thập.


Sản phẩm hoa đất sét nghệ thuật.


Các sản phẩm kim hoàn.

 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Lê Minh


Top