Tiềm năng địa phương

Nghề mộc Hòa Phong

Xã Hòa Phong (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) nổi tiếng với nghề mộc đã khẳng định được uy tín ở thị trường trong và ngoài nước. Ngoài sản xuất tại chỗ, nhiều chủ cơ sở của xã đã mở chi nhánh xưởng mộc tại các tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh… và cả ở các nước Lào, Trung Quốc để phát triển kinh doanh và sản xuất.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến một trong những cơ sở chế biến gỗ đầu tiên của xã Hòa Phong đó là gia đình anh Vũ Văn Công ở làng Muồng. Tính đến nay, anh Công đã theo nghề mộc được hơn 20 năm và là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề. Giữa thời buổi kinh tế khó khăn nhưng gia đình anh vẫn làm không hết các đơn đặt hàng.
 

Nghề mộc Hòa Phong hiện đang ngày một phát triển mạnh, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây...


  ...và cũng thu hút một lượng lớn trong và ngoài xã tới làm việc.


Anh Nguyễn Xuân Hinh làm sạch sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ sản xuất tại gia đình mình trước khi đem sơn.


Các sản phẩm mộc như bàn ghế của xã Hòa Phong hiện được xuất khẩu trong và ngoài nước.

Anh Vũ Văn Công cho biết, xã có nghề truyền thống là làm cày bừa nhưng quá trình cơ giới hóa nông nghiệp phát triển, nhu cầu sử dụng cày, bừa giảm mạnh. Bởi vậy, hơn chục năm trở lại đây, những người thợ làm cày bừa trong xã như anh đều phải tìm hướng đi khác cho mình. Đây chính là thời điểm mà nghề mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ bắt đầu “cắm rễ” tại đất Hòa Phong. Hiện nay, gia đình anh Công chủ yếu làm cầu thang gỗ, phục vụ cho các công trình công cộng và nhà dân. Xưởng gỗ của anh luôn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động trong xã.

Khi nghề mộc phát triển, tạo được công ăn việc làm ổn định cho một vài hộ dân ở làng, thì người dân ở những thôn khác trong xã bắt đầu đến học nghề tại làng Muồng. Nhưng điều đặc biệt của nghề mộc ở xã Hòa Phong này, theo như anh Công chia sẻ đó là người dân nơi đây vô cùng sáng tạo. Tuy cùng học nghề mộc nhưng mỗi người chủ, mỗi thôn lại đi sâu vào những lĩnh vực khác nhau của nghề mộc.

Điều đặc biệt là mỗi làng của xã Hòa Phong đều phát triển nghề mộc theo một thế mạnh riêng của mình như: làng Phúc Thọ với nghề mộc dân dụng, làng Phúc Miếu chuyên chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ, đồ thờ và các chi tiết, hoa văn ở các công trình… Anh Công chỉ cho chúng tôi đến cơ sở gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Nguyễn Văn Đủ nổi tiếng với nghề sản xuất những con giống, cây cảnh bằng gỗ vô cùng độc đáo.

Cơ sở chạm khắc gỗ của gia đình anh Đủ là một trong những cơ sở ở Hòa Phong được khách hàng trong, ngoài nước thường xuyên đặt hàng. Năm nay mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Đủ đã làm ông chủ một cơ sở sản xuất và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.
 
Một số sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng mộc Hòa Phong
 

  Từ đôi tay khéo léo, người dân Hòa Phong đã tạo ra những pho tượng gỗ sinh động.


Sản phẩm gỗ mỹ nghệ tinh xảo của làng mộc Hòa Phong.


Hình ảnh các con giáp trong năm được chạm khắc trên một thành phẩm gỗ.


Một bức tượng phật Di Lặc được chạm khắc sinh động.


Chiếc gạt tàn, sản phẩm gỗ mỹ nghệ của người dân xã Hòa Phong.


Sản phẩm gỗ mỹ nghệ mang hình ngựa.

Toàn xã Hòa Phong hiện có trên 100 xưởng mộc lớn nhỏ. Trong đó tập trung nhiều ở các thôn Vân Dương, Thuần Mỹ, Phúc Miếu và Hòa Lạc. Những cơ sở này đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.700 lao động với mức thu nhập từ 3 triệu - 10 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của Hòa Phong được người tiêu dùng đánh giá là rất tinh xảo và chất lượng./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trịnh Văn Bộ 


Top