Nghệ thuật

Nghe câu Ví, Giặm trên đất Sài thành

Khán giả đã đến đông kín Nhà hát Bến Thành, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh để được thưởng thức chương trình “Ân tình Ví, Giặm” của xứ Nghệ. Đây là hoạt động văn hóa nhằm chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Dân ca Ví, Giặm xuất phát từ sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, thể hiện rất rõ chất trữ tình, nhân văn. Mỗi câu hát dân ca, mỗi làn điệu Ví, Giặm luôn là sự lắng đọng của một triết lý sống, chất chứa yêu thương, hờn giận… Người dân xứ Nghệ vừa đi cấy, dệt cửi, trèo non, chèo đò, ru con, kéo lưới… tùy vào hoàn cảnh sinh hoạt và cuộc sống mà có cách đặt tên các làn điệu Ví, Giặm khác nhau như: ví phường rèn, ví đò đưa, ví phường củi cỏ, giặm Đức Sơn, giặm kể, giặm ru, giặm khuyên… Ví, Gặm đã trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.


Nhà hát Bến Thành (Tp. Hồ Chí Minh), nơi diễn ra chương trình "Ân tình Ví, Giặm".
 

Khán giả đến đông kín Nhà hát Bến Thành, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
để được thưởng thức chương trình “Ân tình Ví, Giặm” của xứ Nghệ.

 

Một tiết mục thể hiện đậm chất thôn quê xứ Nghệ.

 

Các nghệ sĩ đã chuyển tải những khúc dân ca Ví, Giặm đầy sâu lắng và cảm xúc.

 

Công chúng Sài thành thực sự bị cuốn hút bởi sức hấp dẫn của những làn điệu Ví, Giặm.

 

Ví, Giặm xứ Nghệ nổi tiếng với những làn điệu hát đối giữa nam và nữ.

 

NSND Hồng Lựu cuốn hút lòng người bằng tiết mục "Phụ tử tình thâm".

Những nghệ sỹ tên tuổi hát Ví, Giặm như NSND Hồng Lựu… cùng Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã tái hiện đậm nét văn hóa, con người, cuộc sống và tính cách của người nơi đây. Các tiết mục đặc sắc như: Phụ tử tình thâm, Duyên phường cấy, Đêm trăng Phường vải, Tình quê nón lá ... đã làm say đắm lòng người.

Cứ mỗi tiết mục diễn xong, những tràng vỗ tay dưới khán phòng lại vang lên không ngớt. NSND Hồng Lựu thể hiện “Phụ tử tình thâm” với những lời ca như khiến cho khán giả không khỏi xúc động nghẹn ngào.  Điệu Giặm vang lên lúc đằm thắm, thiết tha về tình cảm cha mẹ dành cho con, có khi lại sâu lắng, đong đầy qua khúc hát ru… thể hiện nhiều cung bậc tình cảm.

Đêm “Ân tình Ví, Giặm” có rất nhiều người quê ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang sinh sống và lập nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh đến xem. Anh Hoàng Oanh đã vào Sài Gòn lập nghiệp được 10 năm chia sẻ: “Đã lâu lắm rồi mình mới được nghe trực tiếp Ví, Giặm như thế này. Hồi bé mỗi lần đoàn văn công dân ca Nghệ An về xã biểu diễn là bà con đi xem rất đông. Hồi đó, NSND Hồng Lựu trẻ măng nhưng giọng hát thì đã rất hay rồi. Ví, Dặm ngấm vào mình như thế đó”.

Những điệu Ví, Giặm được các thế hệ xứ Nghệ tiếp nối nhau cho đến ngày nay và càng ngày có sức lan tỏa rộng lớn. Ví, Giặm đã từ làng quê, đồng ruộng, sân đình về với các sân khấu thành phố, để nhiều người và yêu hơn những làn điệu mượt mà dân ca xứ  Nghệ.

Nghệ nhân nhí đầy triển vọng Thanh Xuân đến từ Câu lạc bộ dân ca Ngọc Sơn (Thanh Chương - Nghệ An) với tiết mục “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy” cho thấy đã có thể tiếp bước cha anh, góp phần bảo tồn và phát huy Ví, Giặm... Có thể nói, đêm “Ân tình Ví, Giặm” đã để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng công chúng Tp. Hồ Chí Minh./.


Chương trình được dàn dựng công phu, hấp dẫn với nhiều hình ảnh đậm chất xứ Nghệ.
 

Giọng ca nhí đầy triển vọng Thanh Xuân với tiết mục "Công cha nghĩa mẹ ơn thầy".

 

Một tiết mục mang đậm chất hài dí dỏm của người xứ Nghệ.

 

Chất hài dí dỏm của người xứ Nghệ đã đem lại những tiếng cười sảng khoái cho người xem.

 

Ví, Giặm cũng có những làn điệu sâu lắng, tràn đầy cảm xúc.

 

Nét duyên của các cô gái hát dân ca xứ Nghệ.

Bài: Nguyễn Oanh - Bài: Nguyễn Luân

Điện Biên vẫy gọi – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Top