Khám phá

Náo nhiệt lễ hội đua ghe ngo ở Sóc Trăng

Hàng năm, cứ vào khoảng trung tuần tháng 10 âm lịch, lễ hội đua ghe ngo truyền thống sôi động, hấp dẫn trên dòng sông Maspero thuộc tỉnh Sóc Trăng lại thu hút hàng chục vạn đồng bào người Khmer và người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến cổ vũ và tri ân thần nước, thần đất.
Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer ở ĐBSCL có nhiều nghi thức như: thả đèn nước, đèn trời, đua ghe ngo trên sông… Qua đó, đồng bào Khmer muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với thần nước, thần đất và cầu xin sự tha thứ của các vị thần về những hành động của con người đã làm tổn hại đến đất, nước và môi trường…

Người Khmer quan niệm nước có vai trò đặc biệt quan trọng với đời sống con người. Sau một năm gieo trồng và khai thác đất đai, con người đã làm ảnh hưởng đến môi sinh nên phải cúng tạ tội với thiên nhiên. Ngoài các nghi thức được cử hành cùng với các tiết mục múa Rom vong, Rom kbách, Sava vanh... thì đua ghe ngo là môn thể thao được tổ chức với ý nghĩa đưa nước ra biển cả, trả nước về cho thần rắn Naya.
 

Người Khmer coi ghe ngo là bảo vật thiêng liêng của phum sóc, chỉ dùng tham gia các ngày lễ quan trọng như Oóc Om Bóc.


Nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ được biểu diễn tại Lễ hội.


Lễ hội thu hút hàng chục nghìn người trong và ngoài tỉnh đổ về thành phố Sóc Trăng theo dõi.


Không khí nhộn nhịp của các tay đua trước giờ tranh tài.


Các đội đua tập trung trên sông Maspero để chuẩn bị bước vào cuộc đua.


Các tay đua quay về vị trí để xuất phát.


Đua ghe ngo đòi hỏi cần có sự đồng lòng giữa các tay đua để bơi cùng 1 nhịp thì ghe mới chạy nhanh.


Trên mỗi ghe đều có ghe trưởng - là người hô hào và giữ nhịp bơi cho các tay đua.


Hai đội tăng tốc để về đích.


Niềm vui chiến thắng của một đội đua.


Các cổ động viên không còn chỗ đứng, nên phải lội ra 2 bên bờ sông, leo lên lầu, nóc nhà, cây cao… để reo hò, cổ vũ.


Đại diện các đội nhận lên nhận bằng khen của Ban tổ chức.

Ghe ngo là chiếc thuyền độc mộc có chiều dài 24m, ngang 1,2m; mũi và lái đều cong, được trang trí hoa văn truyền thống Khmer, đầu ghe vẽ hình con thú. Mỗi chiếc thường có trên 50 người, ngồi trước mũi là một vị chức sắc hay người có uy tín trong phum sóc, có kinh nghiệm đua ghe lâu năm.

Như thường lệ, năm nay, hàng chục nghìn khán giả từ khắp các tỉnh, thành ĐBSCL đã kéo về đứng đông nghịt hai bên bờ sông Maspero để cổ vũ cho các đội ghe. Và đặc trưng nhất cho không gian đua ghe ngo chính là là khung cảnh nhiều cổ động viên nhiệt thành ngâm mình dưới dòng Maspero nhiều giờ đồng hồ liên tục cổ vũ như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho đội nhà của mình.

Từ năm 2013, đua ghe ngo ở Sóc Trăng đã được nâng tầm thành Festival Đua ghe ngo nhằm tôn vinh nét độc đáo của hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer khu vực ĐBSCL nói chung. Festival Đua ghe ngo thể hiện sự gắn bó cộng đồng và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong khu vực ĐBSCL./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top