Nghệ thuật

Múa nón

Với việc kết hợp nhạc cụ âm nhạc dân tộc cùng ngôn ngữ hình thể của múa đương đại, đêm diễn “Nón” của hai nghệ sĩ Việt kiều trẻ Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang đã đem lại cho người xem nhiều trải nghiệm thú vị bằng sự sáng tạo nghệ thuật trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam.
Chia sẻ về ý tưởng nghệ thuật, biên đạo - diễn viên múa Vũ Ngọc Khải cho biết: “Khi có cơ hội được đi nhiều nước ở khu vực Á Đông, tôi thấy nón lá của Việt Nam khác biệt so với các nước khác và ấp ủ làm một chương trình nghệ thuật để quảng bá hình ảnh văn hóa. Rất may là tôi đã gặp nhạc sĩ Ngô Hồng Quang tại Tp. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2015 và chúng tôi đã thảo luận, quyết định thực hiện dự án và đặt tên chương trình là “Nón””.

Với việc nỗ lực tập luyện 10 tiếng/ngày trong vòng 10 ngày trước buổi diễn, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm thanh của nhạc cụ âm nhạc truyền thống Việt Nam trong dòng chảy thời gian của nghệ thuật múa đương đại.


Hình ảnh chiếc nón Việt Nam phủ trên không gian chơi nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Quang
tạo nên sự kì bí của sân khấu.



Chương 1 của vở múa có tên là Khởi nguồn với âm thanh của nhạc cụ truyền thống
kết hợp với các động tác múa của nghệ sĩ Võ Quang Khải thể hiện sự tĩnh lặng, hoang sơ và mênh mông. 



Với màu đỏ và trắng, nghệ sĩ muốn gửi gắm đến người xem sự hòa hợp âm dương.


Chương 2 có tên là Tương tác được hai nghệ sĩ kết nối và đồng điệu trong hành động.


Các động tác múa của chương 2 thể hiện tình yêu trời đất.


Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đàn tính cùng các điệu múa
làm cho khán giả đi qua các cung bậc cảm xúc khác nhau.



Ánh sáng tập trung vào phần múa của đôi bàn tay nghệ sĩ thể hiện sự giao thoa giữa âm và dương, giữa trời và đất.


Trong xã hội hiện đại của chương 3 nghệ sĩ thể hiện sự lắng nghe,
tiếng nói, cái nhìn và biến nó trở thành công cụ sống cho mình.



Chương cuối thể hiện tình yêu với trời đất, với thiên nhiên và con người.


Từng động tác của nghệ sĩ hòa cùng tiếng nhạc trong không gian tĩnh lặng của sân khấu.


Với ánh sáng ngược, các hành động của nghệ sĩ
thể hiện sự chịu áp lực về tâm lí quá lớn và muốn phá bỏ để làm lại từ đâu.


Đêm diễn “Nón” đã thực sự đưa khán giả thoả sức tưởng tượng đang được phiêu du cùng hành trình vòng tròn của chàng trai từ lúc sơ khai hòa mình sống đơn giản với tình yêu đất trời, đến lúc trưởng thành trong xã hội hiện đại với cảm thấy áp lực tâm lý quá lớn, với mong muốn được chia sẻ và cảm thông nên đã quay trở về cội nguồn nơi cha sinh mẹ đẻ. Nó cũng giống câu chuyện của hai nghệ sĩ Võ Quang Khải và Ngô Hồng Quang là những người đang sống ở CHLB Đức và Hà Lan, họ kết nối với nhau bởi cùng chung cách nhìn văn hóa Việt để trở về với truyền thống dân tộc để cảm nhận niềm vui và hạnh phúc mà thiên nhiên, đất trời quê hương mang lại.

“Khi sang sống và học tập tại Hà Lan, tôi lại càng thêm yêu Việt Nam mình hơn và càng mong muốn tìm tòi trong nghệ thuật để đưa những điểm đặc biệt nhất của dân tộc mình ra thế giới”- Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Quang chia sẻ về thông điệp mà dự án nghệ thuật “Nón” mong muốn gửi đến khán giả trong nước và quốc tế.

Được biết, ngoài đêm diễn tại Hà Nội, “Nón” sẽ được trình diễn với công chúng Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trước đó “Nón” đã được trình diễn cho 300 khán giả là tuỳ viên văn hoá, đại sứ trong sự kiện khép lại chương trình “Vì sự phát triển của châu Âu” tại Luxembourg (Vương quốc Bỉ)./.

 
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang


Top