Khám phá

Miếu Phù Châu trên dòng Vàm Thuật

Giữa bốn bề sông nước, miếu Phù Châu tồn tại hơn hai thế kỷ trên dòng Vàm Thuật là một công trình tín ngưỡng có kiến trúc đặc sắc với nét giao hòa giữa hai nền văn hóa Việt – Hoa. Miếu là một trong những địa điểm tham quan tâm linh nổi bật của Tp. Hồ Chí Minh.
Miếu Phù Châu còn có tên gọi khác là miếu Nổi, nằm trên cồn đất nhỏ có diện tích khoảng 2.500m2, được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 18. Miếu có vị thế độc đáo ở giữa dòng Vàm Thuật (xưa gọi Bến Cát), bên bờ Tây là khu dân cư (phường 5, Gò Vấp), bên bờ Đông là vùng chuyên canh (phường An Phú Đông, quận 12), nối liền hai bờ Tây và Đông là hai bến đò Miếu Nổi và Bến Cát. Điều đặc biệt là khu vực này đến nay vẫn còn lưu giữ được nét đặc trưng rất riêng của khung cảnh miệt vườn vùng đất Gia Định xưa.

Truyền thuyết kể rằng, vùng đất Gia Định hồi thế kỷ 18 vô cùng hoang sơ, dân cư thưa thớt. Vào đêm nọ, một người đàn ông làm nghề chài lưới vô tình vớt được xác người phụ nữ ở thượng nguồn trôi về bèn đắp mộ, thờ cúng cho oan hồn người đã khuất. Từ đó, ngư dân từ khắp nơi đi qua khúc sông này đều tới thắp hương, cầu phúc trước ngôi mộ với hy vọng sẽ có nhiều tôm cá, thuyền ghe thuận lợi đi về. Rồi mọi người trong vùng đã bảo nhau góp công của xây dựng ngôi miếu to hơn, đề phòng những lúc nước to, lũ lớn.


Miếu Phù Châu ban đầu làm bằng tre và lá dừa. Về sau, nhờ những nhà buôn ghé lại sửa sang nên dần dà ngôi miếu cứ rộng thêm ra. Thời gian trước năm 1975, miếu là một điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định. Đến năm 1989, một người Hoa tên Lục Câu sống tại địa phương đứng ra bỏ tiền và phát động mọi người sửa sang miếu. Hiện tại, sau nhiều lần trùng tu, Phù Châu miếu đã trở thành một ngôi miếu khang trang, kiến trúc đặc sắc với nét văn hóa Việt - Hoa pha trộn, là một trong những địa điểm tham quan nổi bật của Tp. Hồ Chí Minh.


Giữa bốn bề sông nước, miếu Phù Châu tồn tại hơn hai thế kỷ qua trên dòng Vàm Thuật
thực sự là một công trình tín ngưỡng có kiến trúc độc đáo của Tp. Hồ Chí Minh.


Phù Châu hiện ra trước mắt du khách với hình ảnh con rồng đắp nổi rất tinh xảo và sống động.


Ngay cổng vào là đôi rồng làm bằng đá cẩm thạch uốn lượn theo thế "song long đồi đầu".


Tấm bảng hiệu khảm sành khắc tên "Phù Châu Miếu".



Tượng thần Hộ Pháp trước cửa miếu.



Chính điện thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu.


Nơi thờ Đại Thánh.


Nơi thờ bà Cửu Thiên và thờ Kim, Thuỷ, Hỏa, Thổ, Mộc.


Trong không gian miếu, rồng hiện diện khắp nơi.


Trong miếu, tám cây cột đều đắp nổi rồng uốn lượn ôm lấy thân cột.


Miếu Phù Châu được cất theo kiểu chữ "Tam" quay mặt về hướng Nam,
gồm ba toà nhà nối liền nhau bởi hai sân thiên tỉnh hẹp có lợp mái.


Bức phù điêu trang trí hình tượng các loài sống dưới nước.


Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau.


Đầu đao cong mang đậm nét kiến trúc đình chùa Việt.


Du khách thập phương đến thắp hương, cầu phúc tại miếu Phù Châu.

Với diện tích khoảng 550m2, miếu Phù Châu được xây gần như bao trùm trên cồn đất, phía dưới có nhiều đá xanh lồi xung quanh. Khách muốn sang miếu phải đi bằng đò qua những rặng dừa nước thơ mộng. Ở ngay cổng vào là đôi rồng làm bằng đá cẩm thạch uốn lượn theo thế "song long đồi đầu". Từ đó vào trong miếu, rồng hiện diện khắp nơi: trên nóc mỗi tòa nhà đều trang trí rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư...  Trên bốn đầu đao có gắn hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng. Trong miếu, tám cây cột đều đắp nổi rồng uốn lượn ôm lấy thân cột.

Miếu Phù Châu được xây theo kiểu chữ "Tam" quay mặt về hướng Nam, gồm ba tòa nhà nối liền nhau bởi hai sân thiên tỉnh (giếng trời, ở đây là khoảng sân hẹp - PV) hẹp có lợp mái. Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau. Đặc biệt, toàn bộ kiến trúc trong miếu đều được trang trí tinh xảo, đắp nổi hình rồng, phượng và cẩn sành sứ, các mái vòm cũng được cẩn sành sứ và ghép hình tỉ mỉ. Hai bên tường được cẩn sành sứ mô tả các hình tượng tính ngưỡng dân gian.

Bước vào miếu, khu trung tâm thờ tự được chia làm ba phần: tiền điện, trung điện và chính điện. Riêng chính điện ở chính giữa thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu, bên trong đặt năm pho tượng gỗ thờ Kim, Thuỷ, Hỏa, Thổ, Mộc. Đối diện điện thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu là điện thờ bà Kim Mẫu, Địa Mẫu, Long Thần và Hộ Pháp. Phía trước có bàn hương án, thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền. Bên phải chính điện thờ Quan Công, bên trái thờ Bao Công.

Hiện nay, lễ hội miếu Phù Châu được tổ chức vào rằm tháng Giêng, tháng Hai và tháng Bảy. Đến đây, du khách không chỉ cầu bình an và vãn cảnh thiên nhiên sông nước mà còn có thể mua cá hay chim để phóng sinh, gieo chút sự lành cho những sinh vật nhỏ bé./.


 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.

Top