Văn hóa

Mái ấm cho người khuyết tật

Cách trung tâm Hà Nội 40km, Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương ở thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên của cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương đã trở thành mái nhà chung cho những mảnh đời bất hạnh.
Với thân hình nhỏ bé, chỉ cao 80 cm và nặng chưa đầy 22 kg, đôi chân chưa bao giờ đứng vững nhưng cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương- Giám đốc Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương tiếp chuyện chúng tôi với tiếng cười vui vẻ nhưng mang một ý chí và nghị lực sống phi thường, cô tự tin chia sẻ về những thăng trầm của cuộc sống và giấc mơ đã được hiện thực hóa của mình.

Nguyễn Thị Thu Thương sinh ra trong gia đình nghèo, nhà có 4 anh chị em nhưng chỉ có duy nhất cô là bị mắcbệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Từ nhỏ cô đã ước mơ có thể làm được một nghề gì đấy để thấy bản thân sống có ý nghĩa và có thể giúp đỡ bố mẹ về già.
 

Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương mới được xây dựng
nhưng đã có 15 thành viên đến từ các nơi đến học nghề.


Thu thương kiểm tra, hướng dẫn cách làm những sản phẩm tranh giấy cuộn của những học viên mới nhận vào trung tâm.


Thu Thương bên chiếc máy tính để giới thiệu sản phẩm của mình qua mạng xã hội.


Em Bùi Hà Linh, học viên mới theo học được 2 tháng tại Trung tâm dạy nghề
và đào tạo việc làm Thương Thương tỉ mỉ trong từng sản phẩm.


Những bức tranh được các em sáng tạo trong từng họa tiết.
 

Khâu xếp giấy tạo hình.


Công đoạn ghép giấy tạo hình cho sản phẩm.


Không chỉ dạy nghề miễn phí mà còn lo cả ăn ở, cuộc sống sinh hoạt cho các bạn.

Năm 2004, Thu Thương tình cờ xem được chương trình “Người tốt việc tốt” trên đài truyền hình Hà Nội nói về Trung tâm dạy nghề “Vì ngày mai” nên cô đã xin bố mẹ cho đi học. Cô vừa làm vừa tranh thủ học, tìm tòi và làm các sản phẩm đèn, lọ hoa làm bằng cúc áo và đan len. Cũng vừa lúc đó có người bạn của cô đã dạy thêm cho cô cách làm tranh giấy cuộn. Sau khi miệt mài học và làm được những bức tranh đơn giản, Thu Thương đã bắt đầu làm được những bức tranh phức tạp hơn.. Đồng thời cô mở rộng đưa nghệ thuật giấy cuộn vào làm các loại thiếp, hộp bút, hộp đựng đồ trang sức... Nhận thấy có thể làm kinh tế để sau này có thể tự nuôi bản thân và giúp đỡ bố mẹ về già, Thu Thương đã lập website thuongthuong.net để bán các sản phẩm do tự cô vừa làm vừa thuê thêm người làm.

Cô chia sẻ: “Khi tôi làm việc, tôi biết mình có thể thay đổi được hoàn cảnh cuộc đời. Tôi thực sự muốn giúp đỡ cho những người khuyết tật như tôi có thể học nghề, làm việc tự nuôi bản thân mình như bao người khác. Đó cũng chính là một trong những động lực giúp tôi có thể mở được Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương”.

Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương được thành lập vào tháng 3 năm 2013, học viên của trung tâm là các bạn trẻ bị khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn... Hiện nay, trung tâm có khoảng 15 học viên. Các em được Thu Thương hướng dẫn và tự tay làm các đồ lưu niệm thủ công bằng giấy cuộn như tranh về đất nước, con người Việt Nam, hộp đựng bút, hộp trang sức... Những sản phẩm được làm với sự sáng tạo hoa văn trang trí rất đa dạng. Việc hoàn thành sản phẩm phụ thuộc vào sức khỏe, tâm lý và khiếm khuyết thể hình của mỗi người. Thường mỗi học viên của trung tâm phải mất khoảng 3 ngày mới làm xong được sản phẩm và mức lương trung bình hàng tháng của các học viên từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Chứng kiến buổi học nghề và làm việc của các học viên tại Trung tâm dưới sự hướng dẫn tận tình của Nguyễn Thị Thu Thương khiến chúng tôi cảm giác đây là mái ấm gia đình của những bạn trẻ khuyết tật. Bởi không giống như mối quan hệ giữa cô giám đốc và những nhân viên mà đó là sự quan tâm, chăm sóc của người chị đối với các em nhỏ. Là học viên đã học viên tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương được hơn 2 tháng chia sẻ: “Em biết đến trung tâm qua thông tin một người bạn. Em mới đến đây học việc, dù là chưa làm được nhiều nhưng em luôn cố gắng để làm những sản phẩm đẹp. Được sống, được học tại trung tâm em rất khâm phục nghị lực của chị Thương và cảm thấy đây thực sự là gia đình của mình”.
Hiểu được điều kiện khó khăn khi đi học cũng như khao khát có nghề để nuôi sống bản thân của các em nên Thu Thương không chỉ dạy nghề miễn phí mà còn lo cả ăn ở, cuộc sống sinh hoạt cho các bạn.
 
Một số sản phẩm tranh giấy cuộn của Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương:


 



Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, Thu Thương không rời tay khỏi chiếc điện thoại của mình với những cuộc gọi đặt hàng của khách. Cô chia sẻ: “Tôi khá lo đầu ra cho sản phẩm, các bạn khuyết tật sức yếu, làm chậm nên không thể cạnh trạnh với các đơn vị sản xuất khác. Tôi thực sự mong bán được nhiều sản phẩm và nhận được có sự quan tâm của các đơn vị xã hội cho những người khuyết tật”./.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn


Top